Nghề y tá và học y tá ở Mỹ

#1
Nghề y tá vừa có thu nhập cao, ổn định, lại là một nghề "hot" nhất ở Mỹ, nên rất được trọng vọng. Đó cũng là nghề nghiệp có thể nói là dễ dàng nhất cho một sinh viên ngoại quốc được phép ở lại làm việc tại Mỹ.

Kính gởi BBT VnExpress.

Tôi tên là Nguyễn Khánh Hưng, từng là trợ lý cho một giáo sư tại Đại học California, hiện làm vệc cho một cơ quan chính phủ Mỹ. Tôi xin được góp một giới thiệu sơ lược về ngành y tá ở Mỹ, nhằm giúp người Việt Nam chúng ta có hiểu biết đúng hơn về ngành này, để có thể hướng dẫn con em lựa chọn ngành nghề thích hợp khi du học ở Mỹ.


Về trình độ chuyên môn của một y tá Mỹ

Một y tá Mỹ nói chung phải qua một chương trình đào tạo 4 năm, tương đương với bằng cử nhân y khoa. Thực tế, vì tiêu chuẩn cao về tiếng Anh, toán và khoa học phổ thông, đa số các thí sinh dự tuyển vào ngành y tá phải học qua tại các trường cao đẳng cộng đồng (community college) 1-2 năm, mới vào được trường y tá. Như vậy, tóm lại, phải mất trung bình 5 năm mới học xong chương trình y tá ở Mỹ. Sau đó, phải thực tập hai năm, và phải thi để lấy bằng y tá ở cấp tiểu bang.

Như vậy, một y tá ở Mỹ có học vấn và trình độ chuyên môn như một bác sĩ ở Việt Nam, nhưng được đào tạo trong môi trường và điều kiện của Mỹ. Nói không ngoa, một y tá ở Mỹ có kiến thức vững vàng và khả năng sử dụng các phương tiện y khoa hiện đại hơn hẳn một bác sĩ ở Việt Nam.

Cần phải nói thêm điều này, bằng bác sĩ ở Việt Nam, dù là bác sĩ rất giỏi, không có giá trị ở Mỹ. Tôi có một người bạn, là bác sĩ trưởng khoa tại một bệnh viện lớn ở TP HCM. Anh đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 1998. Khi đến Mỹ, anh cố gắng đi học lại y tá, nhưng chỉ được một năm anh bỏ học vì không theo nổi tiếng Anh. Sau đó, anh cố gắng đi học điều dưỡng, nhưng cũng bỏ luôn.

Gần như không có khả năng cho một bác sĩ ở Việt Nam có thể học lại thành công nghề nghiệp của mình. Một bác sĩ của Mỹ, ngoài chuyện phải là học sinh giỏi ở phổ thông, phải có bằng cử nhân sinh vật (mất 4-5 năm), sau đó nếu được xét vào trường Y, phải mất thêm trên 4 năm để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Tốt nghiệp xong, phải thực tập hai năm và phải qua một kỳ thi của tiểu bang mới được cấp phép hành nghề y khoa, tức là bác sĩ.

Vai trò xã hội của một y tá Mỹ


Khi mấy cháu gái của tôi đến Mỹ học, tôi khuyên nên cố gắng theo học y tá. Cha mẹ của các cháu vốn là bác sĩ ở Việt Nam phản đối kịch liệt. Họ chỉ muốn cháu hoặc là bác sĩ, hoặc là quản lý kinh doanh. Tất nhiên là không học bác sĩ được, vì thiếu khả năng về trình độ lẫn tiền bạc. Cuối cùng, các cháu tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh (Business Management), là ngành "hữu danh vô thực", ngay cả người Mỹ cũng khó mà kiếm được việc làm với ngành này, đừng nói chi là sinh viên ngoại quốc. Đa số sinh việt Việt Nam đến Mỹ đều học ngành này: Business Administration hay Business Management - ai cũng muốn làm giám đốc cả? Vì thế sau khi học xong vẫn không thể kiếm ra việc làm ở Mỹ, phải về nước. Lúc này các anh chị tôi ở Việt Nam mới ân hận, nhưng đã muộn. Tóm lại, đa số người Việt Nam chúng ta hiểu hoàn toàn sai về nghề y tá ở Mỹ.

Ở Mỹ, chẳng hạn tại tiểu bang California, một y tá vừa ra nghề đã có mức lương khởi đầu 45.000 USD - cao hơn hẳn một kỹ sư điện toán. Sau khi hành nghề vài năm, mức lương trung bình của một y tá khoảng 60.000 USD, cộng với nhiều phụ cấp khác như bảo hiểm sức khỏe, lương hưu, bảo hiểm nghề nghiệp...

Điều đặc biệt là không hề có chuyện thất nghiệp đối với ngành y tá. Về phương diện gia đình, có một y tá là sự đảm bảo cho một đời sống ổn định ở mức tương đối khá giả. Nghề y tá vừa có thu nhập cao, ổn định, lại là một nghề "hot" nhất ở Mỹ, nên rất được trọng vọng. Đó cũng là nghề nghiệp có thể nói là dễ dàng nhất cho một sinh viên ngoại quốc được phép ở lại làm việc tại Mỹ. Và tất nhiên, về lâu dài, có thể chuyển qua thường trú nhân. Một nghề nghiệp với những đặc điểm thuận tiện như vậy, nhưng đa số người Việt Nam chúng ta lại không quan tâm và đánh giá sai, thật đáng tiếc!

Về học y tá ở Mỹ


Mỗi một địa phương, khu vực, có cơ sở hoặc trường đào tạo y tá riêng, với những tiêu chuẩn đầu vào có vài đặc điểm riêng. Do đó, theo tôi, có hai cách để tìm hiểu cơ hội đăng ký vào các trường y tá.

Thứ nhất, các em đang học tại các đại học cộng đồng nào đó, thì xin gặp trực tiếp chuyên viên hướng dẫn giáo dục (counselors) để tham khảo họ về trường học và các bước chuẩn bị đăng ký vào trường.

Cách thứ hai, có thể tìm trên internet. Chỉ cần search chữ "Nurse School", sau đó tìm các địa chỉ thuận tiện cho hoàn cảnh của mình. Tìm hiểu thêm tư cách của trường này bằng cách xác định từ thông tin của các hiệp hội giáo dục và y khoa của Mỹ. Cũng như tìm hiểu điều kiện tiêu chuẩn vào học trên mỗi website của trường, hoặc có thể điện thoại nói chuyện trực tiếp với họ.

Các sinh viên Việt nam muốn học y tá ở Mỹ phải chuẩn bị khả năng tiếng Anh thật tốt. Thông thường, yêu cầu về Anh văn khi bước vào trường y tá cao hơn đối với một đại học về các ngành thương mại hoặc kỹ thuật, tức là điểm TOEFL khoảng 200 (computer-base) hay 500 (paper-base).

Hy vọng thông tin trên hữu ích cho quý vị cũng như các em sinh viên đang tìm hiểu để lựa chọn ngành học, cũng như về ngành y tá ở Mỹ.

Nguyen Khanh Hung


Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Y KHOA

Phải công nhận những hiểu biết của tác giả Nguyen Khanh Hung qua bài viết này rất xác thực. Đừng vì tự ái mà cho rằng y tá và bác sĩ VN có khả năng như các y tá và bác sĩ tốt nghiệp tại các nước phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ.

Muốn trở thành 1 bác sĩ ở Mỹ, một học sinh phải chuẩn bị và phải học giỏi từ trung học và phải trải qua các giai đọan sau đây:

1/ 4 năm chuẩn bị y khoa (Pre-medical) tại các trường đại học và phải có điểm tốt nghiệp (GPA )cao (3.5 đến 4.0/4.0)

2/ Sau khi tốt nghiệp 4 năm dự bi y khoa, sinh viên phải học và thi vào trường y khoa (MCAT từ 28-40). Các trường y khoa sẽ tuyển chọn theo nhiều tiêu chuẩn để đồng ý phỏng vấn sinh viên. Nhưng quan trọng nhất là điểm MCAT và GPA.
3/ Sau khi sinh viên được nhận vào trường y khoa phải học 4 năm để tốt nghiệp bác sĩ y khoa (Có 2 lọai MD và DO).

Tại trường y khoa, sinh viên học 2 năm đầu chương trình y khoa qua sách vở và 2 năm sau chuyên về thực tập để chuẩn bị cho ngành chuyên môn sẽ tiếp tục sau khi tốt nghiệp bác sĩ để vào chương trình nội trú (Recidency: Từ 3 đến 7 năm nữa, tùy ngành chuyên môn). Sinh viên phải hòan tất các khóa thi: USML 1, 2, 3 (Medical licence).

Trong thời gian nội trú (Residency), siinh viên phải thi đậu ngành chuyên khoa và hòan tất Licence của tiểu bang muốn hành nghề. Nói tóm lại, muốn trở thành một bác sĩ y khoa tại Mỹ, một sinh viên phải mất ít nhất từ 11 đến 15 năm sau khi tốt nghiệp trung học.

Nguyễn Châu

Nói về những người trí thức

Tôi là một BS. Tôi được đào tạo tại Việt Nam và tôi đang làm việc tại Việt Nam. Đương nhiên, thời nay thì chuyện gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, tham dự các Hội Nghị về Y khoa đã được mở rộng toàn cầu, nhờ đó tôi và nhiều bạn bè cũng có điều kiện đi đó đây và tham gia vào môi trường Y khoa của thế giới. Có thể tiếng Anh của chúng tôi không bằng những người đang sống tại Mỹ (cũng giống như nhiều người đang sống tại Mỹ nói tiếng Việt không bằng chúng tôi!), nhưng về mặt kiến thức y khoa và khả năng chuyên môn tôi không nghĩ BS Việt Nam lại thua kém BS ở Mỹ bao nhiêu đâu bạn Hưng ạ.

Điểm khác biệt là ở Mỹ, BS được đi vào chuyên môn sâu nhiều hơn, trong khi ơ Việt Nam kiến thức của BS thường dàn trải hơn, điều này là do đặc thù về sự phân bố BS trên đầu bệnh nhân. Bạn chắc không biết mỗi BS ở VN có thể khám đến 30 thậm chí 50 bệnh nhân trong một buổi sáng, trong khi BS Mỹ chỉ nhận hẹn có 8 bệnh nhân thôi. Đó là chưa kể, BS ở Mỹ có điều kiện về các phương tiện hỗ trợ hơn so với BS ở Việt Nam.

Vì vậy, mong bạn thận trọng khi nhận định về những điều mình không biết. Đừng quên là bạn đang nói về những người trí thức nằm trong số những tinh hoa của Việt Nam đó. Bạn có biết cần bao nhiêu điểm để thi đậu vào Đại học Y Khoa không? Với 3 môn thi, bạn phải được ít nhất 24 điểm. Có năm, phải đến 27 điểm. Bởi vậy, mỗi lớp học phổ thông sĩ số chừng 40-50 học sinh, chỉ có khoảng 2 người đậu vào Y khoa, và chắc chắn đó là những người học giỏi nhất nhì lớp. HT

Ha Trang

Chỉ dồng tình với tác giả một phần


Thân gởi tòa soạn và tác giả bài báo,

Tôi là bác sĩ tốt nghiệp tại Việt Nam. Vì chồng toi nhận được học bổng nghiên cứu ở Mỹ nên tôi cũng sang USA với anh ấy. Tôi đã chấm dứt tất cả các kì thi để lấy bằng tương đương của Y Khoa Hoa Kỳ và đã hoàn thành chương trình đào tạo nội trú ở đây từ một trường Y Khoa rất tốt. Tôi không nghĩ là bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam thì thua kém và không được chấp nhận. Nhóm BS đến từ VN cùng thời với tôi cũng có rất nhiều bạn đã và đang làm lại bằng cấp tương đương ở đây.

Vài dòng góp ý với hy vọng các bạn từng tốt nghiệp y khoa tại VN đừng nản lòng vì một bài viết thiếu tính khách quan.

Cảm ơn toàn soạn cho đăng bài góp ý của tôi.

BS

Hoc nghề Y tá đối với du hoc sinh


Chào các bạn , qua bài viết của Nguyen Khanh Hung cho thấy mục đích chính của bạn ấy là giới thiệu về nghề Y tá và học ngành Y tá cho các phụ huynh có con em VN sẽ và đang du học tại Mỹ theo học ngành này để có thể được ở lại làm việc tại Mỹ sau khi du học xong ( 90% những gia đình cho con em du học tại Mỹ đều có ý định như vậy ). Cho nên các bạn có kiến thức về vấn đề này có thể tư vấn cho du học sinh có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình.

- Cần điều kiện gì để du học sinh có thể đăng ký học ngành Y tá tại Mỹ , Ngành này có bắt buộc phài là công dân Mỹ (Citizen) hay thường trú nhân ( Là người được định cư ở Mỹ có thẻ xanh )

- Nếu được học ngành Y tá thì chi phí là bao nhiêu trong suốt thời gian học 4 - 6 năm ?

- Có du học sinh nào đang học ngành này chưa ? và có ai đã ra trường và được ở lại làm việc tại Mỹ không ?

Trên đây là những thông tin mà những du học sinh VN tại Mỹ cần biết nếu được các bạn tư vấn cụ thể . Chân thành cám ơm .

Lucky

Y ta - Hay suy nghi Ky truoc khi theo hoc


Vợ tôi là một Y tá 4 năm, hiện làm tại một bệnh viện lớn tại Oklahoma. Tôi thì có bằng 4 năm Business Administration. Tôi làm cho Government. Tác giả viết rất đúng một điều là nghề Y tá rất dễ kiếm việc hơn các nghề khác. Xong hình như tác giả không biết rõ về nghành Y tá tai Hoa Kỳ.

1. Nghành Y tá tại Hoa Kỳ học rất cực so các nghành khác mà giờ giấc làm việc lại không ổn định. Như tôi đi làm từ thứ hai đến thứ sáu 7:30 AM-4:30 PM. Muốn xin nghĩ bệnh hay công chuyện nhà đột xuất lúc nào cũng được. Còn Vợ tôi thì căng lắm: lúc làm đêm, lúc làm ngày. cách tuần lại phải trực đêm. Mỗi lần xin nghĩ đột xuất thi phải nhờ đồng nghiệp làm thế.

2. Khi tôi đi làm về thì còn có thời gian dẫn con đi chơi đây đó. Còn vợ tôi khi đi làm về thì ngũ vùi vì mệt mõi. Tại Mỹ một Y tá phải có trách nhiệm với bịnh nhân tứ A đến Z. Không có chuyện Y tá gọi người nhà bịnh nhân vào chăm sóc cho người bịnh. Có hôm vợ tôi và một trợ tá phải thay quần áo cho một bịnh nhân 650 lbs (290 Kg) vừa hôn mê vừa tiêu chảy. Khi làm xong thì khỏi ăn cơm luôn.

3. Con đường thăng tiến của một Y tá và một Kỹ Sư hoàn toàn cách biệt. Với một Kỹ sư việc theo học Thạc Sỹ là một việc khá dễ dàng và có rất nhiều sự lựa chọn. Còn một Y tá như tôi nói trên đây thì khá vất vả lắm. Xin bạn đừng nhầm với hai lãnh vực Y tá và bác Sỹ. Đây là hai lãnh vực rất khác nhau. Không thể so sánh trình độ Bác sỹ việt Nam và Y Tá Mỹ. (Nếu Bác Sỹ VN không giỏi thì Bịnh nhân VN chết hết rồi còn gì)

Nói tóm lại nghành nào cũng có cái hay và cũng có cái khổ. Điều quan trọng là bạn có yêu nó không? Vợ tôi hay than nhưng lại rất yêu nghề Y tá. còn tôi khi thấy vợ tôi phải chăm sóc một ông Mỹ gần 3 tạ bị tiêu chảy là sợ lắm.

Ai cũng nói Kỹ sư, Business Administration... khó kiếm việc. KHÔNG ĐÚNG. Tất cả bạn tôi, anh tôi, và em trai tôi đều có việc làm và đủ sống. Nhưng không ai làm Giám đốc.... HÃY SUY NGHĨ KỸ KHI THEO HỌC Y TÁ CÁC BẠN NHÉ.

Hong Dinh

Tôi không thấy BS Hoa Kỳ chê BS Việt Nam


Cám ơn tác giả bài viết, nhưng bạn hiểu biết ít về ngành Y, và hình như bạn quên la bác sỹ ở VN không chỉ học trong nước mà còn học ở một số nước ngoài, chủ yếu từ Nga, Pháp, Đức, Nhật và Trung Quốc những quốc gia cũng có truyền thống vẻ vang về nganh y.

Đúng là chất lượng đào tạo BS và điều dưỡng ở VN hiện đang vấp nhiều vấn đề, mặc dầu khá nhiều trường y tại VN sử dụng giáo trình từ các trường ĐH Hoa Kỳ kể cả đào tạo bác sỹ và điều dưỡng và có nhiều lý do để ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên ra trường. Tuy nhiên nhóm BS nội trú của VN có trình độ không tồi, ngoại trừ trình độ ngoại ngữ là một hạn chế quá lớn và làm họ thua thiệt. So sánh chất lượng đào tạo tại Hoa Kỳ và tại VN thì dễ hiểu sự chênh lệch, nhưng so sánh giữa điều dưỡng và BS là sự khập khiễng hoàn toàn.

Điều dưỡng ở Hoa Kỳ có cơ hội thăng tiến tới trung tướng quân y, tại Úc thì tới đại tá quân y, nhưng dù vậy họ sẽ không bao giờ là bác sỹ cả. Chất lượng đào tạo ngành y của VN tuy còn chưa cao, nhưng nguồn nhân lực do hệ thống này tạo ra đang đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của xã hội. Ngành y ở VN đang giúp người dân vượt qua các vụ dịch bệnh như SARS, H5N1, H1N1, cholera, Dangue ... với chi phí rất thấp.

Có điều, khi mỗi dịp làm việc tại VN cùng với một số BS đến từ Hoa Kỳ, tôi chưa thấy họ chê chúng tôi như tác giả viết, cũng xin nói thêm động tác phẫu thuật của họ thô lắm, cùng ca mổ, chúng tôi rửa tay ra uống cafe rồi, họ vẫn còn loay hoay đóng vết mổ, nhưng chúng tôi ngưỡng mộ họ và cũng chưa bao giờ vì thế mà nhận xét kém về họ.

Pham Ngoc Chau

Gửi anh Hưng


Đọc bài của anh Hưng tôi hiểu anh có thành tâm muốn con em Việt Nam sang Mỹ có được sự lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi đồng ý với anh về việc này, đồng thời cảm ơn anh rất nhiều; những con người như anh Hưng rất đáng được hoan nghênh vì dù đang sống ở xa đất nước nhưng tấm lòng vẫn luôn hướng về dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên có một vài quan điểm của anh tôi không đồng tình. Thứ nhất, anh nói rằng: "Nói không ngoa, một y tá ở Mỹ có kiến thức vững vàng và khả năng sử dụng các phương tiện y khoa hiện đại hơn hẳn một bác sĩ ở Việt Nam." Xin hỏi anh tại sao với trình độ đó khi ra hiệu thuốc chỉ có đơn của bác sĩ thì dược sĩ mới được phép bán thuốc cho người mua. Rõ ràng với trình độ của một y tá, khó có thể có những chẩn đoán chính xác như của một bác sĩ với trình độ đào tạo ít nhất là 6 năm, đó là bác sĩ của Việt Nam.

Thứ hai, theo tôi, anh không nên có sự so sánh giữa bác sĩ Việt Nam và bác sĩ Mỹ một cách chủ quan như vậy. Không thể so sánh hai bác sĩ khi mà chưa nhìn vào cách làm việc của họ được. Bác sĩ tại Mỹ, như anh đã nói ở trên phải có 2 bằng đại học là Sinh vật học và Y khoa, đó là một quá trình đào tạo bài bản để tạo ra người bác sĩ có trình độ chuyên môn vững vàng. Đào tạo y khoa Việt Nam cũng phải trải qua 6 năm liên tục thu nạp kiến thức từ triệu chứng cho tới cách chữa trị,...

Phải công nhận rằng bác sĩ Việt Nam không có được nhiều điều kiện như ở Mỹ để nghiên cứu sâu về y học như tại Mỹ, vì thế chúng ta phần lớn thấy công trình y học của Mỹ nhiều hơn so với Việt Nam và rồi ngộ nhận rằng bác sĩ Việt Nam trình độ không bằng bác sĩ của Mỹ. Tuy nhiên, họ thiếu một thứ vô cùng quan trọng so với bác sĩ Việt Nam và bác sĩ nội trú của Mỹ đó là kinh nghiệm thực tế.

Ngay từ năm nhất của bất kì trường Y nào ở Việt Nam, sinh viên đã được vào viện thực tập mà công việc chính là phụ giúp cho y tá, Tôi biết những bác sĩ có thể tiêm truyền tốt hơn nhiều so với một y tá, thậm chí là chọc áp xe. Thực tế, hàng năm, sinh viên y khoa của Mỹ do không có điều kiện thực tập trong nước đã theo nhiều chương trình của các tổ chức từ thiện để đi lấy kinh nghiệm trực tiếp ở nhiều nước đang phát triền trên thế giới. Do đó có thể thấy, bác sĩ tại Việt Nam sau khi ra trường có ngay những kinh nghiệm thực tế để làm việc còn bác sĩ tại Mỹ một là theo học nội trú, hai là phải thực tập hai năm như bên trên anh đã nói mới có thể hành nghề.

Trên đây là một vài quan điểm của tôi góp ý với anh. Mong anh tích cực đóng góp những hiểu biết của mình để bậc làm cha mẹ chúng tôi có những quyết định đúng đắn khi cho con em mình đi du học. Tôi biết anh là một người Việt Nam tuyệt vời khi luôn lo lắng cho đất nước và dân tộc. Cảm ơn anh rất nhiều.

Minh Sơn

Toi la y ta My va da la BS VN


Tôi làm bac si ở VN hơn 25 năm, sang Mỹ định cư hơi trể nên chọn học ngành y tá (registered nurse). Mất 4 năm để học. Vừa tốt nghiệp, thi NCLEX xong và được cấp bằng của tiểu bang California. Lúc này người ta gọi tôi là y tá mới tốt nghiệp (new grad RN). Tôi đi xin job mấy tháng nay nhưng không nơi nào nhận. Bạn bè tôi đa số cũng không xin được việc. Các bệnh viện chỉ tuyển y tá có trên 1 năm kinh nghiệm. Các nơi không còn nhận y tá người nước ngoài nữa. Nó không còn hot như moi người nói nữa mà nó đã lạnh tanh như băng rồi! Nguyên nhân có lẽ vì suy thoái kinh tế.

Nói về việc học y tá: Rất khó xin vào học. Phải có điểm trung bình (GPA. grade point average) khi lấy các môn đòi hỏi ở đầu vào (gọi là môn prereq, ví dụ giải phẩu học, sinh lý học, toán, v.v...) cao. Điểm của tôi là 3.8 (cao nhất là 4) và phải được chọn bằng cách rút thăm (lottery) vì số người điểm cao cũng rất đông. Đầu vào khó như thế nên ngành y tá tập trung toàn những người giỏi. Chương trình học cũng nghiêm túc lắm. Đọc sách rất nhiều. So với đào tạo bác sĩ tại Việt nam thì các sinh viên Việt nam đọc sách chỉ bằng 1/10 sinh viên học y tá ở Mỹ. Nói như thế không có nghĩia là bác sĩ Việt nam kém hơn y tá ở Mỹ. Tôi chỉ nói là đa số sinh viên y khoa ngành bác sĩ ở Việt nam học hành không bài bản như học sinh học y tá ở Mỹ. Tôi cũng muốn nói là tôi đã từng là giãng viên của trường Đại Học Y Dược TP HCM.

Nguoi trong cuoc

Y Ta va Tien


Tôi sang Mỹ lúc hơn 21 tuổi, chỉ tốt nghiệp trung học ở VN, với tiếng Anh bập bẹ thôi. Với 20 năm sống ở Mỹ, tôi di chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác theo việc làm. Nay tôi đang ở một thành phố nhỏ gần Francisco, CA.

Tôi quen một hàng xóm người Mỹ, làm y tá, chỉ có bằng 2 năm với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề cũng như tôi, lương hơn 130.000 USD/năm. Trong khi tôi với bằng thạc sỹ kỹ sư (6 năm) và làm cho một công ty nổi tiếng của Mỹ bên dược phẩm, lương chỉ 100.000 USD/năm thôi.

Nếu tôi biết là lương y tá cao hơn kỹ sư thì tôi sẽ chọn học y tá 2 năm, nhanh hơn và nghề nghiệp cũng vững chắc hơn, ít thất nghiệp hơn. Nếu tôi có sự hướng dẫn lúc ban đầu là dược sĩ hay nha sĩ sẽ kiếm được rất nhiều tiền hơn so với kỹ sư thì có lẽ tôi cũng nên cố gắng để học ngành đó.

Sự thành công ở Mỹ theo tôi cần nhất là chăm chỉ học hành, có bằng cấp rồi làm việc siêng năng, cầu tiến. Tiếng Anh là một rào cản lớn trong lúc học cũng như đi làm để thăng tiến thành công.

Chúc các bạn chọn lựa một nghề nghiệp thật tốt, tiền lương cao ở Mỹ. Lao động là vinh quang rất đúng với đời sống ở Mỹ.

Con sau rom

Y Tá o Mỹ, một nghề hoàn toàn không dể dàng

Mọi việc bạn nói coi bộ rất hiểu biết về ngành y tá o Mỹ, nhưng bạn không đề cập đến y tá o My là một nghề không dễ dành, nhưng sinh viên Việt nam sẽ không theo học kip. Ngành y tá đòi hỏi học lực cao va giáo dục đạo đức vững vàng. Đây là một công việc cực nhọc và cẩn thận nhất nứớc Mỹ. Tôi la công dân Hoa Ky đang theo học ngành y tá, tôi đã từng học o Community College, nơi tôi học co tới gần 50% la học sinh Vietnam, dân định cư và du học, nhưng con số học ngành y tá la đếm trên đầu ngón tay.

( Nick Le )
Nguoi viet kem hieu Biet ve Y Te

Kinh gửi bạn đọc,

Tôi chỉ đọc có vài dòng đầu của bài viết, tôi muốn nói với người viết rằng trình độ hiểu biết về lĩnh vực Y khoa còn rất kém.

Bạn không thể so sánh Bác sĩ Việt Nam va Y ta Mỹ một cách lệch lạc như thế. Vì đó la so sánh khập khiễng. Tôi không phải là Bác Sĩ, nhưng tôi biết rằng Bác sĩ và Y tá là hai lĩnh vực khác nhau. Bạn không nên đem một trường hợp người Bác sĩ ở Việt Nam qua Mỹ rồi so sánh như vậy.

Tôi muốn sẵn đây nói cho các bạn biết là Bằng Bác Sĩ ở Việt Nam được công nhận tại tất cả các nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh và Canada. Các bạn có thể tìm hiểu thông tin này tại trang web của Faimer hoặc WHO. Còn Bác Sĩ Việt Nam có được hành nghề ở Mỹ, Úc, Canada và Anh quốc hay khong thì đòi hỏi phải qua hai kỳ thi đó là lý thuyết (MCQ: Multible choice question) và thực hành ( Clilical ).

Tôi sẵn đây đề nghị các anh chị ở đâu trên thế giới đi nữa đừng co chê bai giáo dục trong nưóc tệ hại đến thế. Tôi muốn gửi đến các bạn rằng, để được hoc chính qui tại các trường đậi học của Việt Nam. Bạn phải qua kỳ thi cực kỳ khó khăn, chỉ 10% có thể đậu vào đại hoc của những năm gần đây, các năm trước đây; 1992 đổ về trưóc chỉ có 5%, như vậy nếu những người đậu được ĐH ở Việt nam thì đều có khả năng học tại các đại học danh tiếng của Mỹ (Top 10 trường hàng đầu của Mỷ) chứ không giống những gì mà người viết chê bai Bác sĩ VN.

Với sự hiểu biết có giới hạnh. Mong các bạn góp ý thêm.

Thân ái

Hải

Y tá cho du học sinh

Mình vừa tốt nghiệp y tá 4 năm ở 1 trường CSU ở Cali. Mình đính chính 1 chút về nursing program ở Cali, mình không biết trường tư thì sao nhưng theo mình biết thì hệ thống trường công lập như là CSU hay là UC hiện tại không nhận du học sinh vào nursing program. Điều thứ 2 là, trong suốt quá trình học thì sinh viên phải đi thực tập ở bênh viện mỗi tuần 2 buổi vì vậy sau khi tốt nghiệp thì không phải đi thực tập thêm 2 năm để thi lấy state board license như anh Hưng nói.

PGG

( Nhung Dang )


Y Ta va Bac Si

Sau khi đọc bài viết của anh Hưng và phản hồi của bạn đọc, tôi thấy ai cũng có cái lý đúng. Người ở VN thì mặc cảm cho là các anh Việt kiều coi thường BS ở VN, nhưng các bạn quên rằng điều dưỡng (nursing) và bác sĩ (MD) là hai ngành riêng biệt mặc dù làm việc cùng chung một môi trường.

Nursing diagnosis khác với medical diagnosis. Từ xưa đến giờ ở VN người ta cứ nghĩ y tá là phụ tá cho bác sĩ nên có cái nhìn không được sang trọng. Mình xin nhấn mạnh một lần nữa là hai ngành này khác biệt nhau. Bởi điều dưỡng là chăm sóc bệnh nhân nên tất cả những gì liên quan đến sức khỏe bệnh nhân thì điều dưỡng phải làm, trong đó có cả M.D's orders, cho nên người ta cứ nghĩ rằng y tá là phải làm theo lệnh của bác sĩ.

Ở Mỹ, bác sĩ không được quyền điều động y tá hay ra lệnh cho y tá. Mà chỉ có Director of Nurses làm chức năng đó mà thôi. Vài dòng để các anh chị tham khảo.

( Quang Le )

Phan hoi tu My


Tôi là một bác sĩ đang hành nghề tại Mỹ nhưng được đào tạo 100% tại VN, từng làm việc ở VN, xin bổ sung một số điểm:

1. Rất đúng nếu nói: hệ thống đào tạo Y tá ở Mỹ tốt hơn hệ thống đào tạo BS ở VN. Đây là sự so sánh giữa hai hệ thống giáo dục của VN và Mỹ.

2. Không đúng nếu nói Y tá Mỹ giỏi hơn BS ở VN. Không thể so sánh hai nghề khác hẳn nhau như vậy. Hiện nay nhân viên của tôi có cả PA (Y sỹ), NP (Y tá thực hành), RN, LPN. Bạn có thể so sánh BS đa khoa của VN (học xong trường Y, không được đào tạo gì thêm, về làm BS ở trung tâm y tế xã hoặc huyện) với PA hoặc NP. Nhưng nên nhớ để trở thành PA bạn cần có một bằng đại học trước khi vào học trường PA 2 năm, để có bằng NP y tá thông thường phải có thêm kinh nghiệm hoặc bằng thạc sỹ. Cả PA và NP cũng chỉ được khám những trường hợp đơn giản và luôn cần phải có BS sẵn sàng hỗ trợ.

3. Khách quan mà nói, trình độ BS ở VN không đồng đều vì chúng ta chưa có hệ thống chuẩn hóa về kiểm tra trình độ tay nghề và đào tạo liên tục. Nhưng bằng MD của VN hoàn toàn được Mỹ công nhận, muốn hành nghề được ở Mỹ bạn chỉ cần thi đỗ các kỳ thi kiểm tra trình độ chuẩn như một bác sĩ học ở Mỹ, sau đó xin việc vào các bệnh viện giảng dạy như mọi BS ở đây, học xong có quyền hành nghề như một BS học ở Mỹ. Đương nhiên là phải dùng được tiếng Anh để làm việc.

4. Tôi phải khẳng định trình độ chuyên môn của các BS ở BV lớn và đặc biệt là các BS nội trú ở VN không hề thua kém các BS ở Mỹ. Tuy nhiên, điều kiện và hệ thống làm việc ở VN thì hoàn toàn khác.

( Anh Vu )


Nghe Y ta va hoc Y ta o My


Đây là bài viết bổ ích với nhiều ý kiến xác đáng. Tuy nhiên với ý kiến cho rằng "gần như không có khả năng một BS đã học ở VN học lại thành công nghề nghiệp của mình" thì cần phải xem lại.

Tôi nghĩ với một BS có học lực giỏi, có khả năng Anh ngữ thực tốt ở VN, qua đây ở tuổi 25-26 với quyết tâm thực cao, thì vẫn còn nhiều cơ hội để học lại nghề BS.

Bác sĩ đã học ở VN thì qua Mỹ không thiếu, nhất là những BS qua đây theo diện đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm trong học có thể tiếp tục công việc cũ thì có lẽ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí, sau nhiều năm đeo đuổi con đường cũ, họ bỏ ngang giữa chừng và theo một công việc thấp kèm nào đó.

Còn ý kiến rằng BS ở VN không thua kém gì một BS ở Mỹ thì quá võ đoán. Nếu vậy bệnh nhân giàu có VN không đua nhau sang Thái Lan, Singapore, chứ đừng nói qua Mỹ để chữa bệnh.

Nhân đây tôi cũng muốn kể một câu chuyện. Tôi có người bạn là BS ở VN qua đây theo diện đoàn tụ. Ban đầu, tôi khuyên anh học ngành y tá vì tin rằng với kiến thức y khoa ở VN, anh có thể dễ dàng theo học ngành này. Anh ta trả lời: "Ở VN, anh ta là cấp trên, là người chỉ huy y tá, sao bây giờ lại phải học ngành này?". Bốn năm sau, anh ta đã từ bỏ cuộc sống ở Mỹ, bỏ lại một người vợ và hai đứa con nhỏ để quay lại VN, do không thể hội nhập với xã hội mới, do mặc cảm nghề nghiệp vì chỉ làm những công việc giản đơn để mưu sinh, do trình độ tiếng Anh kém cỏi, cũng như kỳ vọng của gia đình ở VN không đạt được.

( Thanh Nguyen )

Registered Nurse


Tôi là một RN tốt nghiệp và làm việc ở Australia. Xin góp thêm vài lời về học nghề Y tá.

Nursing students không phải bỏ ra 3-4 năm để chỉ học cách sử dụng các phương tiện hiện đại và cách chăm sóc bệnh nhân. 3/4 khóa học sinh viên phải học rất nhiều về anatomy, về bệnh lý, dược lý và phải học luôn cả cách chuẩn đoán bệnh. Kiến thức sinh học được dạy rất bài bản từ năm thứ nhất cho tới năm cuối.

Theo chương trình ĐH để trở thành registered nurse cũng rất vất vả với kiến thức chuyên môn và y đức. Vì thế cho nên đừng nghĩ rằng Y tá chỉ là những cái đầu rỗng tuếch và chỉ lao động tay chân.

Đúng là không nên so sánh Y tá với BS nhưng tôi nghĩ bác Hưng không có ý coi thường tất cả các BS ở VN, bác ấy nhấn mạnh chương trình y tá được đào tạo bài bản và bồi đắp kiến thức y khoa sâu rộng chứ không phải chỉ học qua loa. Vì thế để được qualify as a Registered Nurse, một sinh viên sẽ phải học rất nhiều và kết quả một người y tá không bị coi thường trong xã hội như ở VN.

Như vậy xin đừng tỏ ý coi thường trình độ của một Y tá. Vài dòng gửi đến những ai yêu thích làm việc trong lĩnh vực healthcare. Hy vọng các bạn có cái nhìn đúng về ngành y tá để có thêm một hướng đi trong tương lai. Chúc sức khỏe.

( lilysweetlove )