Nước Mỹ tuần qua – Số 10 - 16/05/2010

#1
Tác giả: Hiệu Minh
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh”




Dầu tràn ở vịnh Mexico. Ảnh: AP

Tuần qua HM bận hội nghị IT toàn thế giới, họp hành cả ngày lẫn tối. Mệt phờ phạc. Chả đọc báo nên ít tin tuần này. Sự kiện dầu tràn tại Vịnh Mexico (bang Lousiana) đang làm đau đầu Tổng thống Obama. Ngư dân VN tại cả hai bán cầu bị ảnh hưởng, một nơi do nổ dàn khoan và một nơi do lưỡi bò…liếm.



Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam và tôn giáo

Theo tin VOA, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đối thoại về nhân quyền hôm thứ Sáu. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả cuộc đối thoại này là thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Cả hai bên đồng ý cuộc họp kế tiếp sẽ được tổ chức sang năm tại Bắc Kinh.

Không hiểu cuộc đối thoại tương tự có xảy ra với VN hay không. Nhưng chắc chắn người Mỹ gốc Việt sẽ thích cuộc đối thoại này, vì họ coi là điều kiện để tiến tới hàn gắn. Thậm chí ông Joseph Cao còn muốn đưa VN vào CPC vì lý do tôn giáo và nhân quyền.

VOA cũng nói, Hiến pháp Mỹ qui định là chính phủ đứng ra ngoài các vấn đề tôn giáo: không có tôn giáo nào được nhà nước bảo trợ và không có chuyện kìm hãm tự do của người dân theo tôn giáo của họ.

Thomas Jefferson, một trong những nhà sáng lập nước Mỹ viết là những cấm đoán như vậy đưa đến việc dựng nên một bức tường ngăn cách giữa tôn giáo và nhà nước.

Tuy nhiên theo như giải thích của thông tín viên Mohammed Elshinnawi, một số học giả nói rằng khi có dính líu đến các vấn đề quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ nên để ý nhiều hơn đến tôn giáo và vai trò mạnh mẽ của tôn giáo trong đời sống của dân chúng cũng như của các quốc gia trên toàn thế giới.



Nữ giáo sư Havard. Ảnh: VOA.

Tiếp theo ông Michalak, đại sứ Mỹ tại Việt nam, bà giáo sư tóc vàng xinh đẹp, Regina Abrami, đại học Harvard của Hoa Kỳ đã nói rằng, sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty Trung Quốc ở Việt Nam đem lại cơ hội, thách thức cho nền kinh tế của Việt Nam.

Ngoài việc nhắc đến dự án bauxit Tây Nguyên có vẻ vô hại, bà còn nói thêm, khôn như chấy “Việt Nam phải giao thiệp với Trung Quốc và không nên né tránh nước này, và mối quan hệ đó không cần thiết phải là một mối quan hệ không công bằng. Tôi nghĩ là Trung Quốc hiện không tìm cách thôn tính Việt Nam và chắc chắn là người Việt Nam cũng sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy với tinh thần độc lập mạnh mẽ của hai nước, chắc chắn là hai nước có thể hợp tác rất tốt với nhau thông qua các hoạt động kinh tế và đầu tư trong những thập niên tới, điều này sẽ giải quyết được những vấn đề mà người Việt Nam lo ngại. Chúng ta cũng cần nhớ rằng về mặt lịch sử trong quá khứ hai nước không chỉ có xung đột mà còn có cả mối quan hệ giao thương với nhau”.



Giếng dầu ở Louisiana tiếp tục tràn

Công ty BP đang cố gắng bịt lỗ dầu tràn tại Vịnh Mexico. Họ đang tìm cách gắn một đường ống dưới nước để có thể bơm dầu tới một con tàu ở phía trên. Mấy cố gắng trước “hàn gắn” đã thất bại. Hiện nay, lỗ thủng này phun ra hàng trăm ngàn lít dầu mỗi ngày, kể từ khi giàn khoan dầu bị nổ cách nay hơn 3 tuần, đe dọa môi sinh và công ăn việc làm của hàng triệu người quanh vịnh.

Người Việt ở biển Đông (VN) bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có hiệu lực từ 16/05, và kéo dài tới 01/08. Lệnh cấm được áp dụng hàng năm kể từ 1999, cho hải phận từ vĩ tuyến 12 phía bắc quần đảo Trường Sa, cho tới vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.



http://hieuminh.files.wordpress.com...-ngai-e1baa3nh-minh-be1baa3o.jpeg?w=300&h=168
Tầu thuyền Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Bảo

Bà Phương Nga xinh đẹp nói: “Việt Nam sẽ giao thiệp ngoại giao để phản đối quyết định này của Trung Quốc. Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế.”

Phía bên đây bán cầu, tại nước Mỹ, người Việt tại bang Louisiana cũng ngưng ra biển vì nạn…dầu tràn. Công ty dầu hỏa Anh BP đang tuyển mộ thuyền bè và cư dân địa phương trong nỗ lực làm sạch dầu trên biển. Hy vọng bà con ta kiếm đủ sống trong khi chờ đợi BP xử lý “hệ thống”.

Với người Việt, có lẽ không nên chọn nghề đánh cá rủi ro này. Ở ngay tại nước Mỹ mà còn bị mất nghề, huống chi tại VN.

Nghị sỹ Cao Quang Ánh dùng tài song ngữ Việt-Anh để hướng dẫn ngư dân đối phó vụ tràn dầu. Ông này đã rất thành công trong việc xử lý trận bão lụt Katrina (2005) và được cử tri vô cùng yêu mến. Một “cán bộ” do dân, vì dân, làm việc với cả trái tim, chắc chắn sẽ được cộng đồng thừa nhận.

Chỉ có điều nghe bố ấy nói, người Mỹ tưởng tiếng Việt giống tiếng Anh, trong khi người Việt lại nghĩ, tiếng Mỹ có nguồn gốc từ tiếng Việt. Bạn có thể xem video tại đây để học hai thứ tiếng.

Nói vui thế thôi, ông Cao Quang Ánh rời VN từ lúc 7 tuổi mà nói được tiếng Việt như thế là đáng khâm phục. Còn vào đến Capitol Hill khỏi phải bàn.

Vụ dầu tràn đã làm mấy đại gia dầu mỏ cãi nhau. Transocean, chủ dàn khoan, Halliburton xây dựng đường ống của giếng, BP thuê dàn khoan và chịu trách nhiệm về giếng dầu, khi điều trần tại Thượng viện đã tìm cách đổ trách nhiệm cho bên đối tác.

Tổng Giám đốc của Transocean, Steve Newman, cho rằng “Vụ đổ dầu này là thất bại kinh hoàng về xi măng hoặc vỏ bọc hoặc cả hai, tất cả thuộc phần trách nhiệm của công ty Halliburton.”

Biết đâu, Mỹ nhập xi măng Bỉm Sơn của Ninh Bình, quê HM. Họ lại đổ cho nhà máy sản xuất ra xi măng rởm. Nhà máy lại đổ cho anh trai nhà HM, vì bố ấy sản xuất máy nghiền đá bằng phương pháp thủ công. Tiếng Mỹ gọi là finger pointing hay là đổ lỗi cho nhau.

Mỏ dầu là chùm khế ngọt, cho ba anh trèo hái mỗi ngày. Khi khế hết quả, cây đổ, ba anh tìm cách cao chạy xa bay.



Từ dầu tràn đến…dân chủ


Blog HM đã qua được 10 tuần thử sức với việc đưa tin từ nước Mỹ. Công việc này quả thật cũng mệt nhưng vui vì có nhiều bạn yêu mến chuyên mục. Nói như bác Đặng Minh Liên, HM hay “Tỷ tê nước Mỹ, soi kỹ…nước ta”, có thể khá đúng.

Tuần qua, HM thử “tỷ tê” thư trao đổi của hai bác Cao và Sơn mà làm blog nóng lên. Nếu nói về sự hòa hợp dân tộc và yêu thương thì hai bức thư đóng góp cho tiến trình này một bước lùi…vĩ đại.

Luật sư Nguyễn Hữu Liêm (California) cũng đã lên tiếng trên VOA (Voice of America) “Nội dung của lá thư nhằm đánh vào sự tiêu thụ của thị trường nội địa, tất nhiên là ở bên Mỹ này, cho cộng đồng người Việt hải ngoại, vốn đã từng chỉ trích ông trong chuyến đi kỳ vừa rồi”.

Ông Liêm coi đòi hỏi của ông Cao “nội dung chính trị thay đổi toàn bộ đường đi của một thể chế chính trị” là “bất khả thi, không thể mở đầu cho một cuộc đối thoại về vấn đề Việt Kiều”. Bố này hình như đọc “Nước Mỹ tuần qua – số 9″ … he he.

Giống như HM bị buộc tội làm “bồi bút”, bác Liêm đang bị chửi quá trời vì phát biểu này. Tuy nhiên, VOA đăng cả những tiếng nói ủng hộ sự hàn gắn và yêu thương. Xem toàn bài phỏng vấn trên VOA hoặc vào phần comment trong “Nước Mỹ tuần qua – số 9”. Nghe na ná một giọng điệu quen… :)

Tôi nghĩ mãi về sự ảnh hưởng ngoại giao của những bức thư và cách đối nhân xử thế của chính chúng ta từ cao đến thấp. Ở thượng tầng mà còn đối xử như thế, thì đương nhiên trên thế giới ảo, blogger và dân com làm sao tránh được sự chia rẽ, đối đầu. Trong lúc đó, người Mỹ “kẻ thù chính” lại muốn quên quá khứ, hướng tới tương lai.

Phải chăng, dân tộc VN đau thương này bị chia rẽ bởi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, ý thức hệ, hay chính là văn hóa Bắc Trung Nam? Xem IP cũng biết có cả còm từ trong nước lẫn nước ngoài. Đau đớn thay vì thấy “bên này, bên kia”, sự đối đầu còn khá nặng nề.

Viết chuyện này, nhớ Tết vừa rồi về quê. Chú em từng xem blog của tôi và coi ông anh theo trường phái…dân chủ. Chú ấy nói, thứ dân chủ của anh rất vớ vẩn. Xem dân ta xây dựng nhà cửa “trăm hoa đua nở”, tham gia giao thông “mạnh ai nấy chen lấn, xô đẩy”, đó mới là “dân chủ” thực sự từ “cơ sở”.

Chấp nhận sự khác biệt vẫn còn là bài học vỡ lòng với phần đông người VN cho dù họ đứng nơi đâu trên trái đất. Thấy ai nói trái tai là không thể chịu, mới có chuyện ném đá lẫn nhau.




Đèn dầu Hoa Kỳ. Ảnh: VNN

Có thể chúng ta đang cắp sách đi học. Nhưng vì học buổi tối, trong lớp bình dân học vụ, khái niệm dân chủ như ánh đèn dầu Hoa Kỳ leo lét thuở nào với chiếc bóng thủy tinh đã thủng. Chỉ cần một cơn gió thoảng sẽ tắt ngóm.

Dân chủ là quá trình “mang nặng đẻ đau” hàng thế kỷ. Không phải cứ ra nước ngoài, ở đó vài năm, ăn McDonald, uống rượu vang Pháp, đi biểu tình, là trở thành người dân chủ, hiểu biết về nhân quyền.

Không thể khẳng định, người nghèo trên Tây Nguyên không phải vì đói ăn mà không biết về giá trị phổ quát của nhân loại.

Muốn có xã hội công bằng, văn minh thì tâm thức của mỗi cá nhân phải được dạy, được hiểu và biết về điều những điều tốt đẹp của nhân loại văn minh, từ thầy cô, đến bố mẹ, rồi đứa trẻ và cả xã hội.

Tiếp tục giấu tên, ném đá vào thế giới blog ảo được coi là tự do? Hay bắt chước chú em ở quê, xây nhà thoải mái, đi đường không cần luật lệ là xã hội dân chủ?

Khái niệm này tưởng chừng đơn giản, nhưng ra ngoài đời mới thấy khó thực hiện làm sao. Ngay cả khi viết những điều này tại thủ đô Hoa Kỳ, bản thân tác giả cũng cảm thấy sự không an toàn trên ngòi bút.

Thôi cũng mong, chưa có văn minh như Mỹ hay Tây Âu, nhưng việc người VN chúng ta đoàn kết và gắn bó như cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới lại có thể làm được.

Trong lúc công ty BP đang cố bịt dầu tràn ở vịnh Mexico thì dân ta cũng nên hàn gắn vết thương lòng của cuộc chiến đã qua 35 năm.

Lỗ thủng ở đáy vịnh Mexico có thể được bịt lại rất nhanh. Nhưng vết đau trong lòng người đôi khi cần cả cuộc đời mới băng bó nổi.

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Hiệu Minh. 16-05-2010
 
Chỉnh sửa cuối: