American Dream sau tay lái

#1
Câu chuyện cóp nhặt đầu tiên trong chuyến công tác dài ngày tại Châu Á. Gặp anh chàng lái taxi Rumani sang Mỹ lập nghiệp, về quê Bucharest (București) sống như đế vương. Gọi đây là American Dream – giấc mơ Mỹ được chăng?

Văn hóa tầm…taxi

Hôm nay (26-1-2010), ra sân bay Washington Dulles, đi công tác Trung Quốc, bất ngờ gặp anh chàng lái taxi người Rumani. Tay này nói tiếng Anh như gió nhưng phát âm vẫn kiểu “bò tót Tây Ban Nha” (tiếng Ru và Tây Ban Nha khá giống nhau).

Khá nhiều dân nhập cư vào Mỹ chọn nghề này. Dân Nam Á, Trung Đông, Đông Âu, kể cả Việt Nam. Có lẽ lái xe rất dễ, kiếm tiền nhanh và ít bị thất nghiệp.

Anh Rumani này thân thiện, dễ mến, nụ cười niềm nở thường trực. Xách hành lý, mở cửa, mời khách rất chuyên nghiệp.

Thấy thẻ lái xe đề “Hacker’s License”, làm khách ngạc nhiên. Whoa, tin tặc máy tính lái cả taxi. Hay người Mỹ đang tìm cách trả đũa vụ Trung Quốc và Google bằng cách xây dựng lực lượng lái xe kiêm nghề hacker. Được anh giải thích rằng, ngày xưa, xe ngựa chở khách được gọi là hack horse, người điều khiển là hacker. Chu cha, văn hóa taxi driver cao cấp thật.

Anh còn thông báo, hôm nay lần đầu tiên sân bay Dulles khánh thành Aero Train – tầu điện tự động trong sân bay – để chuyển khách từ phòng soát vé sang chỗ ra máy bay vì sân bay Dulles rất rộng, gấp khoảng 4-5 lần Nội Bài. Trước kia phải dùng xe bus to tổ bố, mất thời gian.

Ra tới nơi, có mấy anh Nhật lùn đang cắt băng khánh thành, tivi quay, phỏng vấn. Trò này bên Tokyo có từ thế kỷ trước, thế mà mãi tới hôm nay, bố Mỹ phải nhờ ông con Nhật giúp.

Mình mở hàng đi chuyến tầu đầu tiên, hy vọng sẽ may mắn. Xem CNN nếu thấy anh nào mũi tẹt, đầu óc bù xù, gầy hốc hác, đích thực lão HM. Sẽ đăng ảnh sau.

Đi khá nhiều nơi trên thế giới, với tôi, lái taxi thuộc vào loại khó tin. Bị lừa rất nhiều lần, quên túi, cell phone coi như trả về cho cát bụi. Taxi có meter thì cho xe chạy lòng vòng để kiếm thêm. Taxi dù quát giá trên trời, khách mới đến là những con vịt béo, ngốc hơn cả ngỗng.

Win – Win

Từ nhà ra sân bay, thông thường mất khoảng từ 45$ đên 50$. Thấy không đi hướng xa lộ 66 như mọi khi, tôi hơi băn khoăn. Anh hỏi, muốn đi giá 50$ hay 35$. Đương nhiên là 35$ rồi. Hóa ra anh chọn đường ngắn nhất.

Dọc đường, anh ba hoa, tại sao sang đây làm ăn. Thời Nicolae Ceauşescu quá nặng nề. Năm 1985, anh quyết định trốn trong thùng xe tải, vượt biên qua ngả Hy Lạp (Greece). Vật vờ mấy năm, khai là tỵ nạn chế độ chính trị, người Mỹ nhận về.

Tôi kể cho anh câu chuyện bị cảnh sát kiểm tra hộ chiếu trên ga Bucharest mấy lần trong hai tiếng. Có người còn bị gọi vào phòng kiểm tra chỗ kín. Anh thừa nhận xã hội Rumani lúc đó như thế thật. Đôi lúc, người ta thay tổ quốc vì ngột ngạt về chính trị hơn là kinh tế.

Có thẻ xanh, rồi quốc tịch Mỹ, suốt hai mươi năm, anh chỉ lái “Yellow Cap”. Xe thuê khoảng 630$/tuần, thêm xăng, bảo hiểm, ước khoảng 800$/tuần cho chi phí. Xe thuê không phải bảo hành, bảo trì, thay lốp hay phụ tùng. Va đập đã có chủ xe và bảo hiểm chịu.

Như vậy, nếu 1 tuần làm ra 801$ thì 1$ kia thuộc về anh. Không tài khoản ngân hàng, không credit card, tất cả dùng tiền mặt. Khai thuế thu nhập do…tự giác.

Tự giác bên Mỹ cũng như VN ta. Nếu không có luật sờ gáy, chả dại gì mà khai quá cao. Một năm anh đóng khoảng 500$ thuế, để có thẻ an sinh xã hội (social security card) khi về hưu.

Sau khi Nicolae Ceauşescu bị xử tử (1989), hàng năm, anh về nghỉ hè ở Rumani. Gái gẩm đủ loại từ 15 đến 51, chỉ cần 30$/tối là có người phục vụ tận răng. Không vợ con, đã 53 tuổi, nhưng cách anh nâng cái vali (thường là rất nặng của người Việt) nhẹ tênh, tôi đoán, tay này không bốc phét lắm.

Mỗi lần về Rumani, anh mua thêm cái xe hơi khoảng hai chục ngàn đô la. Bán ở Bucharest được từng nấy nhưng là Euro (€). Chênh lệch khoảng từ 4 đến 5 ngàn đô la. Ít buôn bán nào có lợi nhuận cao thế. Mà sao tay này thích khoe tiền. Dân Rumani với máu Tây Ban Nha là thế chăng.

Một năm lái taxi 8 tháng bên Mỹ, ăn chơi 4 tháng bên Rumani như đế vương. Ở quê nhà có hai villa để nhẩy múa.

Lái taxi mà như ma xó, thứ gì cũng biết. Văn hóa đông tây, chính trị domino, cộng sản, tư bản, chuyện gì hắn cũng lầu lầu. Lạ thật.

Tới sân bay, giá trên meter là 32.20$. Anh ta không lừa tôi thật. Kể cả tiền típ, trả ơn câu chuyện cho entry này, tôi đưa anh 40$ chẵn.

Mọi khi vẫn trả tới 55$ kể cả tiền típ – đi taxi hay vào nhà hàng bên Mỹ, típ là bắt buộc, từ 10% đến 20% giá trị ghi trên hóa đơn – nhưng hôm nay tôi tiết kiệm được 15$. Anh Rumani lãi 8$. Xe đỡ hại, tốn ít xăng, bảo vệ môi trường. Người ta gọi là win-win.

Hai, ba ngày làm cật lực đủ trả tiền thuê xe trong tuần, bốn, năm ngày còn lại thuộc về anh. Lời ăn, lỗ chịu, lười ra đứng đường xin bố thí.

Bên Mỹ có hãng taxi như Blue Top, Red Top, Yellow Cap, gọi theo mầu xe, nhưng chẳng có xe, không nhân viên, không bến bãi. Chỉ có người nhận phone và điều phối khách. Dịch vụ taxi Mỹ thật đặc biệt.

Tôi cũng hơi nghi ngờ câu chuyện trốn chạy chế độ, có khi bố ấy là công an từng kiểm tra, sờ của quí hồi xưa cũng nên. Chuyện về Rumani chơi gái có lẽ bị thổi phồng theo kiểu đàn ông, một tấc đến trời.

Nhưng cách nói chuyện và phục vụ khách làm cho người nghe tin thu nhập của anh thuộc loại khá. Chắc là hơn các tài xế với mặt hầm hầm, chỉ tìm cách ăn gian trên đồng hồ hay đi loanh quanh, câu giờ, không chịu xách vali hộ khách.

Viết tới đây, tôi nhớ mấy bác thợ cắt tóc bên ta. Ai biết nhiều chuyện đó đây để thổi vào tai khách thì sẽ đông người đến, dù có phải xếp hàng. Tay Rumani học lỏm nghề buôn chuyện của mấy bác cúp đầu ở Hà Nội thời xưa.

Giấc mơ kiếm tiền

Nhớ lại chuyện 2 năm trước đi từ sân bay về nhà. Lái taxi là một bác già người Campuchia. Ông trốn chế độ Khmer đỏ, sang đây cũng được 30 năm có lẻ. Bác rất tự hào về sự thành đạt nơi xứ người. Hàng năm về Bangkok hay Phnom Penh để vui thú với các em. Lại còn phang mấy từ Việt rất bậy ra để chứng tỏ sự sành điệu của mình với các cô “bán hoa” nhập khẩu từ VN.

Năm ngoái sang Australia, tôi gặp anh lái taxi người Việt khá vui, vì cả hai được nói tiếng mẹ đẻ. Câu chuyện về thuyền nhân lênh đênh trên biển, nghe rất thương tâm. Rồi học nghề, bập bõm tiếng Anh khó khăn như thế nào.

Cùng một kiểu ra đi, motip khá giống nhau. Nhưng tiền típ cao hơn thường lệ vì những câu chuyện thú vị làm quà cho khách khi đợi đèn đỏ hay tắc đường.

Khách vui nên mở hầu bao. Tiền kiếm ở đâu trong thế giới toàn cầu hóa? Ở chính con người mình đó. Có thương hiệu là có tiền.

Giấc mơ Mỹ ở đâu, có lẽ những người lái taxi trên có câu trả lời hay nhất. Thay tổ quốc như thay xe thuê nếu cần. Ở đâu kiếm được $$$, đó là quê hương, đất nước và cội nguồn.

Hạnh phúc, bất hạnh, tha phương cầu thực hay thành đạt nơi chân trời, thiên đường hay địa ngục nơi cuối biển, xin nhường bạn đọc đánh giá.

Entry này có giá gốc 2$ vì tip thêm cho câu chuyện của tay lái taxi người Rumani đó, thưa quí bạn đọc. Viết lúc buồn ngủ sau 14 tiếng bay từ Dulles (Washington DC) đến Narita (Tokyo). Nếu có lỗi, các bác cứ bắt thoải mái.

Hiệu Minh. 26-01-2010.
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh” (http://hieuminh.org)

PS. Sân bay quốc tế IAD (International Airport Dulles) của Washington DC mang tên ông John Foster Dulles (1888 –1959). Dulles (Việt nam gọi là Đalét) từng làm ngoại trưởng Hoa Kỳ những năm 1950, đứng về phía Pháp trong cuộc chiến Đông Dương. Tham gia ký kết hiệp ước Geneve về Việt nam năm 1954. Gặp Thủ tướng Chu Ân Lai tại đó mà không thèm giơ tay bắt vì tư tưởng chống cộng sản không khoan nhượng. Thời nay, Obama phải bay sang Bắc Kinh để bắt tay Ôn Gia Bảo
 
Chỉnh sửa cuối: