Nước Mỹ tuần qua – Số 9

#1
Tác giả: Hiệu Minh
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh”


Thấy Mỹ xích lại gần cũng đừng mừng vội. Nghe tin Trung Quốc bắt tầu đánh cá cũng chẳng nên căm thù quá hóa…chiến tranh. Đọc báo mạng thấy người Việt “tự đánh nhau” không nên buồn. Đôi khi, đó chỉ là những pha trình diễn chính trị mà chỉ có người trong cuộc mới biết.


Tin nước Mỹ

Theo VOA, nền kinh tế Hoa Kỳ có thêm 290.000 công ăn việc làm trong tháng Tư. Đây là số công ăn việc làm nhiều nhất trong vòng 4 năm mà kinh tế Mỹ tạo ra trong một tháng. Bản phúc trình được theo dõi sát của Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng cho thấy tỉ lệ thất nghiệp đã tăng 0,2% lên tới 9,9%.

Tin vui vừa đến thì hung tin từ nước Hy Lạp nhỏ bé đã gây chấn động thế giới vì quốc gia sụp đổ về tài chính, kéo theo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến bên bờ vực thẳm. Thị trường chứng khoán đã xuống thảm hại cả hai bên bán cầu, nước Mỹ đang thoi thóp lo cho index của phố Wall.

Hy Lạp là nôi sinh ra nền kiến trúc, triết học thế giới. Bạn DTVI, chuyên gia kinh tế đã nói, vì cố giữ ánh hào quang quá khứ, Hy Lạp đã vay mượn quá nhiều để tổ chức Olympics 2004 vô cùng tốn kém cho bằng chị bằng em.

Oai không thấy đâu nhưng quốc gia đang ở trạng thái khốn cùng, nợ nần chồng chất, kéo theo cả thế giới lao đao. Thế nào xuất khẩu của VN sang EU cũng bị ảnh hưởng. Đừng bác nào nói Hy Lạp xa VN nhé.

Người Việt vùng Louisiana đang khốn đốn vì dầu loang. Nghề cá của họ bị đình đốn. Trải qua trận bão kinh hoàng Katrina 8-2005, cả New Orleans chìm trong bể nước. Vừa đứng dậy thì lại tràn dầu trong vịnh. Ông Cao Quang Ánh vào quốc hội Hoa Kỳ cũng không giúp được gì.

Hãng Washington Post có tờ Newsweek đang bị lỗ nặng và đang rao bán. Năm 2008 mất trắng 16 triệu đô la, năm ngoái mất 29 triệu. Post to mồm thế cũng đành chịu phải gọi người đến mua hộ Newsweek cho nhẹ nợ. Express là bản miễn phí trên tầu điện ngầm DC mà HM vẫn đọc và đưa tin vỉa hè trên blog. Họ cắt nốt tờ miễn phí thì HM không có gì để đăng cuối tuần.



Quan hệ Việt Mỹ – trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Tin cho biết quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết “Hợp tác là cách tốt nhất để thúc đẩy tiến bộ ở Việt Nam”. Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Hormats, nhận xét rằng tình trạng nhân quyền “có thể khiến tiến bộ về một số lĩnh vực trở nên khó khăn hơn” trong mối bang giao giữa hai nước. Nhưng ông cho rằng, Washington sẽ “duy trì tiếp xúc và hợp tác” với Hà Nội để giải quyết các bất đồng.

Trong khi đó, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) lại khuyến cáo đặt tên Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).

Chuyện cho vào danh sách CPC hay lại cho ra với người Mỹ quá đơn giản. Vấn đề họ được lợi gì về chiến lược ở Thái Bình Dương nếu VN lại rơi vào quĩ đạo của láng giềng.

VN chẳng muốn mếch lòng “bạn 16 chữ vàng”, lại chưa đủ sức vươn xa tới bên kia bán cầu. Cho nên, tầu đánh cá bị bắt, bị đâm chìm, rồi đoàn thăm viếng nhau, ca ngợi hữu nghị hết lời, vẫn tiếp tục đan xen.

Nội bộ Mỹ cũng hay. Một bên tìm cách trừng phạt VN, bên kia muốn hợp tác để giải quyết bất đồng. Tuy thế, người Mỹ còn lịch sự chán.




Việt-Việt tiếp tục…đối đầu


Phía máu đỏ da vàng với nhau, câu chuyện đối đầu tiếp tục căng hơn. Mấy tuần trước kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, đã có bao bài viết, phát biểu của cả hai phía, nhằm tiến tới hòa giải và yêu thương.

Tuy nhiên, có hai bức thư phát tán gần đây trên báo mạng, báo tin chẳng lành về chuyện hàn gắn.

Tin cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao VN, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dự kiến sang thăm Hoa Kỳ. Ông gửi thư cho nghị sỹ Cao Quang Ánh (Joseph Cao) giúp đoàn có thể “gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, trong đó có cả các cá nhân, tổ chức còn thiếu thông tin đúng đắn về Việt Nam và vẫn còn mang tư tưởng hận thù cùng những lời nói, việc làm chống lại nhà nước Việt Nam”.

Hai ông này từng gặp nhau tại Hà nội hồi tháng 1-2010. Có lẽ đây là chuyện tiếp theo để các bác công du nước ngoài, một lý do rất chính đáng để đi…hàn gắn. Tuy nhiên, nỗi buồn lại chính từ bức thư.

Hãy bỏ qua lỗi chính tả của một bức thư “quen”, cách viết và trình bày một văn thư ngoại giao cẩu thả, rồi những mỹ từ “quê hương đất nước ruột thịt”. Người nhận thư và kể cả những người có thiện chí định gặp, bị bất ngờ trước những ngôn từ thường dùng trên báo chí “kết tội các thế lực thù địch” lại được dùng trong một bức thư mang tính xã giao cao cấp này.

Còn rất nhiều người hận thù vì con đường ra đi trên biển, bị tù đày và chịu những bất công. Có người tới khi chết cũng không thể hòa hợp. Đó là sự thực mà ở xã hội nào cũng tồn tại, kể cả một nước tiến bộ như Mỹ hay Anh, nói chi đến VN bị chia cắt đau đớn sau mấy thập kỷ chiến tranh và ý thức hệ.

Mục đích thư là nhờ ông Joseph Cao làm cầu nối hòa giải. Khi có mục đích rồi thì viết như thế nào không còn là vấn đề lớn. Trong thư đâu cần những từ ngữ làm người đọc phía bên kia bán cầu nổi giận. Chính khách cần có nhậy cảm nghề nghiệp về phát biểu và viết lách. Đó là một tố chất rất cần thiết của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Đương nhiên, thư thế nào thì kết cục thế đó. Có thể Thứ trưởng Sơn cũng không thật cần thiết nhờ ai làm cầu nối nên mới viết thế. Chuyện này chỉ có người trong cuộc mới biết.


Nhưng để một cái thư thế này lên báo, thì quả thật, cung cách hòa giải và phong cách ngoại giao xứ ta cần xem lại.

Ông Joseph Cao, người gốc Việt duy nhất trong Quốc hội Mỹ, đang lo cú bầu cử giữa kỳ sắp tới. Ông “chót” ủng hộ Obama về cải cách y tế, vì người nghèo ở vùng New Orleans. Nhưng gần đây đã phải “rút” lại vì phía đảng Cộng hòa của ông đang ra sức tẩy chay vị nghị sỹ tên là Cao nhưng lại hơi thấp này.

Ông đang lo, không trúng vào nghị sỹ tháng 11 sắp tới thì lại khăn gói quả mướp về “quê” New Orleans.

Bức thư này đã giúp ông Cao như vớ thêm phao cứu sinh nho nhỏ. Lập tức ông trả lời. Tất cả ngôn từ được ông trả lời nhằm lên án chế độ tại VN. Một câu cám ơn xã giao vốn cần thiết trong các thư cao cấp cũng không thấy. Làm đến nghị sỹ, ông thừa hiểu “thank you” như thế nào khi bắt đầu trả lời một bức thư.

Ông tấn công trực diện như chính ông đang trong phòng họp ở Capitol Hill, thời gian từng giây quí như vàng, không thể bỏ qua mọi sai sót của đối phương, để bảo vệ chính kiến của mình.

Joseph Cao còn ra điều kiện cho Chính phủ Việt Nam phải thỏa mãn một số điều kiện như thả tù nhân chính trị, nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, khi đó mới có thể bàn chuyện hòa giải và đối thoại.

Nếu không, “your appeals to the Vietnamese American community will continue to fall on deaf ears – Lời kêu gọi của quí ông đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục rơi vào những cái tai điếc”.

Thư trả lời của ông Joseph Cao không phải gửi cho Thứ trưởng Sơn hay Chính phủ Việt Nam, mà gửi cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Trong nước cũng ít ai đọc thư này trừ vài anh blogger tò mò. Những lá phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới nhiều hơn dành cho ông Cao vì những trả lời đanh thép trong thư.

Là nghị sỹ, ông ấy thừa hiểu, chính phủ chỉ có thể đàm đạo với chính phủ. Một nghị sỹ không thể ra điều kiện cho một quốc gia.

Joseph Cao, người Việt xa tổ quốc từ khi 7 tuổi, trưởng thành tại xứ cao bồi, đã dùng thành thạo kế “mượn gió bẻ măng” kèm theo lối thực dụng Mỹ,.

Ông còn biết rõ, nếu không trúng cử lần tới, chả ai mời sang thăm VN, cao thấp gì nữa. Người gốc Việt cũng quên tên Joseph rất nhanh dù “Ánh” hào “Quang” quá khứ có “Cao” đến đâu.


Nhưng nếu được tiếp tục thuê nhà cạnh đồi Capitol, cả hai cộng đồng “trong nước” và “nước ngoài” đều cần đến một cánh tay như ông làm cầu nối hòa giải.

Khi đó, một vị Thứ trưởng khác phụ trách Việt kiều sẽ có thư tone “mới lạ” hơn, đọc “quen” và “thân mến” hơn. Rất có thể, sự hòa giải và yêu thương sẽ đến từ hai phía.

Còn không, phải đợi đến 2035, theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Việt Nam sẽ thành một quốc gia hưng thịnh trên thế giới. Đến lúc đó, nhiều bác bloggers sẽ “đi mây về gió”, dùng internet trên thiên đường, đọc blog có lẽ nhanh hơn và không ai…kiểm duyệt :)

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Hiệu Minh. 8-5-2010