Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

ticon

Cựu Ban điều hành
#1
( Những bài viết sưu tập trong trang này không nhất thiết là quan điễm của trang web này, chỉ là những bài có tích cách viết ngắn đọc giải trí, mong đó là 1 cái nhìn đa dạng về nước Mỹ... ticon )


Trại cải huấn thiếu niên phạm pháp

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Trích từ Việt Báo

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Nguyễn Trần Phương Dung đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Sau đây là bài viết mới của cô về nhà tù thanh thiếu niên phạm pháp ở vùng Bắc Cali, nơi có 10% là các thiếu niên Việt phạm pháp.

*

7 giờ 35 sáng.

Duy quẹo xe vào cổng trại "cải huấn" James Boys Ranch. Bãi đậu lưa thưa xe. Chàng nhận ra vài chiếc quen thuộc của những đồng nghiệp làm việc ban đêm. Còn sớm chán. Gần nửa tiếng nữa mới đến giờ làm việc của chàng. Văn phòng chính phủ thường bắt đầu lúc 8 giờ. Chàng có thói quen đến sớm, bao giờ cũng có mặt trước ít nhất 15 phút.

James Boys Ranch nằm ở thành phố Morgan Hill, phía nam của vùng vịnh. Dù ở sát nách với San Jose là một trong những thành phố phồn thịnh và đông dân cư nhất của tiểu bang California, Morgan Hill vẫn bị coi là một thành phố nhỏ miền quê. Có lẽ vì 20 năm trước Morgan Hill còn là những nông trại trồng rau cỏ và cây ăn trái. Người tị nạn Việt Nam đã một thời xuống đây hái dâu, hái ớt, cắt trái cây kiếm sống. Khi kinh tế của vùng thung lũng điện tử đi lên, người Việt cũng giả từ nông trại đưa nhau đi làm ở những hãng điện tử. Những năm sau này giá nhà vùng vịnh đua nhau lên vùn vụt. Đất đai hiếm hoi, nhà thầu nườm nượp kéo dần về hướng nam mua lại những nông trại rồi xây nhà. Nhiều người hóm hỉnh nói Morgan Hill đang trở thành "Mortgage" Hill. Sát cạnh James Boys Ranch là những ngôi nhà đồ sộ đáng giá bạc triệu. Dù vậy, khi nói đến thành phố này, người Việt vẫn bĩu môi chê "vùng khỉ ho cò gáy".

James Boys Ranch nằm trên một khu đất khá lớn sát chân đồi Morgan Hill, cạnh hồ Anderson Lake thoáng mát. Không khí buổi sáng ở đây thật tinh khiết dể chịu. Duy thường đến sớm đi bộ lòng vòng khu trại một lúc trước khi bắt đầu ngày làm việc. Hôm nay vướng ly café mới mua ở 7 Eleven nên Duy chỉ đứng một nơi, đưa mắt ngắm cảnh vật xung quanh trại. Hơi mát của trận mưa đêm qua như còn đọng trên cây cỏ. Những ngọn đồi trước mặt mới mấy tuần trước còn khô cằn cỏ dại mà hôm nay đã xanh tươi sức sống. Tiếng róc rách của suối nước Coyote Creek chảy từ đập nước của hồ Anderson Lake làm tâm hồn chàng thư thái dễ chịu. Duy thích cái không khí yên tỉnh nơi đây, dù đôi khi cũng cảm thấy hơi buồn. Thời gian đầu về làm việc, nhất là những hôm mưa rơi rã rích, chàng không nghĩ là mình sẽ "chịu đựng" được lâu. Tưởng chỉ làm tạm một thời gian. Vậy mà đã 6 năm trôi qua. Bây giờ thì chàng không còn nghĩ đến chuyện trở về nghề cũ nữa.

Sống ở thung lũng điện tử, Duy không ngoại lệ làm việc nhiều năm trong những công ty high-tech. Những tưởng sẽ về hưu với nghề Quality Control nhàn hạ, nào ngờ cuộc khủng hoảng "dot com" đã đưa sự nghiệp của chàng qua một ngã rẻ khác. Bước qua thiên niên kỷ mới chưa bao lâu, nền kinh tế Mỹ đang ở trong thời kỳ cực thịnh bỗng dưng tuột dốc cái ào. Thị trường trứng khoán đang từ màu "xanh rì" chuyển sang "đỏ choét". Hiện tượng "bong bóng bể" xẩy đến với nhiều công ty mà trước đó không bao lâu còn được đánh giá cao với giá cổ phần tăng vù vù ngay từ ngày đầu tiên ra trình làng. Hy vọng làm giàu nhanh, về hưu sớm của nhiều người phút chốc bị đập tan. Cổ phần xuống giá, hãng xưởng lỗ lã đua nhau sa thải nhân viên. Nhiều hãng còn phải khai phá sản và đóng cửa. Duy không may lọt vào danh sách dài thòng của những người "được" nằm nhà ăn tiền thất nghiệp.

Làm "Mr. Mom" bất đắt dĩ được 2 tháng, đang "rầu thúi ruột" thì nhận được cú điện thoại của thằng bạn làm trong văn phòng Mental Health của quận hạt Santa Clara. Ê, có muốn làm social worker coi đám thanh thiếu niên phạm pháp không? Chàng phì cười. Có lộn không, background của tao là high-tech, biết gì về xã hội mà làm? Sao không, thằng bạn cãi. Không phải mầy mười mấy năm nay theo các cha các sơ "vác ngà voi" tổ chức tỉnh tâm, trại hè cho giới trẻ à? Cái đó không phải là công tác xã hội thì là gì? Mầy không có bằng chuyên môn về ngành này nhưng có kinh nghiệm. Người ta đang cần người biết tiếng Việt để chăn đám ranh con da vàng mũi tẹt và giúp cho gia đình của chúng. Ngoài những trở ngại về ngôn ngữ, rất nhiều người, kể cả những sắc dân khác, không rành về luật lệ và thủ tục "ủ tờ". Cứ thảy resume cho tao, kêu mấy ông cha mấy bà sơ của mầy viết thêm vài lá thư giới thiệu. Được nhận rồi buổi sáng đi làm, buổi chiều đi học khóa cấp tốc 9 tháng "Empowerment Skills for Family Workers" là thành chuyên viên ngay.

Và Duy trở thành nhân viên xã hội thật thụ. Chàng làm việc ở trại cải huấn thanh thiếu niên phạm pháp, được trả lương và hưởng đầy đủ phúc lợi để giúp giới trẻ chứ không còn "rảnh hơi vác ngà voi không công" như thằng bạn thường chọc.

Khi vào làm cho quận hạt rồi Duy mới thấy tổ chức luật pháp của Mỹ rất qui mô, dù là cho trẻ em vị thành niên. Nếu như không rành về thủ tục và không biết kiếm thông tin ở đâu, gia đình của những em phạm pháp rất dễ bị hoang mang bối rối.

Một trong những nhiệm vụ chính của chàng là giúp đỡ cho những gia đình có con em trong trại cải huấn về thủ tục và thông tin liên quan đến các em trong suốt thời gian bị tại giam và khởi tố.



Thủ tục pháp lý với trẻ

vị thành niên phạm pháp

Đây là loại pháp lý khá phức tạp. Khi một thiếu niên dưới 18 tuổi phạm pháp, quá trình phải trải qua như sau:

1. Arrest - Bắt giam.

2. Arresting Officer Options - Người Sĩ Quan Bắt Giam có những lựa chọn như sau:

- Để đứa nhỏ hay để nó tự về nhà cha mẹ, hay dẫn nó về nhà hay về lại chổ bị bắt. Có thể lưu giữ lý lịch của người liên lạc (contact person).

- Giới thiệu đứa nhỏ qua một Văn Phòng Xã Hội (Social Office) lo chỗ ở, chăm sóc, giải trí lành mạnh, hay cố vấn tâm lý.

- Bắt đứa nhỏ lại Ty Cảnh Sát (Police Department) hoặc Văn Phòng Quản Chế (Probation Department).

- Cho cha mẹ và đứa nhỏ Lệnh có Mặt (Notice to Appear), và cho biết những gì phải làm và khi nào.

- Bắt giam đứa nhỏ trong tù tạm thời (Juvenile Hall), trường hợp này cũng được gọi này là "tại giam" (In-Custody). Nếu đứa nhỏ bị giam giữ, người cảnh sát phải liên lạc cho ba má nó biết là nó đang bị tại giam và hiện bị nhốt ở đâu.

3. Probation Department Options - Văn Phòng Quản Chế cũng có những lựa chọn. Khi đứa nhỏ gặp người Sĩ Quan Quản Chế (Probation Officer) lần đầu tiên, một trong 3 điều sau đây có thể xẩy ra:

- Sĩ Quan Quản Chế có thể khiển trách đứa nhỏ rồi cho về nhà mà không phải liên hệ với Tòa Án dành cho Thanh Thiếu Niên (Juvenile Court).

- Sĩ Quan Quản Chế có thể đề nghị cho đứa nhỏ một chương trình tự nguyện thay vì phải ra tòa. Thường thường nếu đứa nhỏ hoàn thành một cách mỹ mãn chương trình đề nghị (thí dụ như học những lớp đặc biệt hay dự chương trình cố vấn lạm dụng rượu bia hay ma túy, làm công tác xã hội, dọn dẹp rác rến&) thì không cần phải liên hệ với Tòa Án dành cho Thanh Thiếu Niên.

- Sĩ Quan Quản Chế có thể giới thiệu hồ sơ qua Luật Sư Địa Hạt (District Attorney). Sau đó luật sư sẽ quyết định có nên đệ trình kiến nghị (file a petition) hay không. Nếu như đứa nhỏ bị tại giam, kiến nghị phải được đệ trình trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Phiên tòa phải được tiến hành trong vòng 24 tiếng sau khi luật sư đệ trình kiến nghị.

Ghi chú: Nếu Tòa Án Thanh Thiếu Niên không liên hệ, đứa nhỏ sẽ không bị hỏi có nhận những tội bị cáo buộc hay không, và những cáo buộc cũng sẽ không bị lưu vào hồ sơ.

4. Office of District Attorney - Văn Phòng Luật Sư Địa Hạt quyết định có đệ trình kiến nghị hay không.

5. Detention Hearing - Tại buổi hầu tòa này, một luật sư sẽ được chỉ định để đại diện đứa nhỏ. Thường thường Tòa sẽ ra lệnh cho Văn Phòng Quản Chế chuẩn bị một bản báo cáo về tiểu sử của đứa nhỏ ở nhà và ở trường để có thể giúp Tòa quyết định có cần can thiệp vào đời sống của nó hay không. Nếu không thể giải quyết vấn đề trong lúc này, hồ sơ sẽ được lên lịch để qua Pre-Trial Conference.

6. Pre-Trial Conference - Tại đây, đứa nhỏ có thể nhận những tội bị cáo buộc. Nếu không, hồ sơ được đưa ra Jurisdiction Hearing ở Juvenile Court để xử.

7. Trial or Jurisdiction Hearing - Tại đây, nhân chứng sẽ được gọi lên và luật sư hai bên sẽ trình bày những tranh luận. Quan tòa sẽ quyết định Luật Sư Địa Hạt có chứng minh được những cáo buộc, vượt qua những hồ nghi hợp lý, hay không.

8. Disposition Hearing - Nếu đứa nhỏ nhận tội, hay nếu Quan Toà nhận thấy những cáo buộc là đúng, tại buổi Disposition Hearing này Quan Tòa sẽ quyết định phải làm gì để cải huấn đứa nhỏ. Quan Tòa có thể ra lệnh đứa nhỏ về quản chế tại nhà, đến một nhà dành cho thanh thiếu niên (Placement Home), vô trại cải huấn (Juvenile Rehabilitation Center/The Ranch), ở lại trại tù tạm thời của quận hạt (Juvenile Hall) để chờ tòa tuyên án hay sắp đặt, hay trong những trường hợp tội nặng, tới nhà tù thiếu niên của tiểu bang (California Youth Authority).

9. Review - Duyệt xét lại hồ sơ.

Trong tất cả các trường hợp liên can đến trẻ em vị thành niên, Tòa sẽ cố gắng cân nhắc những nhu cầu đặc biệt của từng em, để tìm cách giúp các em trở lại với cuộc sống lành mạnh bình thường, trước khi quá trể. Tòa có thể ra lệnh các em vào các chương trình cố vấn, học tập hay công tác thiện nguyện. Tùy theo mức thu nhập, gia đình các em có thể phải trả lệ phí và hoàn tiền lại cho chương trình. Các em cũng có thể được ấn định cho một người Sỉ Quan Quản Chế trông nom.

Nếu các em được đặt dưới sự chăm nom của Tòa như những vị thành niên phạm pháp, Tòa sẽ có những lệnh để bảo vệ cho các em và cộng đồng. Các em có thể được:

- sống ở nhà dưới sự giám sát của tòa.

- sống ngoài nhà của gia đình, ở một facility bị khóa hay không khóa, tùy thuộc vào tuổi của đứa nhỏ, tính chất nghiêm trọng của tội đã phạm, và quá khứ tội phạm.

Trong trường hợp tội nặng, Luật Sư Quận Hạt có thể yêu cầu trẻ em vị thành niên bị xử như người lớn.

Vào trại cải huấn

Khi được đưa vào Trại Cải Huấn, các em thiếu niên được đặt dưới quyền trông nom của những người Cố Vấn Quản Chế, được dạy dỗ bởi những thầy cô dạy các chương trình học tập, giám sát bởi những chuyên viên Sức Khoẻ Tinh Thần, cai rượu và xì ke ma túy bởi Cơ Quan Pathway, và nâng đỡ bởi những nhân viên Xã Hội. Ngoài ra, còn có một số người lo những chương trình đặc biệt, nấu ăn và dọn dẹp phòng vệ sinh trong trường học cho các em. Đây là một tổ chức qui mô, với sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa các văn phòng chính phủ và tư nhân.

Quận hạt Santa Clara vùng Bắc California hiện tại có hai trại cải huấn giam thanh thiếu niên phạm pháp: Muriel Wright Residential Center nằm ở phía nam San Jose. Và James Boys Ranch nằm ở Morgan Hill.

- Muriel Wright Residential Center giam cả nam lẫn nữ thiếu niên. Nam từ 13 đến 15 tuổi rưởi, nữ từ 13 đến 18. Trung bình trại giam từ 30 đến 40 em, khoảng 1/3 nam, 2/3 nữ. Các em được ghi danh vào chương trình học theo nhu cầu của từng cá nhân và có thể đủ tiêu chuẩn để thi lấy bằng General Education Program. Ở đây chú trọng đặc biệt đến những em cần những dịch vụ ngoài chương trình học vấn thường, được cung cấp bởi những cơ quan Contracted Agencies bên ngoài. Những chương trình này bao gồm: Giáo Dục về Rượu và Thuốc, Trị Liệu Bịnh Lạm Dụng Thuốc, Những Người Ghiền Rượu Vô Danh Alcoholics Anonymous, Điều Khiển Cơn Nóng Giận, Bạo Hành Trong Gia Đình, Cấp Cứu CPR/First Aid, Lạm Dụng Tình Dục, Khả Năng trong Đời Sống, Sức Khỏe Tinh Thần, Nuôi Nấng Con Cái, Dịch Vụ về Đạo, Điệu Nhảy Dân Tộc Los Lupenos và Can Thiệp Chống Băng Đảng.

-James Boys Ranch giam nam thiếu niên tuổi từ 15 rưởi đến 18. Trung bình trại giam từ 60 đến 80 em. Ở đây ngoài chương trình Trung Học Blue Ridge High School Program mà các em có thể lấy bằng General Education Program, các em còn có thể tham dự vào các chương trình làm việc trong và ngoài trại. Các em làm những công việc của quận hạt Santa Clara Valley Water District, và những công việc xã hội community work. Ngoài những chương trình đặc biệt như của Muriel Wright Center kể trên, James Boys Ranch còn dạy về Kỷ Thuật Xây Cất, Sửa Xe, Thể Thao, Hàn, Chương Trình Trồng/Chie^'t Cây từ Hạt, và Thuyết Trình về Chương Trình Cải Huấn Thanh Thiếu Niên của Tiểu Bang. Những em thuộc băng đảng có hình xâm trên người có thể yêu cầu phá đi qua chương trình Tattoo Removal.

