“Cái Bang” Virginia

#1
Do máu báo chí, hay tò mò, đôi lúc tin người và trả giá. Giá của entry này là 35$ tại nước Mỹ mà Blog Hiệu Minh đang viết. Bài dành riêng cho đồng bào sống quanh Washington DC mang tính cảnh báo. For those who dont understand Vietnamese, please use the version translated by Google .

Nói đến Việt kiều ai cũng nghĩ đó là những người có học thức, sang trọng, giầu có, đô la đầy túi. Mới sống bên Mỹ vài năm, mỗi lần HM về “quê” Hà Nội, bạn bè reo hò, a, VK đã về, chiêu đãi đi. Kể ra cũng tự hào khi bạn cho mình là người giầu có.

Có điều, nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Không ai biết phía sau sự hào nhoáng đó, đôi khi là credit card đến hạn chưa trả, bill các loại đang chất trong nhà.

Nói vui thế thôi, văn hóa credit, “ăn trước trả sau” chính là thương hiệu làm nên nền văn minh phương Tây. Nước Mỹ với mùa Thu vàng Virginia vẫn là nơi mơ ước của hàng tỷ người trên hành tinh.

Ra trung tâm Eden hay về Cali thấy người Việt ta hầu hết sống khá đàng hoàng, đúng như những gì người trong nước nhìn thấy. Nhưng hôm rồi tại bang Virginia, tôi học được bài “nhờ xe” của một đồng hương.

Blog HM mắc lừa đơn giản

Khi cho hai cháu nhỏ tới thư viện để trả sách, lúc ra để lấy xe hơi, bỗng thấy một anh nhỏ thó, gầy đen đúa, đầu mượt dầu, quần áo bẩn thỉu. Thoáng trông, không thể nghĩ lại có một người Việt như thế ở nước Mỹ thiên đường.

Có lẽ lâu lắm anh không được ăn ngon, ngủ yên. Quần áo có nhãn của hãng xăng Chevron. Anh nói là đang làm cho hãng này và biết sửa xe với giọng Sài Gòn khá nặng. Có thể anh bị mất việc sau cuộc khủng hoảng kinh tế và thành người vô gia cư.

Anh nói “Chú ơi, con bị hư xe trên đường XXX, lang thang mãi mới tới được đây. Bây giờ không có cách nào về YYY (cách đó 30 miles – 50km). Chú cho con nhờ về nhà bạn lấy xe được không?”.

Tôi đã được bạn thân dạy rằng, không nên cho người lạ nhờ xe. Không hiểu sao, trông dáng tiều tụy của người đồng bào, tôi mủi lòng và gật đầu, dù không khỏi nghi ngại. Thôi, cứ làm phúc để không…phải tội.

Anh kể lể rằng suốt hai tiếng lòng vòng mà không nhờ được một ai cho đi nhờ xe, chỉ có chú là thương tình. Rồi nói, muốn ra phố PPP cách đó 5-6 miles để bắt xe về về YYY.

Khi hỏi làm cách nào đi từ xa lộ XXX về đây, anh giải thích, anh xì (Mexico) cho nhờ về chỗ thư viện này. Cách nhắc tới các địa điểm trong vùng Virginia, tên phố, các shopping malls, tôi tin anh đã rất quen vùng này. Hình như bài đã thuộc lòng và được thực tập rất nhiều lần.

Khi lên xe thì bỗng anh nói, muốn về Baltimore cách đó khoảng 50 miles, mẹ đang bị chảy máu não và nhờ người nhà lấy xe tải ra đón xe hỏng. Đang từ XXX lại đòi về Baltimore.

Nghe thế, tôi bắt đầu lo. Chót hứa thì quyết cho người ta nhờ đến phố PPP. Anh ho sù sụ, nói là khát và xin nước uống. Trong xe không có nên tôi dừng để mua nước, nhưng anh nói quên ví ở nhà. Thương tình, tôi trả 50 cent mua chai nước lọc tại quán xăng ven đường.

Đã uống mà vẫn ho liên tục, thấy ngay đây là trò giả vờ lấy tay che miệng của anh ta. Mong đi xe thật nhanh tới PPP cho hết của nợ. Nhưng thói quen làm báo, cũng muốn xem “vụ việc” này đi đến đâu.

“Bài” tiếp theo là anh muốn vay tiền để mua vé đi xe bus về Baltimore. Tôi đã đoán đúng, “Cái Bang” Sài Gòn đã sang tận nước Mỹ này. Khủng hoảng tài chính đã chui vào nhà anh, đẩy người chủ ra đường thành người ăn xin.

Trên xe có hai đứa nhỏ nên tôi quyết định không manh động, nhưng mắt để ý đến từng động thái của anh ta. Trong đầu đã nghĩ, một lúc nào đó anh sẽ giơ súng và bắt đưa xe. Giá như dọc đường gặp một xe cảnh sát nào thì tôi sẽ dừng và mời anh ta xuống.
Bút tích Cái Bang

Dẫu vậy, bình tĩnh và tỏ ra lịch sự, tôi nhỏ nhẹ hỏi, chắc anh cần tiền thì cũng OK cho mượn, mai đến sở Chevron sẽ trả lại không sao. Để tạo lòng tin, anh ghi tên, số điện thoại và địa chỉ trên phố LH.

Gần đến phố PPPP và MMM, anh xuống xe và tôi đưa 20$ để mua vé xe bus. Nhưng anh nói, 20$ không đủ về Baltimore nên muốn mượn thêm. Tôi đưa thêm 15$ và nói, chỉ có thế thôi, anh cầm tạm. Xuống xe, anh không quên nhắn, sáng mai chú gọi điện để qua chỗ con lấy lại tiền.

Đương nhiên số điện thoại 703 973 1530 là ma, địa chỉ trên Lee Highway là ma và người mượn tiền cũng là ma. Gặp “ma” Sài gòn giữa thủ đô Hoa Kỳ mới thật lạ lùng. Và còn tôi, người cho “ma” đi nhờ xe, cho ma “vay” 35$, cũng đang tự hỏi, mình là người hay “ma” lại có thể hành xử và dễ bị lừa đến thế.

Lời khuyên của Blog HM

Nếu thấy một người gầy đen nhỏ thó, mặc quần áo bảo hộ lao động Chevron, xin đi nhờ xe, hãy cảnh giác. Bài than thở sẽ khác, đi về nơi nào đó cũng khác, kiểu hỏng xe hay sự cố cũng khác, nhưng mục đích “mượn tiền” với lời hứa sẽ trả qua số điện thoại “ma” và địa chỉ “ma” sẽ giống nhau.

Chót cho lên xe rồi nên gợi ý cho tiền để người ta xuống. Nếu gặp xe cảnh sát, hãy dừng lại để nhờ người bảo vệ công lý giúp một tay. Tiện lúc nào kín đáo, dùng cell phone chụp ảnh, đưa lên blog. Nếu đã gặp hiện tượng như thế, xin mời bạn comment vào đây để mọi người chia sẻ kiến thức “nhờ xe” của “Cái Bang Sài Gòn” tại nước Mỹ.

Hơi liều lĩnh làm một việc cho người lạ đi nhờ xe, nhưng đã thuộc một bài học lớn. Đó là sự cảnh giác không bao giờ thừa. Nếu bị vào tròng thì hãy bình tĩnh. Mất chút tiền để lần sau không lặp lại lỗi lầm.

Hy vọng, entry này giúp cho nhiều người ở vùng Washington DC (Virginia & Maryland) hay một bang nào đó không mắc mưu anh “Tuấn Chevron” hay “Dũng Shell” nào đó. Thực chất, đó là những kẻ với mác đau khổ, chuyên lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.

Nhớ câu “làm phúc phải tội”, chợt cảm thấy đau xót, nếu lần sau có ai bị khó khăn thật sự mà mình lại không giúp. Khi đó, mình có tội với Trời, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế này.

Hiệu Minh. 8-2009.
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh” (http://hieuminh.org)

Xin hẹn kỳ sau nói về “Cái Bang” từ Vương quốc Anh tới Hà Nội, trọ nhà HM và quỵt tiền thuê ở Tây Hồ.
 
Chỉnh sửa cuối: