Tìm hiểu Luật Di Trú: Vấn đề mẫu đơn I-751

#1
Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq.

Sunday, March 28, 2010


Mẫu đơn I-751 tức là đơn xin bỏ đi điều kiện của thẻ xanh 2 năm để đương sự được cấp thẻ xanh 10 năm



Sau đây là những phần tin vô cùng quan trọng và cần thiết về vấn đề mẫu đơn I-751 tức là đơn xin bỏ đi điều kiện của thẻ xanh 2 năm để đương sự được cấp thẻ xanh 10 năm. Trước đây thì khi hồ sơ bị từ chối, Sở Di Trú Hoa Kỳ gửi thư báo cho đương đơn rằng hồ sơ đã bị từ chối và sự thường trú của đương đơn bị chấm dứt. Ðương đơn không có quyền kháng cáo nhưng đương đơn có quyền yêu cầu chuyển hồ sơ qua Tòa Di Trú để đương đơn yêu cầu tái xét lại mẫu đơn I-751 từ đầu. Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ không tự động chuyển những hồ sơ đó qua Tòa Di Trú ngoại trừ đương đơn yêu cầu.

Tuy nhiên gần đây Sở Di Trú không áp dụng phương sách đó nữa. Theo tình hình hiện nay, những hồ sơ xin bỏ đi điều kiện của thẻ xanh 2 năm, khi bị từ chối thì Sở Di Trú Hoa Kỳ sẽ gửi Notice to Appear (thường được gọi tắt là NTA) ra cho đương đơn và đưa đương đơn ra Tòa Di Trú để tiến hành thủ tục trục xuất. Notice to Appear là đơn kiện của Sở Di Trú Hoa Kỳ và là thủ tục đầu tiên khi Sở Di Trú Hoa Kỳ muốn tiến hành đưa đương sự ra Tòa Di Trú để trục xuất. Sự thay đổi này là do giác thư nội bộ của Sở Di Trú Hoa Kỳ được đưa ra vào ngày 11 tháng 7, năm 2006. Giác thư đó nêu ra thủ tục để giải quyết những hồ sơ di trú liên can đến những người có thể bị trục xuất và những hồ sơ nào phải đưa ra Tòa Di Trú. Giác thư đó áp dụng vào những hồ sơ I-360 tức là hồ sơ xin thẻ xanh dưới điều luật Violence Against Women Act (tạm dịch là Sự Bạo Hành Ðối Với Phụ Nữ), hồ sơ I-751 tức là hồ sơ xin bỏ đi điều kiện của thẻ xanh 2 năm, hồ sơ I-90 tức là hồ sơ xin cấp lại thẻ xanh, hồ sơ I-485 tức là hồ sơ xin thay đổi tình trạng di trú sang thành thường trú nhân, hoặc bất cứ hồ sơ nào bị từ chối và lý do từ chối là gian lận.

American Immigration Lawyer Association (tức là Hội Luật Sư Ðoàn Di Trú Hoa Kỳ) có ra thông báo rằng chúng ta cần phải để ý vì Sở Di Trú có ý định gia tăng số cấp của Notice to Appear. Thông báo của Hội Luật Sư Ðoàn Di Trú Hoa Kỳ có đề cập đến giác thư nội bộ của Sở Di Trú Hoa Kỳ ngày 11 tháng 7, năm 2006, như tôi vừa trình bày và một giác thư khác ngày 15 tháng 5, năm 2006. Cho nên trong thời kỳ này chúng ta cũng nên để ý đến khi nộp đơn I-130 tức là đơn bảo lãnh thân nhân cho những thân nhân hiện có mặt tại Hoa Kỳ bất hợp pháp và hồ sơ bảo lãnh lọt vào một trong những diện ưu tiên. Từ trước tới giờ thì Sở Di Trú không để ý đến tình trạng di trú của người thừa hưởng trong đơn I-130. Sở Di Trú Hoa Kỳ có quyền, dưới đạo luật di trú, đưa đơn kiện đương sự ra Tòa Di Trú nếu hoàn cảnh cho phép và quyền đưa đơn kiện hay không là toàn quyền của họ. Nhưng theo tình hình hiện nay và phương hướng của Sở Di Trú Hoa Kỳ, họ có thể bắt đầu để ý đến tình trạng di trú của người thừa hưởng và nếu người thừa hưởng trong tình trạng di trú bất hợp pháp ở Hoa Kỳ, thì Sở Di Trú Hoa Kỳ có thể đưa người thừa hưởng ra Tòa Di Trú để trục xuất.

Nguồn: Người Việt Online