*

Duy là nhân viên Xã Hội của văn phòng Mental Health của quận hạt Santa Clara. Chàng chia giờ làm việc ở cả 2 trại James Boys Ranch và Muriel Wright Residential Center. Chàng cộng tác chặt chẽ với nhân viên thuộc tất cả văn phòng khác đang làm việc tại trại cải huấn để tìm ra nhu cầu và bịnh tình của các em để tìm phương cách điều trị. Chàng gặp gỡ các em thường xuyên để quan sát, theo dõi, nâng đỡ, cố vấn tinh thần và ghi danh các em vào những chương trình học tập thích hợp.

Duy hài lòng với công việc mang tính cách giúp đỡ người khác.

Trẻ em vị thành niên

phạm pháp người Việt

Nhóm Xã Hội của Duy coi sóc cho tất cả các em trong trại. Duy đặc trách cho nhóm Á Châu. Tất cả những hồ sơ Việt Nam đều thuộc trách nhiệm của chàng. Trẻ em vị thành niên phạm pháp người Việt bị giam trong trại cải huấn của quận hạt Santa Clara chỉ vài phần trăm so với những sắc dân khác. Thời gian đông nhất có khoảng 10 em Việt Nam, chừng 10% tổng số. Các em phần đông bị giam vì tội đánh lộn, thuộc thành phần băng đảng, ăn cắp, trộm cướp, hay dùng xì ke ma túy.

Các em Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần. Có em từ các gia đình khá giả, ba mẹ là những người có máu mặt trong cộng đồng, cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng thiếu thốn tinh thần. Có em mới qua chưa bao lâu, ba mẹ phải đi làm đầu tắt mặt tối không có giờ hướng dẫn các em. Có em cam phận mồ côi trong khi cha mẹ còn sống sờ sờ, phải ăn mày tình thương của bà con họ hàng, tủi phận và bất mãn bỏ nhà đi hoang, gia nhập băng đảng. Có em thuộc gia đình "chắp nối", tức cha kế, ghét mẹ ghẻ, "quậy" tưng bừng cho bỏ ghét. Có em cuộc sống gia đình không có gì chê trách nhưng rãnh rỗi kết bè kết lũ tập hút thuốc, chơi xì ke. Có em hiền lành ngoan ngoãn nhưng đi học bị đám du côn ăn hiếp, lâu ngày tức nước vỡ bờ, kêu anh kêu em rình rập tìm cơ hội trả thù để rồi chính mình vào tù mà đám du côn vẫn nhởn nhơ sống thảnh thơi.

Duy có bổn phận liên lạc với phụ huynh các em để tìm hiểu về gia cảnh và giúp đỡ cho họ những gì cần thiết. Hầu hết tất cả mọi người chàng gặp đều rất đàng hoàng. Mỗi gia đình một hoàn cảnh riêng nhưng ai ai cũng thương yêu con cháu và mong mỏi cho chúng nó nên người. Cái thành kiến "con cái hư là vì gia đình không ra gì" chỉ đúng với một thiểu số nhỏ. Vấn đề lớn là làm sao dạy dỗ để chúng nó không đi lạc đường.

Gian đoạn tuổi vị thành niên dở dở ương ương tự nó đã là một thử thách cam go cho cả phụ huynh lẫn thanh thiếu niên. Hai thế hệ lớn lên từ hai môi trường khác biệt Tây và Ta càng khó cảm thông cho nhau. Xã hội ngày nay lại có quá nhiều cám dỗ cạm bẫy. Càng ở những thành phố lớn, nơi có nhiều chỗ ăn chơi, càng nguy hiểm. Con cái bước chân ra đường là ba mẹ ở nhà đứng ngồi không yên. Cho đi thì lo mà không cho đi thì không được. Nhu không được mà cương cũng không xong. Bất cứ chuyện gì cũng có thể bắt ngòi cho những hiểu lầm, bất hòa giữa hai thế hệ. Làm sao để hiểu nhau? Làm sao tìm được quân bình giữa phong tục "bảo thủ" Việt Nam và "thoải mái tự do" của Mỹ? Điểm "trung" giữa "nắm tay dẫn dắt con cái để chúng không vấp ngã vào những sai lầm mà ba mẹ đã nhìn thấy trước" và "để con tự lập, tự phạm sai lầm và học hỏi từ những sai lầm của chính mình" ở đâu? Thế nào là quá khắt khe, thế nào là quá dễ dãi? Những gì nên nói chuyện với con, những gì nên để cho nhà trường dạy hay để chúng lớn lên "tự biết"? Khi nào là lúc nên nói với chúng về những vấn nạn thời đại như tình dục, ngừa thai, bạo động, xì ke ma túy? Đây là những ưu tư hàng đầu của những bậc làm cha làm mẹ chứ không riêng gì của những người có con em bị giam trong trại cải huấn.

Càng thấy nhiều trường hợp thanh thiếu niên Việt Nam hư hỏng Duy càng đâm lo. Không bao lâu nữa các con của của chàng sẽ đến giai đoạn vị thành niên. Chàng rút tỉa học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương của những đứa trẻ và gia đình chàng đang giúp, lòng cầu mong gia đình chàng sẽ không phải lâm vào trường hợp tương tự.

8 giờ 30 sáng.

Ly cà phê trên bàn nguội ngắt. Duy lay hoay viết báo cáo cho những việc làm ngày hôm qua và chuẩn bị cho những việc làm hôm nay. Chàng dự định dành trọn ngày cho các hồ sơ Việt Nam.

Có tiếng bước chân ngoài hành lang. Anh chàng Probation Counselor người da đen thân thiện hiện ra nơi khung cửa với một cậu bé chừng 16 tuổi. Duy tươi cười:

- Chào Martin. Khỏe chứ?

- Còn đi làm là còn khỏe. Tôi đi qua cafeteria mua ly cà phê, luôn tiện đưa "lính mới" qua gặp bạn đây.

- Tôi đang chuẩn bị đi qua bên bạn đón cậu bé đó chứ. Cám ơn bạn đã đở cho tôi một chuyến cuốc bộ.

- Có gì đâu, tiện thể mà. Lát nữa bạn đưa cậu bé về nhớ ghé tôi nha. Mình ra ngoài hít thở không khí buổi sáng.

Martin nháy mắt rồi bỏ đi. Duy nhìn theo lắc đầu cười. Cái "ống khói" đi tìm bạn đồng hành đây. Chàng bỏ thuốc lá đã lâu nhưng thỉnh thoảng cũng ra đứng nói chuyện tầm xào và "ngửi khói" với Martin. Những hôm trời âm u xam xám như hôm nay, chàng cảm thấy thèm điếu thuốc lá, nhưng ráng nhịn để "chìu vợ và làm gương cho các con".

Thằng bé vẫn đứng tần ngần nơi cánh cửa. Duy chỉ cái ghế trước mặt:

- Vào đây ngồi. Tony phải không?

- Yes, Mr. Nguyen.

À. Thằng bé đã biết tên mình. Không biết nó để ý thấy bảng tên trên bàn hay hỏi ai khác? Khá lắm. Chàng hỏi tiếp, vẫn bằng tiếng Anh:

- Tony nghe và nói được tiếng Việt không?

- Yes, Mr. Nguyen.

Chàng chuyển sang tiếng Việt:

- Gọi "chú" được rồi. Tony sinh ở Mỹ, biết tiếng Việt chắc là ba má nói tiếng Việt ở nhà hả?

Thằng nhỏ cười, khoe hai chiếc "răng thỏ" thật dễ thương. Con nít lớn lên ở đây dinh dưỡng đầy đủ nên đứa nào đứa nấy có những chiếc răng cửa to khổng lồ. Hai hàm răng của Tony trắng đều chứng tỏ đã được niềng và chăm sóc kỹ lưỡng. Nó nói một hơi:

- Dạ, ba má con bắt nói tiếng Việt ở nhà. Hồi đó con còn đi học tiếng Việt ở nhà thờ mỗi thứ bảy nữa. Nhưng sau này ba má bận công việc nên không ai chở con đi nữa&

Thằng nhỏ bỗng im bặt, ánh mắt lộ một thoáng buồn. Chàng nhỏ nhẹ:

- Còn nói được tiếng Việt như vậy là giỏi lắm. Vậy thì mỗi lần gặp nhau mình có thể nói tiếng Việt hoặc tiếng Anh, tùy Tony thấy cái nào thoải mái hơn.

- Dạ, con thích nói tiếng Việt.

Chàng nhìn thằng bé ngạc nhiên. Tony mặt mày sáng sủa, ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép. Theo như trong hồ sơ thì Tony con nhà khá giả, bố doanh nhân, mẹ dược sĩ. Tony sinh ở Mỹ, đang học Trung Học ở một trường công thuộc khu nhà giàu. Điểm học của Tony khá, không một lời phê phàn nàn nào từ các thầy cô, không một "vết đen" nào cho đến hết năm lớp 10. Niên học năm nay bắt đầu được hai tháng thì Tony đột nhiên dở chứng, liên tục vô cớ gây chuyện trong trường. Sau mấy lần bị "cảnh cáo", Tony bị Tòa cho vào trại cải huấn 6 tháng với lý do "đánh lộn".

Nói chuyện một hồi Tony mới thổ lộ là ba mẹ nó bận rộn quá, suốt ngày lo làm ăn. Nó là con một nên chẳng có ai để chơi chung và trò chuyện. Nhà nó trên ngọn đồi Evergreen. Muốn đến nhà nó phải đi qua cổng có security gác. Bạn bè nó ngại đến thăm. Ba má nó cũng không muốn ai đến lúc ông bà không có ở nhà. Ngoài giờ học, nó đi ra đi vào căn nhà đồ sộ, làm bạn với máy vi tính, máy video games và TV. Làm bài cũng mở TV, ăn tối cũng mở TV, đi ngủ cũng mở TV. Nó muốn được nghe tiếng động. Nó thèm được nghe tiếng người. Nó nghe nói ở trong trại cải huấn vui lắm. Đám nhóc được chia thành từng nhóm, sống và sinh hoạt chung với nhau cả ngày. Ban đêm ngủ chung trong một căn phòng tập thể. Tuy mang tiếng bị nhốt nhưng chúng được ăn, được học, được chăm sóc đủ thứ. Ngày 24 tiếng lúc nào cũng có Cố Vấn Quản Chế và nhân viên Xã Hội bên cạnh lo cho chu đáo. Nó cố tình đánh lộn để bị bắt vào trại cải huấn một lần cho biết.

Tony kể chuyện đi tù như con nít kể chuyện đi thăm park Disneyland. Cũng với điệu bộ hào hứng, nét mặt hí ha hí hửng như mình đang làm cái gì hay ho lắm, như đi tù là cái gì sung sướng lắm. Thằng bé có đời sống vật chất quá thừa mứa trong khi tinh thần thì đói khát. Nó thèm khát tình liên đới với người khác đến độ phải tự đưa mình vào tù để có bạn. Duy thấy lòng xót xa, vừa giận vừa thương thằng bé.

10 giờ 30 sáng.

Duy đưa Tony về dãy nhà ở. Buổi gặp mặt đầu tiên bao giờ cũng lâu. Cần bỏ giờ làm quen, quan sát, tạo tin tưởng lẫn nhau. Duy ghé ngang văn phòng của những người Probation Counselors. Văn phòng "cubical" với những vách thấp được ngăn ở một góc phòng ngủ tập thể để tiện việc canh chừng lũ nhóc. Martin đang thầm thì gì đó với những người counselors khác. Thấy Duy, Martin quay qua nói với họ:

- Tôi đi nghỉ giải lao đây. Chút xíu sẽ trở lại.

Ra ngoài, Martin đứng hút thuốc, Duy ngồi nhìn dòng suối tìm một chút thư giãn. Im lặng một lát, Martin lên tiếng:

- Bạn biết chuyện gì xảy ra cuối tuần vừa rồi chưa?

Duy lắc đầu nhìn Martin chờ đợi. Martin rít một hơi dài rồi tiếp:

- Còn nhớ thằng Jose H. không?

- Thằng nhỏ vừa xong chương trình của trại và được về nhà 2 tuần trước?

- Đúng rồi. Thứ sáu vừa rồi nó tụ tập ở một tiệm fast food nơi khu vực phía đông San Jose với đám bạn, cãi nhau sao đó với một đám khác và bị bắn chết.

Duy đứng như trời trồng. Thằng nhỏ người Mễ to con hay rủ chàng đánh ping pong mỗi lần gặp mặt. Thằng nhỏ láu cá lần đầu khinh địch đòi chấp chàng và bị chàng dũa te tua 10 ván liên tục. Thằng nhỏ cố gắng tập luyện hy vọng có ngày thắng được chàng, để chàng mua cho nó cái Quarter Pound Meal của McDonald's. "Mấy người nấu ăn trong trại làm French fries dở ẹt, chỉ McDonald's là làm ngon và giòn nhất," nó vẫn thường nói với chàng như vậy. Thằng nhỏ lần nào cũng thua nhưng chàng thương tình thỉnh thoảng buổi trưa vẫn ra mua McDonald's đem vô cho nó ăn. Thằng nhỏ trước khi được thả ra còn cười toe toét khoe với chàng là nó sắp được làm cha. Lúc nó bị bắt vô trại cải huấn con bồ 15 tuổi vừa báo tin có thai...

Duy cảm thấy chóng mặt buồn nôn. Phải mấy phút sau chàng mới lấy lại được bình tỉnh. Chàng ra dấu cho Martin đi trở vô. Chàng còn cái hẹn với một cậu bé Việt khác. Martin dập tắt điếu thuốc rồi nhìn sâu vào mắt chàng:

- Còn nữa. Thằng bé bắn chết Jose đã bị bắt. Nó đang bị giam ở Juvenile Hall. Có thể tụi mình sẽ bị yêu cầu qua bên đó để gặp và giúp nó. Chuẩn bị tinh thần đi nhé.

11 giờ sáng.

John ngồi đong đưa 2 chân, nét mặt 17 tuổi nhìn non như 15. Cuối tuần vừa rồi John được về thăm nhà, trở lại thấy vui vẻ hẳn lên.

Bằng một phương pháp khách quan, mỗi tuần các em trong trại được phê điểm cho những tiến triển của việc học, sự tham gia trong những chương trình đặc biệt, công việc phải làm trong trại và hạnh kiểm. Sau khi nhập trại 30 ngày, nếu điểm phê tốt, các em được về nhà một hay cả hai ngày cuối tuần. Em nào không được về thì ba mẹ hay người giám hộ có thể vào thăm vào ngày Chủ Nhật, từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

Chàng hỏi nó:

- Ba má khoẻ không, John?

- Dạ khỏe. Má con gửi lời thăm chú. Ba nói hôm nào chú rảnh ghé nhà con nhậu với ba một bữa.

- Ừ, lát nữa chú gọi cám ơn ba má. Vài bữa nữa chú ghé thăm, nhưng đi nhậu thì chắc là không được...

- Chú sợ bị cô la hả? Thằng nhỏ tài lanh cắt ngang.

Duy nhìn nó trìu mến. Thằng nhỏ trắng trẻo bảnh trai, nói năng lễ phép, chỉ phải tội cộc tính. Nhà bốn anh em trai thì hết ba thằng nếm mùi tù. Thằng anh cả, Jeff, bị tội gia nhập băng đảng. Lúc nó bị giam trong trại cải huấn, chàng chưa vào làm việc ở đây. Mấy năm sau đến thằng thứ hai, Jake, vô vì tội đánh lộn trong trường. Chàng có coi Jake trong thời gian nó bị giam. Jake về chưa được bao lâu thì đến phiên John vào. John tính tình hiền hòa hơn hai thằng anh. Nhưng thường thường đứa nào hiền thì hay cộc. Nhà ở trong khu lao động. Nó hay bị đám Mễ ăn hiếp. Một hôm tức quá nó hẹn với hai thằng anh, lừa thằng Mễ ra sân trường sau giờ học, cầm cây sắt phang thằng con tét đầu, máu chảy lêng láng. John bị tòa bắt vào đây 6 tháng và bắt học chương trình Điều Khiển Cơn Nóng Giận (Anger Management). Thằng em út, Jeremy, 14 tuổi, cũng bảnh trai và lễ phép như những thằng anh, đang học lớp 9. Duy hy vọng sẽ không có ngày phải "chăm sóc sức khoẻ tinh thần" cho nó trong trại cải huấn.

12 giờ trưa.

Duy đưa John qua cafeteria giao cho Cố Vấn Quản Chế để nó ăn trưa với nhóm. Ở trại có người nấu ăn nhưng chúng nó phải chia nhau dọn dẹp và rửa chén sau khi ăn. Đây là một cách để tập cho chúng có tinh thần trách nhiệm. Hôm nay đến phiên John rửa chén. Chàng muốn nó có đủ giờ ăn uống trước khi phải làm việc.

Từ cafeteria, Duy trở về văn phòng ngồi thừ nghĩ ngợi. Từ sáng đến giờ chỉ có nửa ly cà phê nhưng chàng không thấy đói. Morgan Hill không có bao nhiêu tiệm ăn Việt Nam. Trại cải huấn lại nằm tuốt phía trong gần chân đồi nên chạy ra ngoài mua đồ ăn khá mất công. Ngoại trừ những ngày hẹn với ai đi ăn ngoài, mỗi ngày chàng được vợ giở đồ ăn trưa cho. Hôm nào không đem theo gì thì qua cafeteria mua gì đó ăn tạm. Hôm nay có cơm với thịt kho tàu và dưa giá, món mà chàng rất thích, nhưng chàng không có lòng dạ nào để ăn. Chàng cứ nghĩ đến Jose và món French fries của McDonald's mà nó ưa thích.

1 giờ chiều.

Lũ nhóc vào lớp học.

Duy gọi phone hỏi thăm vài gia đình Việt Nam. Chàng hẹn chiều nay sẽ ghé thăm một gia đình bị bịnh tâm thần và đưa ba mẹ của thằng bé 17 tuổi đang bị tam giam trong Juvenile Hall ra hầu tòa.

Chàng gọi hỏi thăm thêm bà mẹ có thằng con bị giam trong trại James Boys Ranch năm ngoái vì tội gia nhập băng đảng. Thằng con được thả về không bao lâu thì ông bố bị giết. Đêm đó thằng nhỏ đến nhà bạn chơi không về. Bố nó ngủ trên lầu. Mẹ và em gái nó ngủ dưới nhà. Sáng sớm em nó lên đánh thức bố dậy chở đi học thì thấy ông đã bị đâm chết. Cảnh sát điều tra nói cái chết dính líu đến băng đảng nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Thỉnh thoảng chàng gọi phone hoặc ghé thăm gia đình. Tội nghiệp mấy mẹ con. Từ ngày ông bố bị giết, thằng con hình như tỉnh thức nên đỡ quậy phá.

Nói chuyện xong, chàng tranh thủ viết báo cáo về 2 buổi họp mặt với John và Tony cho xong.

2 giờ chiều.

Duy đến trại Muriel Wright Residential Center. Trại nằm ở phía nam San Jose, cách James Boys Ranch 15 phút lái xe. Chàng vào "vấn an" bà xếp xong qua gặp Anne, cô bé Việt lai Mỹ 15 tuổi, bị bắt vì tội cất giữ và xài bạch phiến.

Anne thuộc loại con gái "quậy", bỏ nhà đi hoang nhiều lần. Lần nào gia đình cũng cầu cứu cảnh sát nhưng vì Anne tự động bỏ nhà ra đi nên cảnh sát không đi tìm như trường hợp mất tích hay bị bắt cóc. Mỗi lần Anne về, gia đình phải đưa lên trường năn nỉ xin cho nó đi học trở lại. Khi học sinh bỏ học một thời gian không lý do chính đáng, nhà trường có thể gạch tên ra khỏi danh sách học sinh. Anne có ra tòa và hứa sẽ đi học đàng hoàng trở lại nhưng được vài tháng, nó lại chứng nào tật đó bỏ đi. Lần cuối cùng cảnh sát vô tình hốt được Anne ở một tiệm nước ngoài khu Senter, nơi họp mặt có tiếng của các nhóm băng đảng. Trong ví nó có bạch phiến. Vậy là 8 tháng nằm trại cải huấn.

Duy vào lớp học xin cho Anne ra ngoài nói chuyện. Mặt con bé dàu dàu. Khi ra ngoài, nó hỏi chàng bằng tiếng Anh:

- Sao mấy tuần nay không thấy you?

- Chú vẫn đến Wright Center một tuần 2 ngày đó chứ. Nhưng chú gặp các bạn khác. Trại hơn 30 em, chú phải chia giờ gặp gỡ tất cả, Anne biết rồi mà. Lúc không thấy chú, cần gì Anne hỏi Probation Counselor hay Therapist...

Con bé vùng vằng cắt ngang:

- Con không thích họ. Họ chỉ lo trừ điểm để con không được về nhà mỗi cuối tuần chứ chẳng tốt lành gì.

Chàng cười nhẹ:

- Nếu Anne không làm gì sai thì họ đâu có lý do để trừ điểm. Có đúng không?

Anne không trả lờì nhưng tỏ vẻ không phục. Duy lờ đi chuyển sang đề tài khác. Con bé tuổi "ngọ" này nổi tiếng "chứng" trong trại, chàng tự nhắc mình phải kiên nhẩn và khôn khéo để "thuần" nó.

3 giờ 30 chiều.

Ông bà Long cột dây an toàn. Duy nhấn ga dzọt lẹ. Nửa tiếng nữa phiên tòa bắt đầu. Ông bà và 3 đứa con qua Mỹ chưa đầy 1 năm, tiếng Anh không biết, đường xá chưa rành. Thằng con trai lớn 17 tuổi, mặc cảm qua sau thua kém bạn bè, cầm dao đi ăn cướp ở một tiệm rượu trong vùng và bị bắt. Hôm nay toà sẽ định đoạt số phận của nó.

5 giờ 30 chiều.

Duy gõ cửa căn apartment hai phòng vùng North Valley của San Jose. Bà cụ người nam đon đả mời chàng vào, lăng xăng đi rót nước. Chàng xua tay:

- Không cần đâu bác, con không có khát.

- Lâu lâu cậu mới ghé thăm, ở lại ăn cơm nghe. Để tui nấu canh chua, cá kho tộ cho cậu ăn.

- Để hôm khác nhe bác, hôm nay con ghé thăm gia đình một chút rồi phải về.

- Việc làm bận quá hả? Cậu thiệt tốt bụng, làm việc phúc đức giúp đỡ người khác. Hồi đó không có cậu tui thiệt không biết phải làm sao. Gia đình tui mang ơn cậu hết sức.

- Đừng nói vậy bác ơi. Con làm công việc của con thôi. Không có con thì có người khác. Bác cứ cám ơn làm con áy náy quá...

Duy vô tình quen bà cụ trong một lần đứa cháu ngoại nổi cơn la hét đập phá, bị hàng xóm gọi cảnh sát tới còng. Bà cụ không biết tiếng Anh nên cảnh sát gọi kiếm người thông dịch. Họ gọi tới gọi lui sao đó rồi cuối cùng gọi đến chàng. Dĩ nhiên là chàng hăng hái đến giúp, dù việc này không thuộc trách nhiệm của văn phòng chàng.

Gia đình này mới thật đáng thương. Bà cụ kể năm Mậu Thân đánh vào khu họ ở. Ông cụ chết banh xác trước cửa nhà. Cô con bị miểng đạn ghim vào óc. Bác sĩ không giải phẫu lấy ra vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Từ đó cô trở thành không bình thường. Bà cụ phần bị cái chết của chồng ám ảnh, phần phải lo lắng cho con gái, nên đâm ra "lãng trí", nói trước quên sau, làm đâu quên đó.

Hai mẹ con qua Mỹ. Cô con gái không biết bị ai lợi dụng mà một hôm vác cái bụng bầu về. Thằng bé lớn lên không biết cha là ai. Mẹ như vậy. Bà như vậy. Nó đâm ra lầm lì ít nói, tính tình kỳ quặc. Nó hay sắn quần sắn áo dọn dẹp chùi rửa nhà cửa hàng giờ mặc dù nhà đã sạch bóng. Thỉnh thoảng nó lên cơn điên la hét đập phá đồ đạc trong nhà làm cho bà và mẹ nó hoảng sợ.

Sau khi Duy giải thích hoàn cảnh của họ, cảnh sát không bắt nhốt thằng nhỏ, chỉ đem nó bỏ vào nhà thương tâm thần, đến khi bớt bớt thì cho về.

Ba thế hệ "không bình thường" ở chung một nhà. Ba thế hệ cùng ăn tiền "bịnh". Thật tội nghiệp. Lâu lâu Duy dành chút giờ ghé thăm họ. Cô con gái và thằng cháu hôm nay không có ở nhà. Chàng ngồi nghe bà cụ nói chuyện một lúc rồi từ giã ra về.

6 giờ 30 tối.

Duy bước chân vào nhà. Thân xác mệt mỏi. Tinh thần rã rời. Mấy đứa con chạy ra mừng. Chàng ôm con vào lòng. Xiết chặt. Thật lâu.

11 giờ đêm.

Các con đã ngủ yên từ lâu. Chàng ngồi dán mắt vào TV nhưng hình như không nghe thấy gì . Vợ chàng đọc xong cuốn sách quay sang hỏi, tắt đèn ngủ chưa anh? Ừ, thì đi ngủ.

Rất lâu sau chàng vẫn trăn trở, thỉnh thoảng lại khe khẽ thở dài. Vợ chàng hỏi trong bóng đêm, anh sao vậy, ở trại xẩy ra chuyện gì? Duy im lặng không nói. Nhiều hình ảnh chập chờn hiện ra trong đầu chàng. Nét mặt trẻ con của John. Ánh mắt lì lợm của Anne. Giọng nói lễ phép của Tony. Nụ cười tươi sáng của Jose khi chàng đưa cho những bịch đồ ăn của McDonald's. Băng đảng. Bạch phiến. Những đứa trẻ vật vã trong cơn nghiện. Nét mặt đau khổ của người mẹ, tiếng thở dài của người cha, khuôn mặt vô cảm của đứa con trai khi tòa tuyên án. Dao. Súng. Tiếng hét của đứa con gái khi nhìn thấy xác cha mình trên vũng máu. Đứa trẻ sơ sinh với người mẹ 15 tuổi, không cha...

Hình như Duy nấc lên. Vợ chàng chồm dậy, anh có sao không? Duy xoay người úp mặt lên ngực vợ, hay là mình dọn ra khỏi Cali, tìm một nơi nào thật yên, thật vắng, thật tốt để nuôi con nha em?

Vợ chàng chợt hiểu. Lấy nhau hơn 10 năm. Cùng làm việc thiện nguyện giúp giới trẻ lâu hơn. Cùng mắt thấy tai nghe biết bao nhiêu chuyện đau lòng về trẻ vị thành niên. Thêm 6 năm nghe chàng kể chuyện trại cải huấn và thanh thiếu niên phạm pháp. Làm sao nàng không hiểu thấu những ưu tư trong câu nói của chàng?

Từ ngày có con, bao nhiêu đêm hai vợ chồng thao thức tìm giải đáp cho câu hỏi hóc búa là làm sao tránh cho các con những vấn nạn thời đại để chúng đừng làm những chuyện điên rồ phá bỏ tương lai, làm hại chính mình và người khác, và trở thành những con sâu con bọ đục khoét hủy hoại xã hội? Duy và vợ nhận ra rất nhiều điều có thể làm để dẫn dắt các con. Nhưng đi đúng đường hay không còn tùy thuộc vào từng đứa. Người xưa chẳng nói, "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" đó sao? Còn ảnh hưởng môi trường? Môi trường tốt có tạo con người tốt không? Hầu như vậy, nhưng không chắc chắn. Thật nan giải. Thật điên đầu!

Ngực áo nàng ươn ướt. Nàng xoa lưng chồng. Đừng buồn nữa anh. Thanh thiếu niên hư hỏng chỉ là thiểu số. Còn rất nhiếu đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, có lòng. Nếu xã hội và mọi người tiếp tục lưu tâm và săn sóc giới trẻ, chúng sẽ nên người. Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay...

Một thoáng hy vọng lóe lên trong đầu Duy. Ngày mai sẽ là một bắt đầu mới. Ngày mai với những tia nắng ấm áp, những cơn gió nhẹ thổi tan đi làn mây đen xám âm u. Như những ngọn đồi nơi trại cải huấn bị nắng hè đốt cháy khô cằn, những hạt mưa xuân đã tưới mát và bừng lên cho nó sự sống xanh tươi. Những thanh thiếu niên phạm pháp sẽ có lúc bừng tỉnh và trở thành những con người đàng hoàng hữu ích. Những thanh thiếu niên khác sẽ lấy đó làm gương và cố gắng sống lành mạnh. Gia đình, xã hội sẽ tốt đẹp biết bao.

Và chàng lâm râm cầu nguyện...

Nguyễn Trần Phương Dung

Ghi Chú: Tin tức về thủ tục pháp lý được tác giả trích dịch từ thông tin trên mạng của quận hạt Santa Clara: www.sccgov.org.
NGUYỄN TRẦN PHƯƠNG DUNG
 
Chỉnh sửa cuối:

ticon

Cựu Ban điều hành
#2
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Cảm Suy Của Một Kẻ Bần Cùng Mới Ở Mỹ L.V.C. NGỌC

Tác giả L.V.C. Ngọc vừa tới Mỹ chiều 3-10-2003, nhờ sự bảo lãnh của gia đình bên vợ. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh khó khăn của ông ngày đầu tới nước Mỹ. Sau đây là phần tiếp theo. Xin chúc ông may mắn và mong ông có thể viết tiếp để chia xẻ những kinh nghiệm vượt khó của ông tại nước Mỹ.

*

Santa, ngày... tháng... năm 2003
Anh Ng,
Có lẽ miền Nam nước ta bây giờ đã cuối mùa mưa bão lụt lội. Chỉ mới hơn một tháng nay thôi em đã sống trong mùa mưa bão ấy. Khỏi phải nói, chắc chúng ta cũng đã thấm được nỗi lầm than cơ cực của dân nghèo nước mình, trong đó có chúng ta.
Dạo này anh thế nào? Có khỏe không? Em hỏi vậy thôi, chứ biết anh không khỏe em cũng chẳng làm gì giúp anh được. Ở Cali đang vào mùa thu-đông. Trời se lạnh về đêm, thỉnh thoảng sáng sớm có sương mù, có chiều lác đác mưa, có ngày nắng đẹp, cảnh thu trên đất Mỹ làm em chạnh nhớ câu thơ Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm...” Người ta chỉ nhớ quê hương, khi đã xa nó.
Ta đã sống hai phần ba thế kỷ ở Việt Nam. Mặn ngọt chua cay đắng chát đã lịch duyệt. Thế mà giờ đây mái tóc điểm sương, em vẫn còn lên đường, anh không đưa tiễn. Em có một người bạn thân duy nhất cũng không đưa tiễn. Em hiểu, khi ta quá khổ thì được đi là giải thoát, nên thương người ở lại.
Trong lá thư trước, em đã hứa sẽ nói cho anh nghe về ngày đầu em tới Mỹ. Em chỉ là kẻ di dân, đi theo diện em trai vợ bảo lãnh.
Ngay ngày em đến Mỹ lần đầu, em bị cha vợ mắng, lý do: em là kẻ ở đâu cũng gây xáo trộn, phá hoại nhà người ta, ông nói em dụ dỗ con gái ông, làm con gái ông bị cầm chân ở Việt Nam gần hai chục năm không được sớm sang Mỹ.
Mấy ngày đầu ông tạm cho em tá túc ở nhà ông. Sau đó ông bảo vợ em và em đến ở nhà khác để làm việc nhà trông coi con cái của thứ nữ của ông. Nhưng độ một tuần sau, ông lại tỏ vẻ mặt tươi cười, nói lời nhỏ nhẹ ngọt dịu với em chứ không còn giữ sắc mặt hằm hằm, nói năng xẳng như trước nữa. Ông bảo em nên cách ly vợ em, để cho cô ấy tự do học hành, mười mười lăm năm sau gặp nhau cũng không muộn. Ông hứa giúp em mỗi tháng ba trăm mỹ kim trong thời gian ba tháng. Với số tiền đó em hiện đang thuê phòng trọ với giá hai trăm năm mươi mỹ kim mỗi tháng. Em còn năm mươi mỹ kim mà phải chi vào tiền ăn uống, thuốc men, quần áo, giặt giũ, xe bus và những thứ chi tiêu khác hàng tháng. Có nhiều ngày em phải đi ăn bánh mì không với muối. Em còn mang bệnh trong người, nhưng không thể đi khám bác sĩ và mua thuốc.Ông khuyên em nên tự tìm kiếm việc làm mà sống, ông nói ở đất Mỹ này không ai nhờ ai được, ông bảo đừng đem thứ Nhân nghĩa lạc hậu ra nói ở đây. Ông chê cái thứ triết lý cùn của em. Ở đây người ta vất nó vào sọt rác, rằng hạng người ngổ ngáo ngang ngược như em không thể sống chung trong nhà ông vv….
Cha mẹ vợ em đã có quốc tịch Mỹ được nhận tiền trợ cấp tuổi già và medical tức trợ cấp y tế. Họ qua Mỹ đã mười một năm nay, do người con trai ruột bảo lãnh. Bây giờ họ sống rất đàng hoàng có nhà, có xe có tiền gởi ngân hàng. Người con trai ruột của họ là em trai ruột của vợ em. Cậu ấy vượt biên năm 1982, lúc mới mười sáu tuổi, cha mẹ cậu xúi cậu vượt biên, vì đời sống gia đình cơ cực. Năm nay cậu đã 37 tuổi sống vững vàng trên nước Mỹ này.
Như em mới nói cha mẹ vợ em thay mặt cậu là người bảo lãnh vợ chồng em, cho em mỗi tháng ba trăm mỹ kim trong ba tháng, bảo em thuê phòng riêng ăn ở. Còn vợ em thì ông bà nuôi bảo sống cách ly em ra. Ông bà bảo nếu vợ em sống với em thì có đi ăn mày, về già sẽ khổ lắm. Ông bà lấy làm tủi nhục thấy con gái mình lấy phải một người chồng ngu dốt, bệnh hoạn, già yếu, tứ cố vô thân, bần cùng ở trên nước Mỹ giàu sang, văn minh này.
Vợ em rất ngoan hiền, hiếu thảo. Cô ấy hiện sống ở nhà cha mẹ để hầu hạ các ngài lúc tuổi già và để chăm sóc cho bốn đứa con nhỏ của vợ chồng người anh ruột mới từ Việt Nam sang Mỹ định cư trước chúng em một tháng. Người chị dâu của vợ em hiện nay đang mang thai nữa.
Cả tuần nay em cảm thấy trong người yếu mệt. Em thì nhiều bệnh lắm, em sợ những bệnh cũ tái phát, nhất là bệnh phổi. Vợ chồng người chủ nhà hiện em đang thuê ở trọ là người Việt họ thấy tình cảnh em sống một mình, bệnh hoạn, già nua, ngheò túng, nên họ thương. Thay vì lấy hai trăm năm chục tiền nhà mỗi tháng họ bớt cho hai chục nhưng lòng tốt người ta có giới hạn. Không biết vài tháng sau, cha mẹ vợ không trả tiền nhà thì đời em sẽ ra sao.
Hôm 12 tháng 11 vừa rồi em có đến cơ quan làm phúc của thành phố nơi em ở đường Walnut để làm đơn xin… nghĩa là vì quá thiếu thốn nên tham lam xin tất cả: thuốc men, thực phẩm, nhà ở… Một ông nhân viên cơ quan từ thiện người Việt Nam chỉ cho em điền đơn này mấy chữ tiếng Mỹ là Underaged rồi ông bảo em ký. Em ngồi đợi hơn 2 tiếng trong phòng dành cho những người như em, không ăn trưa dù đói khát, mệt lả.
Khoảng một giờ chiều một bà người Việt kêu em vào phòng phỏng vấn. Em trình bày lý do tại sao phải xin chính phủ trợ cấp cho bà nghe. Bà ta bảo em chưa đủ 65 tuổi là tuổi cần được trợ cấp, mặc dù em đã có số thẻ thường trú và số an sinh, cũng như giấy tờ chứng minh bệnh tật.
Khi tiễn em ra khỏi phòng, có lẽ động lòng trắc ẩn, bà ta chỉ cho em một địa chỉ khác ở đường Grand bảo em đến đó xin medical. Bà ta còn cho em những địa chỉ groceries những hot meal & lunch, những shelter & housing, tức là những chỗ ăn ở tạm thời miễn phí của các cơ quan từ thiện cho những người cùng khổ như em. Cảm ơn lòng tốt của bà. Nhưng em không biết tiếng Mỹ không biết đường đi, cũng không có phương tiện đi tìm.
Điều em ghi nhận là ở nước Mỹ này người ta thực sự thương những kẻ bần cùng, khi người ta dư dả. Ở đây không có cảnh thương tâm trong Les Miserables của Victor Hugo nhưng ở đây người ta cũng sợ những kẻ giả bộ cơ nhỡ để xin tiền mặt cứu trợ, xin cấp thiếu mua thực phẩm miễn phí, chính quyền nghiêm khắc trừng phạt những tội gian lận ấy vì nếu dung túng sẽ làm phương hại đến kinh tế quốc gia cũng như gián tiếp khuyến khích sự lười biếng.
Nghe theo lời chỉ bảo của bà cán sự xã hội hôm qua, em lại lần mò tìm đến một chỗ cứu trợ xã hội khác của Santa Ana ở đường Grand. Mấy cô tiếp em nói bằng tiếng Mỹ nên nghe không hiểu gì cả. Em ra dấu cho họ rằng em là người Việt Nam, muốn gặp một người thông dịch biết tiếng Việt. Lát sau có một cậu người Việt tiếp em. Em nói với cậu ấy rằng em muốn xin một tờ đơn xin trợ cấp bằng tiếng Việt để điền và cậu ấy vui vẻ làm theo lời em yêu cầu.
Cũng như hôm qua, trưa em nhịn đói ngồi đợi gần hai giờ mà chưa nghe gọi tên phỏng vấn. Em phải hỏi lại cô nhận đơn về lý do chậm trễ thì cô mới sực nhớ ra và báo cáo cho bà người Việt kêu em vào phòng hỏi. Em khai mình bị bệnh nhưng không có tiền khám bác sĩ hay mua thuốc nên xin chính quyền giúp đỡ. Bà phỏng vấn em sau khi xem xét giấy tờ hứa sẽ gửi medical cho em nhưng phải đợi đến lúc em đủ 65 tuổi.
Lúc từ giã bà ta ra về, em chắp tay vài chào tạ ơn. Vừa lên xe bus em vừa nghĩ: chính quyền là trung gian giai cấp giàu có và nghèo khổ chứ không thiên vị bên nào. Một chính quyền thiên vị thì bất công mà đã bất công thì không thể nói là có đạo đức. Em tạ ơn chính phủ Mỹ về lòng tốt vô tư của họ.
Vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư của tháng mười một này người Mỹ sẽ bắt đầu ăn mừng Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) để kỷ niệm các cha di cư thanh giáo Anh ở Plymouth, Massachusettes đã được mùa gặt hái đầu tiên vào năm 1621. thời bấy giờ các cha và dân chúng đã ăn mừng lễ ấy bằng gà tây và bánh bí ngô, quây quần bên ngọn lửa ấm trong không khí thân mật gia đình đoàn tụ. Em không biết tiếng anh, nhưng theo nhiều người giải thích thì chữ Thanksgiving gồm hai chữ Thanks: cảm tạ và giving: ban tặng. Kẻ nói lên lời cảm ơn là chúng ta còn kẻ ban ơn là đấng vô hình ban tặng. Bởi vì, có vô hình mới thi ân bất cầu báo. Ta cảm tạ là cảm tạ trước đấng vô cầu ấy nghĩa là vô ngã hay nói theo Ấn Độ giáo là Vô Đức Bà La Môn nhưng Vô Đức có thể sinh ra Hữu Đức và dù Vô Đức hay Hữu Đức thì nói như Lão Tử đều Huyền Diệu cả đó là Cửu sinh thành chúng ta. Vậy cảm ơn đây là cảm ơn Đức sinh thành không chỉ chúng ta mà còn cả trời đất vạn vật. Thấy được Đức vô cầu mà cảm ơn là thấy biết và sống đạo vậy là thấy được bản lai diện mục vậy. Theo em nghĩ, đó là nền tảng của các tôn giáo lớn của nhân loại.
Trên đây là một vài ý nghĩa của em. Nếu có gì không vừa ý, xin anh bỏ lỗi cho nhé.
Kính thư,

L.V. C. Ngoc
VietBao
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#3
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Làm Việc Tại Alaska
LÊ NGỌC MINH .

Tác giả Lê Ngọc Minh là một chuyên viên đồ án xây cất nặng về dầu hỏa và dàn khoan dầu ngoài biển; sinh năm 1939 tại Thái-Bình, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại La Habra, California. Lần đầu dự viết về nước Mỹ, ông gửi cùng một lúc 5 bài viết liên tiếp, hợp thành một hồi ký về thời đầu ở Mỹ. Tất cả đều được viết kỹ từng chi tiết, bằng một bút pháp chừng mực mà chững chạc hiếm có. Sau đây là bài viết thứ ba của ông, được tác giả riêng tặng các bạn Ngô Kim Bảng, Dương Xuân Phương và Ngô Chí Thiềng, những người làm chung với tác giả trong những ngày vui buồn tại Santa Fe, cuối thập niên 70, sang 80.
*

Việc làm đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là làm họa viên cơ khí cho hãng Given, làm máy tiện NC (numerical control) trên đại lộ Santa Fe, thành phố Compton ở California. Gia đình tôi cư ngụ tại Norwalk. Một tháng 20 ngày sau khi thuê tôi, hãng đóng cửa, 120 công nhân, cả thầy lẫn thợ bị lây-óp, dĩ nhiên trong đó có tôi, kẻ mới bắt được cái giốp đầu tiên trong cuộc đời tị nạn!
Sau lễ Giáng sinh, sau Tết tây, ngày 16-1-1976 tôi xin được việc khác, structural drafter cho hãng DMJM, gọi tắt là Đim-Jim. Hãng này trước kia có chi nhánh trên đường Yên Đổ, Sài Gòn, Việt Nam; tôi đã từng làm trưởng phòng họa đồ cho DMJM tại Việt Nam. Khi hãng được chọn để hướng dẫn cách làm đồ án đường và xa lộ tại cục Công Binh QĐVNCH tại Phú Thọ, tôi đã từng làm trong ban giảng huấn. Năm 1972 tôi nghỉ làm, ra mở hãng làm đồ án, cạnh tranh trực diện với DMJM, tôi bắt được công tác đì-zai cầu Ea Krông, chiếc cầu lớn nhất vùng II trên quốc lộ 14 ngay gần Ban Mê Thuột, cầu mà DMJM cũng bỏ thầu, nhưng không trúng!
Vậy mà khi đến hãng ở Wilshire Blvd, đao-tao Los Angeles cho ông kỹ sư trưởng anh-teẹc-viu, ông ta chê tôi không có "kinh nghiệm địa phương", ông hỏi tôi có biết gì về AISC, về AIC, về UBC, về sai-s-mích, A-mê-ri-cân Sì-tăng-đa... tôi trả lời có cái có, có cái không, vì tôi biết là tôi chỉ xin làm họa viên, nhiều điều ông ta hỏi không liên quan gì đến chức vụ của tôi. Tôi nói thêm:
- Thưa ông, tôi đã từng là trưởng phòng họa đồ của DMJM tại Việt Nam!
Ông hỏi ngược lại tôi:
- Ai biết chuyện đó ?
- Ông Martin, phó giám đốc của Đim-Jim, trước kia ổng là Giám đốc đồ án tại Việt Nam.
- Được, tôi sẽ chếch với ông Martin rồi kêu anh sau!
Hôm sau ông ta kêu lại tôi, óp-phơ tôi 6.40 $ một giờ (1100 $ một tháng), vì tôi khai công tác trước tôi làm được 950 $. Anh bạn cùng đi với tôi, ông ta chỉ trả 2.80 $ một giờ (485 $ một tháng), vì anh ta không có kinh nghiệm địa phương! Thời bấy giờ lương tối thiểu là 2.10 $/ giờ; anh bạn tôi dù đã có việc làm ở nơi khác cao lương hơn (nhưng không phải là về đồ án) cũng buộc phải nhận hầu có kinh nghiệm địa phương với người ta; mấy tháng sau, thấy anh ta làm được, mà còn làm giỏi nữa là khác, họ tăng lương cho anh ngay.
Tôi đi làm, nhưng không phải ở văn phòng chính, mà DMJM gửi tôi xuống làm tại văn phòng phụ ở El Segundo, gần phi trường Los Angeles. Công việc là làm đồ án xây cất King Khalid Military Academy tại Saudi Arabia. Chín tháng sau hết việc, gần trăm chuyên viên bị lây-óp, nhưng tôi được giữ lại, gửi về văn phòng chính ở Wilshire Blvd, đao-tao Los Angeles. Tháng sau, hãng chính cũng cạn việc, biết ngày cuối cùng cũng cận kề, tôi chuẩn bị xin việc mới nhưng chưa biết tìm đâu. Bỗng nhiên hãng Santa Fe Engineering ở Orange điện thoại, hỏi năm ngoái tôi gửi đơn xin việc ở hãng này, nay còn muốn đi làm không ? Có hả, mai ghé anh-teẹc-viu được không ?
Kỳ này tôi có kinh nghiệm địa phương (làm tới gần một năm rồi tại Los Angeles! ) nên "ngon" rồi, tổng cộng tôi có 17 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi được mướn ngay. Giã từ DMJM, tôi sang làm cho Santa Fe từ 20-9-1976 và được trả 1200 $ một tháng, số lương khá thơm hồi đó. Tháng sau, một anh kỹ sư Đại Hàn đã làm lâu ở đây cho biết, anh họa viên ngồi đó tên Rudy lương thấp nhất, chỉ có 1400 $ vì anh ta chỉ có 5 năm kinh nghiệm! Nghe thì biết vậy, nhưng cũng biết là thân tị nạn mới qua, sẽ còn bị đời ăn chận nhiều, tuy hơi cay đắng chút đỉnh, nhưng không buồn quá 5 phút!
Hãng Santa Fe chuyên về làm đồ án và xây cất dàn khoan dầu ngoài khơi, bến tàu, cầu tầu, tàu khoan dầu, nhà máy lọc dầu... trên toàn thế giới. Dàn khoan Bạch Hổ ngoài khơi Việt Nam trước năm 1975 là do chi nhánh hãng này tại Singapore phụ trách.
Năm đầu tiên, nhờ làm việc nhanh và chăm chỉ, tiết kiệm nhiều thì giờ cho công tác, tôi được tăng lương 4 lần và được cất nhắc lên làm lead person, nắm trong tay một đồ án nhỏ; năm thứ nhì tăng lương 3 lần.
Tôi còn nhớ, cuối năm 1976, một hôm rảnh rãi, tôi xem bộ họa đồ đường ống dầu xuyên tiểu bang Alaska do hãng khác lập đồ án, thấy cái pipe saddle, cơ phận chống đỡ đường ống chính (ống dầu chính đường kính 8 feet, tức là 2.40 m) lên cột chống (pipe support), đồng thời cho ống và cột có thể co dãn mỗi khi nhiệt độ tăng hay giảm; cơ phận này vừa nhiều bộ phận, vừa khó hàn, vừa nặng, vừa tốn tiền, tôi ngứa tay, lấy bút đỏ sửa lại, ít bộ phận hơn, dễ hàn hơn, nhẹ hơn và dĩ nhiên tiết kiệm tiền. Khi ông kỹ sư trưởng người Hoa ghé ngang, tôi nói chuyện với ông về việc này, ông xem, đồng ý với tôi, nhưng nói:
- Đây đâu phải đồ án của mình, đừng lo!
Hai ba ngày sau ông quay lại hỏi tôi, tấm hoạ đồ tôi sửa đâu ? Tôi lấy ra đưa cho ông, ông đem cho ông phó giám đốc xem. Sau này tôi mới biết ông phó giám đốc đang thương thảo bắt một công tác turn key (vừa làm đồ án, vừa xây cất) trị giá cả gần tỉ bạc với Alyeska, chủ nhân của đường ống dầu xuyên tiểu bang Alaska, một công tác khá lớn cho Santa Fe. Trong câu chuyện làm quà, ông phó của Santa Fe cho Alyeska cái họa đồ sửa đỏ của tôi; Alyeska thấy có lý, cho lệnh những pipe saddle nào chưa làm thì làm theo họa đồ tôi sửa; kết quả là khoảng 20 - 25% tổng số pipe saddles của 800 miles đường ống dầu làm theo họa đồ của tôi, đó là đoạn chót của ống dầu ở gần Valdez, miền Nam Alaska.
Năm 1990, một cựu kỹ sư của Santa Fe (khi này Santa Fe đã bị bán đi bán lại mấy lần, nát như cái mền! ) quá giang Anchorage, thấy trong số những post cards về Alaska có tấm ảnh do một anh nhiếp ảnh gia méo mó nghề nghiệp sao đó, chụp đường ống dẫn dầu chính phía dưới có cái pipe saddle, nhớ lại chuyện cũ, ông mua và gửi về cho tôi một tấm, việc này gợi lại chuyện cả một phần tư thế kỷ trước, làm tôi thật cảm động. Vì chuyện sửa họa đồ cái pipe saddle, mấy tháng sau, khi đã bắt được công tác của Alyeska, ông phó của Santa Fe kêu tôi vào, bắt tay khen tặng và tăng lương cho tôi thêm 50$ một tháng (!). Nếu quý bạn có dịp du lịch hay công tác lên Alaska, xin nhớ tìm mua cái post card chụp hình đường ống chính và cái pipe saddle của Trans Alaska Pipeline, dấu ấn của một kẻ tị nạn Mít trên đất Cờ Hoa! Cái saddle này mở đường cho tôi thăng tiến sau này trong hãng Santa Fe.
Năm 1978, tôi mua một căn nhà ba phòng ngủ tại La Mirada, California, giá 62500 $. Tiền nhà, thuế và bảo hiểm món nợ, cộng lại là 550 $ một tháng. Gia đình tôi gồm 6 người: thân mẫu tôi, hai vợ chồng, ba cháu nhỏ; nhà tôi đi học toàn phần, tất cả trông vào số lương đã nêu phía trên, nên tháng nào cũng phải rất dè sẻn, nếu có gì bất thường như hỏng xe, quan hôn tang tế... thì thiếu.
Tháng 8-1978, một hôm ông phó giám đốc kêu tôi vào văn phòng, hỏi tôi có kinh nghiệm gì về CPM scheduling (làm thời khóa biểu xây cất), vì trước đây tôi ghi vào resumé là đã từng có 3 năm làm CPM scheduling. Tôi trả lời tôi làm CPM scheduling về cầu, đường, phi trường, bộ chỉ huy Giang cảnh (doanh trại có nhà, đường, cầu tầu... ; thời đó, 1978, xốp-oe Primavera đâu đã chào đời! ). Ông phó hỏi tôi có muốn đi làm trên Prudhoe Bay, Alaska khoảng 6 tháng, chức vụ là scheduling engineer, tôi phải làm mỗi ngày 10 giờ, một tuần 7 ngày, ăn ở hãng đài thọ. Làm việc ba tuần, được cho về nhà nghỉ hai tuần, lãnh lương cả năm tuần, tiền vé máy bay, ăn uống dọc đường, xe chở về tận nhà hãng trả hết, lương được tăng lên 1.864 lần lương tại California... tóm lại là gần gấp đôi! Tôi có muốn đi không ? Tôi trả lời xin cho về nói chuyện với gia đình.
Về nhà nói chuyện với nhà tôi, nhà tôi nói là nhận lời đi, lạnh một chút, nhưng cơ hội này giúp chúng tôi qua cơn túng thiếu.
Thế là tháng 9-1978, tôi đáp chuyến máy bay từ LAX lên SeaTac, tiểu bang Washington, rồi từ SeaTac lên Anchorage. Bước ra cửa phi trường Anchorage thấy nhiệt độ kế chỉ 0 độ F. Từ phi trường, kêu taxi tới văn phòng Alyeska (Alyeska là hãng dầu hỏa lớn ở Anchorage, taxi nào cũng biết văn phòng Alyeska!) trình diện, lãnh trang bị làm việc trên Artic Circle, gồm quần áo lạnh, giầy, bao tay... đây là những trang bị để chống lại cái lạnh (-) 150 độ F (xin ghi nhận 32 độ F bằng 0 độ C, nhiệt độ nước đóng thành đá). Quay lại phi trường, chờ máy bay riêng của hãng dầu SOHIO lên Prudhoe Bay, trên vùng North Slope, nơi còn có một cái tên nặng mùi tử khí là Dead Horse!
Phi trường Prudhoe Bay chỉ là một bãi đáp cán đá, không có đài kiểm soát không lưu, nói gì đến phòng chờ đợi. Khi phi cơ ngưng bánh, có người mở cửa đuôi, khí lạnh ùa vào ngay lập tức, lạnh thấu xương. Tôi khoác cái parkas vào mình, theo mọi người xuống cầu thang. Tôi than lạnh, ông Mỹ đi cạnh nói:
- Hôm nay trừ 45 độ là ấm đấy, rồi anh sẽ thấy cái-mà-ta-gọi-là-lạnh ở Alaska!
Chúng tôi lục tục leo lên xe bus về trại SOHIO, cách phi trường không xa.
Nơi chúng tôi ăn, ở và làm việc, tại Prudhoe Bay là một căn nhà tiền chế lớn, bằng kim loại, xa xa là căn nhà khác của Arco. Xung quanh, khoảng 250 mai bán kính, hoàn toàn không có nhà cửa, cây cối, dân cư... chỉ có tuyết, tuyết bạt ngàn san dã, tuyết mút chỉ đến tận chân trời... người làm trên đó gọi đùa là "đao-tao Dead Horse"! Phía Tây, cách Deadhorse khoảng 250 mai là Point Barrows, thành phố duy nhất của người Eskimo ở phía Tây Bắc Alaska.
Trại là nhà ăn, nhà ở, phòng giải trí, phòng thể thao, thư viện... Nhà ăn có thể chứa 200-300 người, mở cửa 24/24, món ăn thay đổi hàng ngày, ngon hơn bất cứ một nhà hàng ngon nhất nào ở lower 48 (lower 48 là tiếng mà dân Alaska gọi xách mé 48 tiểu bang "miệt dưới"!), nhất là New York steak và hải sản. Nhà ở thì gồm nhiều phòng, mỗi phòng hai người, sáng ra có người làm phòng như hotel, sạch sẽ, thoải mái; sau khi làm được một tháng, tôi được phát riêng một phòng (lẽ ra phát cho hai người ở chung). Phòng giải trí gồm một rạp chiếu bóng, mỗi tối chiếu hai phim, một phim mới như ngoài rạp, một phim cũ; một phòng TV, phát lại chương trình ở Anchorage ngày hôm trước; một phòng billard; phòng đánh bài...; phòng thể thao gồm sân bóng truyền, bóng rổ, ping pong, phòng tập thể dục, sauna... tất cả đều ở trong nhà.
Công việc của tôi khá giản dị: mỗi ngày làm việc 2 hoặc 3 giờ, số thời giờ còn lại ngồi đọc sách hay viết sách... nhiếp ảnh. Việc làm thì kiểm soát trên giấy tờ xem nhà thầu này ngày hôm trước dùng mấy loại thợ, thợ nào cho công tác nào, tổng số giờ chi tiêu, tính ra bách phân, so với bách phân tiến triển công tác, tính ra tiền rồi ký tắt chấp thuận, gửi sang phía chủ nhân trả tiền.
Thỉnh thoảng có công tác bất thường, thí dụ như phải sửa đổi hay thêm bớt gì vào công tác đã thực hiện, phải nghiên cứu xem cần dùng mấy sắc thợ, làm mấy ca, sao cho hoàn tất công tác một cách tốt đẹp nhất, rẻ tiền nhất mà không làm trễ nải dây truyền, ảnh hưởng đến ngày hoàn tất đã định sẵn, ngày này không thể thay đổi. Mỗi ngày trễ nải có thể bị phạt tới mấy trăm ngàn đô! Mỗi sáng thứ tư tôi phải thuyết trình trước một nhóm chức sắc SOHIO về tiến triển hay trở ngại trong tuần, dự tính cho tuần tới và đoán trước các trục trặc có thể có và đề nghị giải pháp giải quyết vấn đề, hoặc xin chỉ thị, tâÙt cả mất khoảng nửa tiếng.
Tôi có một anh Mỹ đồng nghiệp luân chuyển: tôi làm 3 tuần rồi về lower 48 hai tuần, trong khi đó anh ta làm 3 tuần rồi về nghỉ hai tuần, mỗi lần luân chuyển chúng tôi có nửa tuần làm gối đầu để bàn giao công việc, sau đó tự lực làm 2 tuần. Anh này nguyên là một tay phản chiến cuộc chiến Việt Nam trước đây, đi biểu tình, bị cảnh sát Berkley đánh dùi cui vào đầu rồi đem nhốt, nên bị chạm dây, ghét cảnh sát và khi gặp tôi, biết tôi là người Việt thì anh ta khó chịu ra mặt. Lần đầu, phải làm chung một tuần rưỡi, chúng tôi buộc lòng phải nói chuyện, từ từ tôi và anh ta hiểu nhau hơn, tối ngồi nói chuyện trong cafeteria về chiến tranh Việt Nam, về phản chiến bên Mỹ... tôi cho anh ta biết về cuộc chiến Việt Nam theo quan điểm của người Việt, chúng tôi chỉ là nạn nhân của hai thế lực mạnh là cọâng sản và tư bản, dần dần tôi với anh ta thân nhau hơn. Sau khi về nghỉ 2 tuần R & R ở San Francisco, khi lên, anh ta mua cho tôi hai cái bánh trung thu ở Chai-na-tao San Francisco. Một lần anh ta phải chơi basket ball cho đội banh Santa Fe, mà anh ta bị đau ể mình, nhăn như khỉ. Tôi bảo để tôi chữa cho. Tôi đổ cả chai dầu nóng lên lưng anh ta rồi cạo gió cho một hồi, sau đó bảo anh ta đắp chăn kín. Hai giờ sau anh ta gần như hoàn toàn bình phục, ra sân chơi banh như thường. Anh ta phục quá, khoe cả sở rằng tôi có witch craft! Tôi còn giữ liên lạc với anh khoảng 2 năm sau khi chấm dứt công tác trên Prudhoe Bay và có giới thiệu anh đi xem cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Đơn Hồng Oai ở San Francisco.
Sau đây là vài điều tôi học được khi làm việc ở miền cực Bắc Alaska:
* Lạnh. Trong suốt mùa đông, nhiệt độ luôn ở trong khoảng từ (-) 45 độ tới (-) 100 độ F. Ngày lạnh nhất tôi gặp trên Prudhoe Bay là (-) 117 độ F, ngày 5-3-1979. Khi đã quá lạnh, thí dụ (-) 45 độ, nay có lạnh thêm đi nữa, thí dụ (-) 100, mình không nhận thấy sự cách biệt (cùi không sợ lở! ).
* Trời đã lạnh, gió thổi thì sẽ làm lạnh thêm, điều này gọi là chill factor. Dân Alaska đều biết "luật 30/30/30", nghĩa là nếu trời lạnh (-) 30 độ F, gió thổi 30 mph thì với bộ quần áo như ta mặc ở dưới lower 48 này, ta chỉ sống an toàn trong 30 giây!
* Ở nhiệt độ lạnh, thí dụ (-) 45 độ F, nếu ta lấy một ly cà phê nóng, bước ra cửa, hất ly cà phê đó lên trời thì ta sẽ không thấy giọt nước nào rơi xuống đất, tất cả đều biến thành hơi nước, bay vật vờ rồi tan trong gió. Tôi không rõ ở nhiệt độ nào thì nước nóng bắt đầu biến thành hơi, vì trong suốt thời gian tôi ở trên đó, (-) 45 độ F là nhiệt độ ấm nhất!
* Cái lạnh ở Alaska là lạnh khô, ta không thể nào nắm thuyết thành trái banh: tuyết rời ra như cát vậy.
* Theo lệnh của SOHIO, khi nhiệt độ lạnh dưới 25 độ F, phải để máy xe chạy 24/24, hoặc nếu có chỗ cắm điện để giữ máy sưởi chạy thì mới được tắt máy. Chìa khoá dĩ nhiên ở với xe. Máy sưởi giữ cho ốâng xăng không bị đông đặc. Nếu ống xăng bị đông đặc, phải câu xe về xưởng, sưởi cho ống xăng ấm, xăng loãng ra thì mới đề máy được. Thành ra xe nào ở trên đó số đồng hồ mai thì thấp nhưng máy chạy hàng ngàn, hàng chục ngàn giờ!
* Đêm, khi ta đi ngủ, sẽ có một toán trùng tu xe đi kiểm soát từng xe một, thấy xe tới ngày trùng tu thì tự động kéo về garage, họ trùng tu xong trong đêm; sáng mai thấy xe đậu chỗ khác có nghĩa là đêm qua có người nào đó sử dụng xe mình, hoặc xe đã được đem về xưởng trùng tu. Đêm cũng có xe bồn đi kiểm soát xăng, nếu thấy hết xăng, họ tự động đổ đầy xăng vào bình cho mình.
* Mỗi xe đều được trang bị một máy CB. Sáng ra, khi đề máy, tài xế phải thử CB bằng cách kêu đài kiểm soát trung ương, phòng khi đi lạc hay hỏng máy xe, ta có thể liên lạc xin cấp cứu. Xe nào cũng bắt buộc phải có mấy cây đèn cầy và hộp quẹt. Nếu xe chết máy, 45 giây sau, trong xe cũng lạnh như ngoài xe. Đốt một cây đèn cầy lên, nhiệt độ trong xe có thể tăng 40 độ F (phải nhớ hé cửa sổ cho thán khí thoát đi).
* Nếu ta lỡ tay lái xe lạc xuống lề đường, ta sẽ để lại dấu vết vỏ xe trên lớp tundra, dấu vế đó sẽ tồn tại cả 10 000 năm. Nếu việc đó xẩy ra, cơ quan bảo vệ môi trường, có trụ sở tại đao-tao Dead Horse, văn phòng do hãng dầu đài thọ, sẽ cho ta một Warning Ticket in khá đẹp. Tôi thấy một anh trong văn phòng bị ticket, anh ta lên khung kính, treo trong văn phòng làm kỷ niệm.
* Không khi nào dùng tay trần để cầm bất cứ vật gì bằng kim loại, thí dụ như mở cửa xe, mở nắm cửa, cầm ống nước, cây sắt... vì da tay có thể dính như gắn keo vào kim loại; nếu cố gắng mở tay ra thì lớp da tay sẽ bị lột ra khỏi tay (giống như khi ta lấy ngăn làm đá trong tủ lạnh, thấy tay dính dính, nhưng ngăn đá tủ lạnh trong nhà không lạnh bằng cái lạnh Alaska).
* Alaska có hai tháng rưỡi hoàn toàn tối đen 24/24 vào mùa đông và hai tháng rưỡi hoàn toàn sáng vào mùa hè. Khoảng đầu tháng ba, sau hai tháng rưỡi đen tối, mọi người được thông báo, ngày đầu tiên có ánh sáng ngày, ánh sáng sẽ lâu được MỘT phút! Mọi người chờ đợi đến giờ mặt trời mọc, nhưng phía đông nam dường như chỉ hơi sáng hơn một chút (hay là chúng tôi tưởng tượng như vậy ?), hoặc chẳng có gì thay đổi. Ngày thứ nhì, ánh sáng ngày kéo dài được ba tiếng đồng hồ và mọi người như thấy tỉnh hẳn ra.
* Đất Alaska là một cây nước đá khổng lồ chôn dưới đất, gọi là permafrost. Ở phía Nam, như Anchorage, Valdez, lớp đất bao phủ dầy nên cây to như cây thông có đất nuôi cây và giữ gốc cây cho vững nên có cây mộc lớn; càng về miền Bắc như Point Barrows, Prudhoe Bay, lớp đất rất mỏng nên cây mộc không sống nổi, chỉ có cỏ và bụi cây nhỏ, sinh sống trong mùa hè ngắn ngủi.
* Nhà ở hay nhà kho, nếu không muốn nhà bị chìm vào lòng đất thì phải làm hổng trên mặt đất khoảng hai, ba feet để cho khí lạnh lùa qua. Tôi đã thấy nhà kho làm trên mặt đất, bị lún xuống khoảng 1.5 feet vì kín gió, phía trong ấm hơn phía ngoài, khiến lớp permafrost tan, nên nhà chìm xuống.
* Mỗi tuần tôi được huấn luyện hai giờ về thoát hiểm và mưu sinh vùng Bắc Cực, gọi là Artic Survival Training. Sau 20 giờ học tập, tôi được phát một chứng chỉ trên có in hình con condor đậu trên một cây chết khô, nhìn xuống một nạn nhân tương lai đang bò lê lết trên tuyết. Tôi đem về đóng khung, treo làm kỷ niệm.
* Tháng 2-1979, trong khi đang làm ở Alaska, tôi nghe tin Trung Quốc đem quân đánh vào Việt Nam để cho Việt Nam một bài học. Tôi sang phòng người bạn mượn anh ta cái radio shortwave để nghe tin chiến sự, nhưng không phải lúc nào muốn nghe cũng có tin... Tôi nghe tin cuộc chiến với nhiều cảm xúc trái ngược, lẫn lộn...
* Một hôm tôi mượn được chiếc xe Rolligon (xe half track, hai bánh trước bằng cao-su, phía sau chạy xích như xe tăng), tôi lái lên phía Bắc thăm một dàn khoan dầu ngoài biển cách đao-tao Dead Horse khoảng 8 miles. Trong trí tưởng tượng, tôi sẽ gặp bờ biển, dàn khoan sẽ ở ngoài khơi hai miles (bản đồ vẽ như vậy), nhưng không thấy dấu biệu bờ biển đâu cả, nên tôi cứ lái, đến tận chân dàn khoan. Khi đó tôi ở trên Bắc băng dương, lớp nước đá đóng băng có lẽ dầy đến 8 feet hoặc hơn. Tôi leo mấy trăm bậc thang lên dàn khoan, cao như một cao ốc, mệt muốn đứt hơi. Nhân viên dàn khoan rất đỗi ngạc nhiên khi thấy có một anh Ô-riêng-tồ bỗng nhiên đến thăm. Tôi tự giới thiệu là người đì-zai mấy dàn khoan dầu ngoài khơi, muốn được xem cách thức dàn khoan dầu vùng Bắc Cực phá băng như thế nào. Họ ngạc nhiên một cách thích thú, đãi tôi như một thượng khách, dẫn đi xem mọi nơi trên dàn khoan, chỉ cho xem cách điều hành và đãi tôi bữa ăn trưa trên dàn khoan rất thịnh soạn (thực phẩm trên tất cả các dàn khoan dầu đều ngon! ). Sau đó tôi chào tạm biệt, họ bỏ tôi vào cái "rọ" bằng sắt, lấy cần trục câu cái rọ, thả tôi xuống gần xe của tôi để tôi khỏi phải trèo mấy trăm bậc thang xuống!
* Thời gian tôi làm trên đó có một phái đoàn dầu hỏa của Liên Sô, một của Trung Quốc đến thăm công trình xây cất, phái đoàn nào cũng chụp rất nhiều ảnh, thấy gì cũng chụp, không biết họ có khai thác được gì không, vì tuy nhà máy ở Prudhoe Bay, nhưng bị điều khiển từ Valdez, ở miền Nam Alaska, cách đó 500-600 miles.
Tôi rời Prudhoe Bay, Alaska về lại California, The Lower 48, ngày 6-3-1979, khi công tác gần hoàn tất. Bấy giờ là gần đến mùa Xuân, nhưng Prudhoe Bay vẫn lạnh (-) 105 độ F, Anchorage (-) 30 độ và Seattle, 15 độ F.
Từ đó đến nay, 23 năm rồi, tôi vẫn chưa có cơ hội trở lại Alaska và tôi tất mong có cơ hội quay lại Prudhoe Bay một lần nữa.

LÊ NGỌC MINH
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#4
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Đi Tìm Tình Yêu Trên Xứ Mỹ LÊ MINH .

Tác giả Lê Minh sinh năm 1960, là giáo viên cấp 1 VN 1980. Hiện định cư tại Garden Grove; Nghề nghiệp: Engineer.
*

Sau bao ngày chịu đói khát, khổ nhục trên biển cả, tôi được Cao Uỷ Tỵ Nạn vớt vào trại Songkhla, Thailan. Ở đây được 2 tháng thì tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho đi Mỹ.
Thế là phải sửa soạn hành trang để lên đường đi trại chuyển tiếp Panattikhom chờ máy bay từ Bangkok đi Singapo, rồi từ Singapo đi tàu ra đảo Galan 2.
Trại Galand 2 do chính phủ Hoa Kỳ mướn đất của Indonesia cất lên chỉ để dành riêng cho những người tỵ nạn được chấp thuận vào Hoa Kỳ ở để học English và chờ thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ.
Tôi ở trại Panattikhom 2 tuần và cũng 2 tuần này tôi có dịp quen với người con gái tên TH. 2 tuần ngắn ngủi đã khiến lòng tôi ray rức hơn 2 năm trời.
Trại Panattikhom gồm những mái nhà lớp bằng thiếc chạy dài không có vách ngăn riêng. Với chiếc chiếu nhỏ làm giường trên nền nhà bằng xi măng ở một góc nhỏ là nơi ở tạm của tôi chờ ngày có danh sách ra phi trường.
Muà Hè nơi đất Thái với cái nóng khô khan, lâu lâu một cơn gió cuốn theo những đám bụi đỏ bám vào người cảm thấy khó chịu vô cùng.
Ở đây những quyển tiểu thuyết chuyền tay nhau đọc là phương tiện rất hữu ích để giết thời gian.
Tôi đang đọc quyển Hãy Yên Tình Yêu của QD đến hồi hấp dẫn thì nghe có tiếng người con gái:
- Chỗ này có ai ở không vậy anh?
Tôi ngước mặt nhìn lên. Người con gái khoảng 19-20 vóc dáng cao hơi gầy. Tóc đen huyền xoả ngang vai, sóng mũi rất cao với cặp mắt thật to mang một vẻ đẹp nửa VN nửa hơi tây phương đang để hành lý xuống nền xi măng cách chỗ tôi ở 3-4 thước.
- Ồ! Chưa có ai ở hết, cô cứ tự nhiên!
Nàng thật tự nhiên, trải chiếc chiếu nhỏ ra lên ngồi, cởi giầy quăng ra một bên rồi lấy trong va li ra cuốn sách nhỏ làm quạt cho bớt đi cơn nóng làm những giọt mồ hôi còn đọng lại trên làn tóc mây.
Tôi bắt đầu gợi chuyện hỏi thăm:
-Cô ở trại nào lên đây dzị?
-Em ở trại đường bộ.
-Cái gì? Cô đi một mình bằng đường bộ?
Nàng kể cho tôi nghe Mẹ nàng và 2 đứa em, một trai một gái đang ở quê nhà. Vì muốn cho con gái và gia đình có một chút tương lai sau nầy, mẹ nàng đã gom góp đủ 2 lượng vàng cho người dẫn mối đi vượt biên bằng đường bộ vì sợ cảnh hải tặc hoành hành trên biển cả.
Nghe nàng kể tôi đâm ra cảm mến nàng thật nhiệu. Không phải vì nét đẹp nàng, đang có mà là cảm mến người con gái kiên trì, thân gái dậm trường chịu biết bao cực khổ, vượt biết bao nhiêu rừng sâu, suối độc cả tháng trời từ VN băng qua khỏi đất Campuchia và đến biên giới Thailand .
-Rồi cô được đi định cư ở nứơc nào?
-Em được đi Mỹ, nhưng phải qua Phi Luật Tân trước.
-Tôi cũng đi Mỹ, nhưng lại qua Indonesia.
Chắc có lẽ vì tình đồng hương xa xứ, hai người đều đơn thân đi tìm tự do và nói chuyện rất hợp ý nhau nên chỉ có 2 tuần quen biết mà chúng tôi rất thân với nhau.
Ngày ngày tôi sắp hàng để lãnh thức ăn cho tôi và nàng rồi 2 đứa cùng ngồi ăn chung. Chiều đến thì ra văn phòng dò tên coi có tên mình trên danh sách để đi chưa.
Rồi một buổi chiều đi dò danh sách cho tôi và nàng. Tôi thấy có tên tôi ngày mai 6 giờ sáng phải lên xe bus để ra phi trường.
Lòng tôi thật mâu thuẫn. Tôi trông đợi từng ngày để được sớm đi định cư, bây giờ có tên đi thì cảm thấy ray rức một nổi buồn. Buồn vì biết mình sắp xa TH mà không biết có dịp gặp lại không!
Tôi trở về với vẽ mặt hơi đăm chiên, nàng hỏi:
-Sao rồi?
Tôi mỉm cười
-Bộ anh có tên đi rồi hả?
Ánh mắt nàng quả nhiên quá nhạy bén. Chắc tại nụ cười của tôi hơi khó coi và có phần hơi khác nên nàng đoán biết.
-Ừ! Ngày mai 6 giờ sáng anh sẽ lên xe bus ra phi trường.
-Chúc mừng anh nghe! Anh đi trước, em đi sau. Nếu chúng ta có duyên mình sẽ gặp nhau ở vùng đất mới.
Còn được mấy đồng tiền Thái, tôi mua 2 chai coke và một ít cánh gà chiên dòn của một người Thái bán trong trại để làm bữa tiệc chia tay giữa tôi và nàng.
Tối đêm đó 2 đứa nắm tay đi dạo trên con đường vắng trong tại mà không nói lời nào. Thỉnh thoảng nàng ngước mắt nhìn tôi như cố đoán tôi đang nghĩ gì!
Sáng hôm sau nàng thức sớm để tiễn tôi. Ngồi bên khung cửa kiếng của xe bus tôi đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nàng cuối cùng. Xe lăn bánh chỉ còn lại bóng vẩy tay càng lúc càng xa dần.
Sau 4 tháng ở Galand thì tôi được một hội Công giáo bảo trợ về Oakland, CA. Người bảo trợ rất tốt với tôi, họ lo ăn ở, thủ tục giấy tờ cần thiết và kiếm trường cho tôi học English, học nghề để tìm một tương lai cho mai nầy.
Ở Oakland hơn 6 tháng mà đầu óc tôi luôn nhớ về TH. Những ngày nghỉ cuối tuần tôi dùng thời gian nầy để đi chùa, các nhà thờ có người VN hay các hội chợ để mong tìm lại được hình bóng nàng.
Tôi sợ câu "Tìm em như thể tìm chim, chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam" nên nghe người ta nói ở Orange County có rất nhiều người VN sống mới quyết định dời về O.C. để tìm nàng.
Gần 2 năm trời tôi cố đi tất cả những chỗ tụ hợp, có đông người VN với chút hy vọng mong manh là sẽ gặp lại được nàng, nhưng đất Mỹ qúa lớn "bóng chim tăm cá" biết đâu mà tìm!
Rồi trong một bữa tiệc của người bạn, tôi có dịp quen với bà xã của tôi bây giờ. Nỗi cô đơn của người con trai xa xứ, niềm hy vọng gặp lại TH cũng vơi dần. Tôi và bà xã ngõ lời với nhau, một năm sau thì chúng tôi làm đám cưới.
Một hôm vào tiệm kính của người Đại Hàn để tìm mua cho mình cặp kính mát. Đi vòng vòng ở hàng chưng bay, tôi bỗng nghe tiếng thở dài sau lưng: Anh Lê Minh phải không?
Trời ơi! Giọng nói nầy tôi đã tốn hơn 2 năm trời để đi tìm mà không gặp lại. Giờ không muốn tìm nữa bỗng dưng đứng phía sau lưng mình.
Đầu óc tôi hơi quay cuồng, trái tim tôi hơi đập mạnh...
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ"! Tôi và nàng không hề quen biết nhau ở VN, trên bước đường tỵ nạn gặp nhau trên đất Thailan rồi lại phải chia tay. Bây giờ hơn nửa vòng trái đất gặp lại nhau ở đây lại phải nói câu "vô duyên đối diện bất tương phùng"!
Tôi quay mặt nhìn nàng, nỗi mững vui khôn tả, tôi muốn ôm nàng vào lòng để tỏ bày nỗi nhớ thương hơn 3 năm trời xa cách. Nhưng tôi chợt khựng lại, tôi giờ đã có một khoảng cách quá lới đối với nàng.
Nàng có vẽ đẹp hơn lúc ở trại tỵ nạn, nhưng trong ánh mắt đã gợi thêm chút u buồn.
-Em tìm anh quá trời mà không gặp! Giờ trời phật thương tình mình mới gặp lại ở đây!
-Anh cũng vậy! Bộ em làm ở đây hả?
-Dạ! Em làm ở đây được gần 6 tháng rồi!
-Mấy giờ em tan sở? Anh có thể mời em bữa cơm chiều không? Chúng ta lâu ngày gặp lại chắc có nhiều điều muốn nói. Ở đây không tiện nói nhiều.
-6 giờ chiều em sẽ tan sở, anh lại đây đón em nghe!
Tôi ra về mà lòng băn khoăn, không biết chiều nay phải nói với nàng những gì? Tôi đến tiệm trước 6 giờ để chờ nàng. Kiếm một nhà hàng vắng vẻ, tôi lựa một cái bàn trong góc nhỏ để 2 người tiện hàn huyên sau bao ngày xa cách.
Sau khi kêu 2 ly nước và vài món ăn nhẹ, tôi gợi chuyện hỏi nàng:
-Sau khi rời Phi Luật Tân thì em định cư ơ đâu? Có gia đình hay bạn trai gì chưa?
Nàng kể cho tôi nghe sau khi rời Phi Luật Tân nàng được một hội Tin lành bảo trợ ở tân tiểu bang VA. Ở đó không thấy có người VN, thời tiết lạnh lẽo và cô đơn lắm! Ngày ngày chỉ mong có một phép lạ nào đó để gặp lại được tôi. Nàng ghi danh đi học ở một Community College, ở đây nàng quen với một cô bạn người VN cũng đỡ buồn. Sau khi học xong 2 năm, gia đình cô bạn dọn về California, nàng ngõ ý muốn đi cùng và bây giờ share phòng với gia đình người bạn. Cũng chưa nghĩ gì đến chuyện có bạn trai và lập gia đình.
-Còn anh thì sao?
Tôi cũng kể hết những tâm tư của tôi cho nàng nghe và nói thật là mình đã có gia đình.
-Vậy chúng ta còn có thể coi như bạn thân không?
Với ánh mắt u buồn nàng nói:
-Từ lúc quen anh, em đã coi anh như người bạn thân rồi! Hơn nữa 2 đứa mình đâu có nói yêu nhau hay thề non hẹn biển gì! Em đây có lý nào phải bắt anh chờ em suốt cuộc cả cuộc đời chớ!
Tôi nói:
-Tuần sau anh sẽ dắt bà xã của anh đến gặp em để 2 người quen biết!
Sau đó thì tôi đưa nàng về tiệm đề nàng lấy xe về nhà.
Tuần sau tôi nói với bà xã là có cô bạn thân quên hồi còn ở bên trại tỵ nạn, hơn 3 năm rồi mới gặp lại muốn gặp em để 2 người quen biết.
Tôi chở bà xã đến tiệm kính thì không thấy bóng nàng đâu, hỏi người manager thì mới biết ra là nàng đã tự thôi việc cách đây 3 ngày.
Từ đó tôi không hề có dịp gặp lại nàng được nữa!
P/S: Xin viết bài này để riêng tặng TH, người con gái đã đi qua đời tôi.
TH ơi! Nếu có duyên, vô tình đọc được câu chuyện nầy thì xin hiểu cho chúng ta có duyên mà không có nợ. Cho dù TH ở bất cứ phương trời nào đi nữa, LM vẫn ngày đêm cầu nguyện cho TH có một mái ấm gia đình ấm êm và luôn hạnh phúc!

LÊ MINH
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#5
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Nghiệp Nail . . .
LINH TRẦN .



Tác giả tên thật là Trần Quang Linh, đã tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Việt Nam, hiện là cư dân Santa Ana. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
*

Thái vẫn buồn như lúc chưa đi... San Francisco - Mỹ Quốc, với chiếc cầu treo Golden Gate nghiêng mình soi bóng trên mặt biển xanh dù rất thanh lịch; thành phố Sperlonga với những bãi biển cát trắng mịn ở Nước Ý cổ kính, dẫu rất thơ mộng; Hán Thành - Seoul - Hàn Quốc vẫn luôn lộng lẫy hấp dẫn; các ngôi Chùa Tháp tại Bangkok - Thai Lan, muôn đời kiêu sa cùng ánh vàng chói chang; Mexico sôi nổi với bao cuộc vui ở Puerto Vallarta, Cabo San Lucas . . . Và cả ở Việt Nam trải dài những chuyến du hành lãng tử tại Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Sapa v.v... Tất cả những chuyến đi nối tiếp chuyến đi, đi vùi, đi không nghỉ, Thái những tưởng mình có thể lấy thú vui đi du lịch để bù đắp những khoảng trống trong Tâm Hồn và Trái Tim sau ngày ly hôn , nhưng “ biến cố lớn” trong đời đó như một vết thương không bao giờ có thể lành!
Thái đến Mỹ từ năm bảy tuổi cùng ba mẹ và ba anh chị em khác. Ba Thái là một doanh gia thành đạt trên đất Hoa Kỳ, các anh chị của Thái đều đỗ đạt và thành công trên đường danh vọng. Với hai người anh đầu đều là Bác Sĩ, chị gái là Nha Sĩ , riêng Thái - con út - là kỹ sư điện tử, từ lâu trong ý nghĩ Thái luôn tự cho mình là người thuộc gia đình “ danh vọng “ nhiều người ngưỡng mộ trên đất Mỹ . Ba Thái luôn nói :” ... Cả giòng họ ta đều là người khoa bảng cả lưu lạc trên đất Mỹ... không làm chúng ta chùn bước tiến thân, các con hãy nhớ lấy “chúng ta thà chết đứng, còn hơn sống quỳ”...“. Có lẽ triết lý sống mang đượm nét gia thế này, cộng với sự giàu có của gia đình, đã bao quanh Thái một vòng hào quang tự hào không kém phần kiêu căng tự mãn. Cái ngày Thái tuyên bố lấy vợ mà lại lấy một cô gái trẻ làm nghề nail , làm cả nhà chưng hửng, đến đám bạn bè quý tộc cũng ngơ ngác, bởi bao cô gái học thức giàu có xung quanh Thái chẳng màng.
Thái lấy Hân vì tình yêu chân thành . Tình yêu đó đã nối kết họ với nhau như thể những vần thơ hay liên kết tự nhiên, tạo nên một bài thơ tuyệt tác vậy. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha ban đầu, nghề nail là nghề “ cầm tay cầm chân” người ta, nghề không “cao sang”, Thái và Hân đã cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc của riêng mình, mặc cho mọi chu cấp của gia đình đều bị cắt bỏ vì Thái dám làm trái lệ của gia đình “ hôn sự phải do cha mẹ quyết định”. Vì vậy, khi giữa hai vợ chồng có chuyện “cắn đắng” gia đình cũng không ai hay?!
Những ngày tháng êm đềm ban đầu của hai vợ chồng và đứa con trai, là chuỗi ngày hạnh phúc bất tận. Hân đi làm nail từ 8 giờ sáng đến 9 , 10 giờ đêm mới về. Còn Thái làm hãng điện từ từ 7 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều. Con gửi người cậu đưa đón giúp, hơn 5 giờ chiều, Thái mới đón con cùng về nhà. Thường thì hơn 10 giờ đêm, cả nhà mới quây quần dùng cơm . Những bữa ăn tối thật vui, ấm cúng, được xen lẫn các câu chuyện về công việc của hai vợ chồng kể cho nhau nghe nổ như bắp rang. Tối khuya Hân vẫn nấu nướng đồ ăn để sẵn, để gia đình dùng hôm sau, còn cô cũng gói đem đi một phần để dùng trên tiệm cả ngày. Khi đó những câu nói lóng Hân mang từ tiệm nail về kể , luôn làm Thái cười ngất:
- Hôm nay tụi em “ chèo” cả ngày mệt đứt hơi . . .- Hân nói hóm hỉnh
- Chèo là sao?
Thái ngơ ngác:
- Đại khái là làm nhanh, làm vội...để kịp làm cho khách khác... bởi khách vào đông quá - Hân giải thích.
Cái nghề nail thật lạ, có khi ngồi chơi cả ngày, đến 6 , 7 giờ chiều khách lại tuôn vào ào ạt làm không xuể. Phải đánh nhanh đánh lẹ mới kịp và vì thế về muộn hơn 9 giờ là chuyện thường. Đến cả “ tiền T “ Thái cũng ngần tò te, khi nghe Hân giải thích là tiền Tip. Rồi vô số từ ngữ mà dân nail hay dùng: good job (khách khen thợ nail làm giỏi bằng cách nói này), chuộng mới nới cũ (diễn đạt ý nói chủ tiệm thường hay nhận người mới vào nhiều quá) làm cho Thái thấy vui lây với không khí mà trước đó Thái và gia đình quan niệm là “xô bồ” khi nhắc đến nghề nail.
Theo lệ thường, hàng ngày vợ Thái mỗi ngày lái xe ra khu chợ Đ.H để xe ở đó, rồi đi theo xe chủ lên tiệm nail. Mới đầu thấy quen, dần dần cũng phát sinh nhiều chuyện làm Thái hồ nghi. Nhiều hôm vợ nói về trễ do tiệm đông khách hay xe hư dọc đường...Thái chỉ lặng thinh không nói. Thêm vào đó nghe nhiều người bạn nói bóng gió vợ mày đi làm có thằng cha đưa đón bảnh trai “ga - lăng“ lắm, làm Thái rất bực bội. Cộng thêm sự trách móc của gia đình mỗi bận về thăm nhà bên nội: “...Bây giờ mày sáng mắt ra chưa ? Tao đã nói mấy đứa làm nail đều vậy, nó bây giờ chim sổ lồng mày có giữ được không...“ - Mẹ Thái cằn nhằn, làm Thái như muốn va đầu vào tường tự trách mình(?).
Rồi một hôm không chịu nổi, Thái đề nghị vợ nghỉ làm, những trận cãi vã ầm ĩ nổ ra do Hân không chịu nghỉ làm. Trong lúc nóng giận, Thái giơ tay tát vợ. Bà Mỹ gần nhà bấm “911”, Police Mỹ đến còng tay Thái đem đi. Sau đó Thái phải ra toà vì tội đánh vợ, phải nộp phạt, phải đi học liên tục 6 tháng mỗi tuần học một ngày và chịu mọi phí tổn của lớp học, toà án v.v...
Ở Mỹ này “phụ nữ là số một“ , Thái đã va vào một tình huống làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và nghề nghiệp của mình. Còn Hân chỉ biết khóc không nói gì, cô ta vốn sống về nội tâm, chịu đựng nhiều hơn ca cẩm. Đời sống gia đình của họ như một sợi dây bị đứt nay nối lại, vẫn có nút thắt ở giưã, hai vợ chồng chỉ gặp nhau trong im lặng nhiều hơn là nói.
Không khí “trong nén ngoài im“ kéo dài chẳng bao lâu, khi Thái tự mình phá tung. Bởi từ lâu Thái và cả gia đình anh, đều cho rằng Hân lấy Thái là một diễm phúc lớn, được vào làm dâu một gia đình gia thế học hành thành đạt như gia đình Thái là cái may lớn của Hân. Cho dù trên thực tế Hân chỉ là nàng “dâu ảo“ chưa một lần được mẹ chồng thừa nhận dù có cưới hỏi đàng hoàng.Vì thế khi Thái giận dỗi đề nghị ly dị, Hân chỉ khóc và gật đầu đồng ý.
Sau hơn 01 năm ly thân, hai người được Tòa cho ly dị. Hôm đó Thái như kẻ mất hồn vì không ngờ đến kết cục bi thảm này, không ngờ rằng Hân có thể bỏ mình ra đi, rằng cái may mắn cái diễm phúc (ảo tưởng) mà Thái nghĩ rằng mình đem cho Hân trên đất Mỹ này, lại có thể trở nên vô nghĩa đến vậy đến nổi không giữ được chân của một cô gái làm nail yếu đuối như Hân (?!). Còn Hân như kẻ mất phương hướng. Mọi việc trong phút chốc như bát nước đầy đã đổ không thể hốt lại, Thái chỉ biết ôm đầu rên rỉ: “Ôi, nghề nail...nghiệp nail...“
Từ Việt Nam quay về Mỹ sau chuyến đi du lịch dài ngày, Thái vẫn buồn không nguôi. Những cô gái Thái đã gặp sau ngày ly dị (đ ã hơn 02 năm) vẫn chưa có ai có thể thay thế được bóng hình của Hân. Thái vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “ Tại sao mình lại ly dị “mà hoàn toàn vô vọng. Anh vẫn cho mình đúng, không có lỗi, rằng Hân đã có lỗi. Sự đời vẫn vậy, những ai từng ly dị đều cho người kia có lỗi cả. Nghĩ ngơi vài ngày, Thái lại ngật ngưỡng đi trong bóng đêm của hè phố, mặc trời lạnh hay nóng. Theo phán quyết của Tòa gia sản của hai vợ chồng khi ly hôn, Hân hưởng 50% , còn 50% là của Thái và đứa con, Hân được quyền nuôi con còn Thái phải cấp dưỡng hàng tháng. Thái không còn đi làm nữa vì nhiều lý do, anh đem phần tài sản được chia của mình đổ vào những chuyến đi du lịch trong ngoài nước Mỹ và cả về Việt Nam để tìm quên lãng và tìm hiểu lại chính mình sau cuộc hôn nhân tan vỡ mà anh cho rằng chỉ vì Hân đi làm nail,... phải chi Hân đừng làm nghề nail . . .
Một buổi chiều tối, Thái ngà ngà say, bước chân loạng choạng vô tình đưa anh đến một tiệm Nail ở góc phố. Một ý nghĩ bốc đồng thoáng qua, Thái bước vào tiệm và ngồi xuống. Anh yêu cầu được lấy khoé móng chân. Anh nhắm mắt mặc cho cô thợ nail cắm cúi làm công việc của mình bên bàn chân thô kệch của người đàn ông cô đơn.
Tiếng nhạc vọng ra từ tiệm “ Đời tôi cô đơn . . .” với giọng hát của ca sĩ Đon Hồ càng làm anh chán nản với chuỗi ngày buồn nhớ lê thê, hao mòn thể xác tâm hồn. Bỗng Thái nghe đau điếng, cô thợ nail cắt da phạm vào thịt anh làm chảy máu. Thái trừng mắt quát lên :
- Cô kia cô mới vào nghề hay sao ? Cô làm tôi đau quá . . .
- Sorry anh, sorry anh...em sẽ cẩn thận hơn . . .- Cô gái cuống quít, vẻ muốn khóc, làm Thái chợt mủi lòng, xuống giọng.
- Thôi, không sao...em cứ làm tiếp.... - Rồi anh lại nhắm mắt nghĩ ngợi lung tung, mặc cho cô gái làm tiếp.
Thái chợt nghĩ có lẽ ngày vợ anh mới đi làm nail , chắc cũng hay bị khách quát mắng và “ hành” lắm. Anh cảm thấy thương hại cho những người phụ nữ làm nail, phải làm nghề này chắc họ vì cuộc sống. Rồi trong đầu anh lại bùng lên ý nghĩa khác dữ dội hơn, đối nghịch lại , xem này... các cô gái cứ mơn mởn làm sao... tay chân trắng nõn... nghề nail phức tạp lắm mà... đủ hạng người... dễ sa ngã phải chăng? Bỗng có tiếng nói trao đổi giữa hai cô thợ ở quày bên, làm Thái chú ý lắng nghe, trong khi vẫn nhắm mắt:
- Tội nghiệp con Hân, từ ngày ly dị chồng vẫn “single” một thân một mình làm nail nuôi con...-
Cô gái tóc nhuộm vàng hai lai nói lớn.
- Nhỏ Hân nhà trước ở đường Magnolia có chồng là kỹ sư điện tử... phải không? Không biết thằng chồng nó mặt mũi ra sao, mà chẳng biết thương vợ con...- Cô thứ hai góp ý thêm.
Thái như chợt tỉnh rượu khi biết hai cô gái đang nói về vợ cũ của mình. Anh đã lạc bước vào ngày chính tiệm nail vợ mình đang đang làm ?! . Anh dáo dác nhìn quanh nhưng không thấy Hân đâu . Anh cố gắng lắng nghe hơn chút nữa. Hai cô gái vẫn vô tư trò chuyện.
- Mầy nghĩ coi vợ đi làm cả ngày bù đầu trong tiệm...tối về vẫn cơm nước lo lắng đầy đủ...còn muốn gì nữa ? Ghen bóng ghen gió , tự mình làm khổ mình, vợ con tan tác . . .
- Sao mày biết ? Lão chủ vẫn chở nó đi làm mỗi ngày kia đó...- cô gái tóc vàng vừa nói vừa cười mỉm.
- Đó là sự thật , lão chủ có vợ con đàng hoàng, bản tánh rất tốt. Con Hân cũng là người đoan trang, không phải trên đất Mỹ này đứa nào làm nail cũng đều “ lạng quạng” đâu ?
- Tao nói đùa vậy . . .Tao cũng biết con Hân là người đàn bà tốt. Đâu phải dân làm nail đều “ có vấn đề ”(?) , cũng tùy người...khối người giàu có tiếng tăm cũng “ quờ quạng”, “ đổi vợ đổi chồng” như thay áo như dân diễn viên điện ảnh đó, dân ca sĩ đó hay cả những ông trùm bà trùm tài phiệt giàu có người Mỹ kia . . .Ở đâu cũng vậy, nghề nào cũng vậy...có người xấu có người tốt...đừng quơ đũa cả nắm không nên . . .
- Nếu ai cũng nghĩ “ thấu đáo “ như vậy, thì còn gì mà nói...Họ chỉ thấy mặt trái của nghề nail, nào thấy hết những vất vả chịu đựng hy sinh mà người phụ nữ làm nail người Việt trên xứ sở Hoa Kỳ này, đang âm thầm gánh vác . . .
Có khách vào tiệm, hai cô gái đang nói chuyện bỏ đi tranh thủ vào việc. Thái giật mình ngồi dậy, cô gái làm nail cho anh, rụt rè nói :
- Dạ xong rồi , thưa ông . Hết thảy 4 đồng !
Thái gật đầu cười trả tiền , không quên cho thêm tiền tip 2 đồng, rồi vội rảo bước ra khỏi tiệm, sau khi nhìn quanh tiệm này lần nữa. Anh ngạc nhiên với chính mình, hôm nay anh như kẻ khác hẳn. Từ lâu anh ghét nghề nail, nhất là từ khi ly dị vợ, vậy mà hôm nay anh lại đi làm nail, trả tiền công thợ một cách vui vẻ. Ngoài đường về đêm gió thật lạnh, anh ước chừng hơn 8 giờ tối.
Anh nhìn qua cửa kính, ánh đèn trong tiệm nail vẫn sáng trưng. Bên trong các cô thợ vẫn miệt mài bên những bàn tay bàn chân to đùng của mấy bà cô người Mỹ da đen hay người Mễ .Thái thấy ái ngại cho những bàn tay nhỏ nhắn của các cô thợ nail bên cạnh những bàn tay bàn chân hộ pháp ấy. Để làm đẹp “cho đời cho người “, chắc các cô tốn không ít công sức. Lần đầu tiên Thái thấy trân trọng và quý làm sao những cô gái làm nail này một cách kỳ lạ.
Giờ đây chắc ở nhà, người thân của những cô gái ấy đang mong mỏi họ trở về nhà. Những người chồng, những đứa con,...và cả những người yêu...Mong rằng họ đều hiểu được sự hy sinh lớn lao của những người phụ nữ làm nail đó, có lẽ chuyện “ vui buồn”, những “ xung đột” không đáng có sẽ không xảy ra nữa ở đây .
Thái thấy mắt mình như ngấn lệ, lần đầu tiên anh khóc, kể từ ngày ly dị đến nay. Anh chợt trách mình quá “ tự cao tự đại” để rồi tự mình đánh mất cái quý giá nhất của đời người “ đó là hạnh phúc gia đình” . Anh muốn vào tiệm tìm Hân, để nói một câu duy nhất “ Anh vẫn yêu em !” , nhưng anh quyết định không vào mà quay lưng đi thẳng. Mình “ vẫn giận mà thương” - Thái chợt mỉm cười chua cay với ý nghĩ thoáng qua đó .
Ngày mai mình sẽ đến tiệm tìm Hân, để nói lời xin lỗi và sẽ nói câu nói mà đêm nay anh không thể nói. Dẫu muộn màng nhưng thà trễ còn hơn không, Thái tự nhủ vậy. Rồi Hân sẽ xử sự ra sao, anh không muốn hình dung ra màu sắc của nó nữa Bởi ở đâu đó trong Trái Tim mình, hai đứa đều biết mình vẫn từng có một thời yêu nhau say đắm. Anh chỉ kịp nghĩ vậy... trước khi quỵ xuống bên đường, cơn đau thắt ngực bên trái chợt nhào tới như tấn công Thái. Anh gục xuống ngủ thiếp đi, trong gió lạnh. Miệng anh vẫn lẩm bẩm “..Ôi Hân ơi, . . .ôi, nghiệp nail... Anh đã hiểu rồi... em có biết chăng ?...“ . Đằng kia có tiếng đóng cửa của tiệm Nail và tiếng ai đó la toáng lên :”...Có người bị bất tỉnh.... ông khách hồi nãy đây mà . . .” . Có lẽ Thái kiệt sức vì quá mệt mỏi khi đi tìm câu trả lời cho chính mình “Tại sao mình lại ly dị? “ (?)
Mặc, gió vẫn thổi...Những cánh hoa giấy màu tím của nhà ai bay bay trong gió, như nhắc nhở thổn thức, rằng đêm nay là một đêm thật lạnh nhưng vẫn ấm tình người. Cali mùa này lạnh về đêm hay chuyện đời trên đất Mỹ “nóng - lạnh” thất thường?

LINH TRAN
 

Liệu

Cựu Ban điều hành
#6
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Chào bác Ticon, cám ơn bác đã post những bài viết thật hay. Không biết lieuvh có áp dụng được không, nhưng đó là những bài chia sẻ rất thực trong cuộc sống bên US. 1 lần nữa cám ơn bác Ticon và rất mong bác post thêm những bái viết "y choang" như vậy hen.
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#7
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

cám ơn bác lieuvh....em hy vọng những đoản văn trên sẽ giúp người đọc được nhẹ nhàng thanh thản hơn nếu có ai đó có một mảnh đời gần giống như vậy...
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#8
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Cây Xương Rồng
LINH TRẦN .

Tác giả tên thật là Trần Quang Linh, từng ký bút hiệu là Diên Hồng, cư dân Santa Ana, Nam California. Đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông, nhân mùa lễ giáng sinh và năm mới đang tới.
*

Năm mới đã và đang về , trên đất Mỹ trời đêm thật lạnh. Hắn vẫn lái xe quanh quẩn trên đường, mặc cho một giờ đêm lững thững trôi qua. Đường phố xe cộ vẫn qua lại khá đông, những ánh đèn đường sáng vừa đủ như len lỏi dõi nhìn khắp nơi. Xa xa là những căn nhà được trang hoàng bằng những dàn đèn trang trí Noel, lấp lóe đủ màu sắc như những ánh sao đêm tỏa sáng từng lúc.
Từ hãng làm về nhà không xa nhưng hắn cứ đi , đi mãi mà không về nhà như kẽ lãng tử trong đêm dài thổn thức.Chiếc xe hơi cũ cùng với người chủ của nó, băng nhanh qua từng con đường: Bolsa Av, 1st St ; rồi quẹo sang đường Euclid St, băng ngang Hazard Av và lại quẹo tiếp sang Westminster Blvd, đi ngang Brookhurst St về Bushard St , ra lại đường Bolsa băng ngang khu Phước Lộc Thọ... , cứ vậy hắn cho xe trôi đi trong suy nghĩ nhùng nhằng, lẫn lộn.
Hắn sang Mỹ chỉ chưa đầy nửa năm, đi làm hãng chưa tròn 45 ngày. " Tay trắng lại hoàn trắng tay " hắn bỗng buột miệng thở dài thườn thượt. Hắn bình tĩnh nghĩ lại mọi chuyện trong ngày. Hắn vào ca lúc 2 giờ trưa, công việc vẫn vậy: chất những hộp nhựa đựng đĩa CD lên bàn, tách từng hộp từ thùng carton, sắp thành hình chữ V nối tiếp nhau trên bàn , rồi bỏ nhãn, bỏ đĩa vào để đóng thùng xuất xưởng. Mỗi thùng chưa khoảng 100 đĩa CD thành phẩm. Công việc chỉ có vậy, làm tuần tự nhưng phải thật nhanh. Làm như cái máy, không cần suy nghĩ, chỉ cần nhanh tay và thật nhanh tay... Hãng của hắn chuyên sản xuất các sản phẩm CD và Video tape, còn hắn làm ở khâu packing (bao bì) làm từ 2 giờ trưa đến 12g đêm. Đôi tay mềm mại của hắn trở nên khô rốc, chai sạn. Hắn cứ cắm cúi làm mà tâm hồn trôi dạt nơi đâu. Xác ở đó nhưng hồn cứ mãi nơi đâu.
Vốn từng là dân trí thức ở Việt Nam, rất giỏi tiếng Anh (không phải tiếng Anh?!). Một luật gia ít nhiều có tên tuổi. Vậy mà... nơi đất khách quê người, hắn chỉ là thằng làm công ăn lương, một "cu-li" (mấy thằng bạn chung hãng nói vui vậy) không hơn không kém.Những công nhân làm cùng ca với hắn đủ mọi sắc dân: Mê-hi-cô có, Hoa có, Mỹ có, Pakistan có, Hàn quốc có... ai cũng làm trong im lặng, đôi tay thoăn thoắt làm như bay. Mỗi người mỗi nổi niềm khác, nhưng có lẽ cái chung nhất giữa họ chính là ở chỗ họ đều là dân ly hương cả. Việc làm nơi đây là nơi họ bấu víu, để duy trì cuộc sống, cho dù đó không phải là điều họ ưa thích.Những kinh nghiệm sống hữu dụng nới quê hương của họ, gần như bị mai một trong cuộc sống mới tại nước Mỹ trong những năm tháng đầu của cuốc sống tha hương.Phải làm lại tất cả từ con số zê - rô âm, đúng vậy con số zê - rô âm , chẳng thể nào khác hơn...
Có ai đó từng nói "Ai chưa từng đến nước Mỹ không thể hiểu nước Mỹ" , có lẽ rất đúng chăng? Hắn cười nhạt với những ý nghĩ mông lung và cô tịch. Hắn bỗng nghĩ tới quy luật bất khả kháng: sinh - lão- bệnh - tử, hắn đang sống trong giai đoạn nào đây?
Hắn đưa tay ấn nút hạ kiếng xe xuống, một làm gió mát lạnh ùa vào làm cho trái tim lạnh giá của hắn thêm phần giá lạnh. Hắn mặt cho hồn hoang bay bổng cùng nghĩ suy "hữu hồn vô cốt". Mấy lần chiếc xe hơi của hắn như muốn lạc tay lái đâm sầm vào những chiếc xe chạy đằng trước. Hắn vẫn lái tiếp mà không biết đích đến là đâu, nơi nào là cứu cánh cho trái tim bị tổn thương nặng nề của hắn. Đêm càng khuya, trời càng lạnh, tâm hồn của hắn càng thêm bơ vơ lạc lõng. ..

Hắn miên man nhớ lại... tuần trước khi nhận tấm check trả lương của hãng, hắn phát hiện tiền công chỉ được tính $6.75 / giờ không đúng như lời chủ hãng nói lúc được tuyển vào lương sẽ là $8 / giờ, hắn thật bất mãn. Hắn bèn khiếu nại với tay quản lý người Việt. Kết quả là chỉ nhận thêm nổi bực tức, uất ức vào người. Tay quản lý buông lời ngạo mạn: "... lương chỉ có vậy, mày có biết luật không... muốn khiếu nại thì về Việt Nam mà khiếu nại, ở đây là nước Mỹ..."
Khi đó, hắn đã tròn xoe mắt nhìn tên quản lý đến ngơ ngác. Ra vậy, nó nói hắn "có biết luật không"... thật mỉa mai cho một luật gia, dân học luật như hắn. Hồi ở Việt Nam, khi sắp xuất cảnh sang Mỹ, hắn rất hồ hởi... còn bây giờ đang thực sống ở Mỹ thực tế phũ phàng như quất những nhát roi lạnh giá vào mặt của hắn.
Việc làm mong manh, cuộc sống chưa ổn định, hắn như kẻ mất phương hướng trong bầu trời bao la của nước Mỹ. Hắn thực sự thấm thía "nỗi khổ của kẻ sống lưu lạc ở xứ người". Hắn mới hiểu rằng, những vọng tưởng chỉ là mơ mộng không thể nào cưu mang nổi hắn và gia đình của hắn. Gió lại thổi mạnh, mặc, hắn vẫn quay kiếng xe xuống, lì lợm hứng cái lạnh ùa vào. Năm mới sắp đến ư? Ngày Xuân. .. Tết Dương Lịch à. .. Hắn nghĩ lung tung và lẫn lộn. Hắn bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Miên Thẩm, Nhà thơ và là con Vua Minh Mạng:
"Hoa rơi ảo mộng, liễu u sầu
Vời vợi gió xuân tan biến mau. .. "
Hắn cười chua chát, tự nhủ ". .. quái. .. , sao lại cảm thấy buồn quá lúc Xuân đến ư ?!"
Đã có nhiều đêm sau giờ tan ca về nhà lúc nửa đêm, hắn cố giỗ giấc ngủ nhưng chẳng thành. Hắn chìm trong hồi tưởng, nhớ lại mọi kỷ niệm sự kiện trong đời và những năm tháng ở quê hương mình: đi học, rồi đi làm, lấy vợ và có con... hắn luôn thành công, được mọi người trọng vọng. .. rồi hắn đã bỏ tất cả để cùng gia đình sang Mỹ , va chạm với đời sống thực, chật vật và lo toan... Mọi thứ ùa về lẫn lộn, pha trộn và xen lẫn nhau đến khó hiểu , khó tách bạch. Luồng suy tưởng như một dòng chảy vô tận, kéo theo mọi thứ, dằn vặt xoay tít quanh hắn như tra vấn, như đòi hỏi... Hắn cố tìm một câu trả lời, một phương cách mới để xoay xở, nhưng vẫn vô vọng, lạc loài , phương hướng như là một mục tiêu ảo mà hắn chưa lần ra chìa khóa giải ma.
Hắn lẩm bẩm: thế mới biết trên đất nước tự do này, vẫn có những hạng người "thượng đội hạ đạp" mà hình ảnh của tay quản lý trong hãng của hắn là một minh chứng. Nỗi uất ức lên đến đỉnh điểm khi chiều nay, trong ca làm việc, tay quản lý mặt non choẹt lại buông lời phỉ báng hắn là "tên vụng về nhất thế giới". Hắn đã trừng mắt quát lại tên quản lý: "cùng thân phận làm thuê đừng nên giậu đổ bìm leo...". Kết quả là sau đó hắn nhận được thông báo nghỉ việc, cùng tấm check tiền lương mấy ngày làm thêm sau tháng rồi.
Khi ra về, hắn mới kịp biết , nghe đâu tay quản lý này là bà con thân thuộc với chủ hãng - một người Mỹ gốc Hoa lấy vợ Việt, vợ của chủ hãng chính là chị ruột của tên quản lý. Thật là mệt mỏi, hắn ngán ngẩm cho sự đời!
Hắn từng nghe nhiều người nói: "... ở Mỹ, bị thôi việc là chuyện thường!..." Đã biết vậy nhưng hắn vẫn thấy lạ và buồn nhiều. Hắn buồn đến nỗi muốn tông xe vào vệ đường để tự sát nữa kia. Bởi, thất nghiệp là đồng nghĩa với thiếu thốn, là không khả năng chi trả mọi thứ, vợ con hắn sẽ tiếp tục chịu nhiều khó khăn... Ở Việt Nam hắn đi làm trên 20 năm, chưa từng bị " nói nặng nói nhẹ" vậy mà ở đây...
Nghĩ đến đó , hắn quyết định tấp xe vào một parking vắng bên đường dừng bước tạm. Hắn mở tung cửa xe, cho gió lạnh tha hồ ào vào xâm chiếm mọi không gian trống vắng. Hắn xoay hẳn người sang hông xe, như chồm hằn ra cửa xe chỗ ngồi lái.
Ánh đèn hắt xuống vệ đường nơi gốc cây cạnh xe, làm hắn chú ý đến "xác một cây xương rồng" nằm chỏng gọng trên nền đất cát ẩm ướt. Hắn rời xe, cúi nhặt cây xương rồng lên. Nó đã héo khô hơn hai phần thân cây, có lẽ người ta đã vứt nó lăn lóc nơi đây. Hắn chợt thương cảm cho cây xương rồng "đến mầy cũng phải chết sao... hỡi loài cây nổi tiếng sống dai và chịu đựng giỏi sự khắc nghiệt...?!".
Hắn chợt mím môi bóp mạnh, bỗng hắn nghe đau nhói ở lòng bàn tay. Một chiếc gai nhọn còn xót lại đã đâm xuyên vào tay hắn: một giọt máu đỏ chợt rỉ ra, hắn thấy tê buốt. Ôi, cùng là thân phận bị vứt bỏ, mà cũng gây đổ máu cho nhau ư? Hắn bỗng thích thích thú khi tự so sánh khuôn mặt tên quản lý trong hãng với dáng vẻ khô cằn của xác xương rồng nơi đây. Hắn nhếch mép cười một mình và tự nhủ: "trên đất nước này, khi mà văn hóa tuyệt đối tôn thờ chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị, cách đối xử với nhau trên cơ sở coi đồng tiền là vạn năng,... thì cách xử sự của tay quản lý người Việt với chính những đồng hương của mình có gì là xa lạ!
Trời bỗng đứng gió nhưng không khí vẫn lạnh. Hắn toan vứt cái xác cây xương rồng vào thùng rác công cộng gần đó nhưng hắn bỗng chút ý đến một chồi non xanh nho nhỏ lú lên gần ngọn. Trông nó tròn tròn, gai nhỏ nhọn, như hạt đậu nhỏ bám trên thân cây xương rồng khá lớn. Hắn bỗng thấy trong đầu như có tiếng reo lên: "mầm sống đây mà!". Hắn lại lầu bầu mấy câu của một nhà thơ Pháp: "Oh! Printemps jeunesse de l'année, oh! Jeunesse printemps de la vie" (phỏng dịch: "Ôi mùa xuân, tuổi trẻ của năm tháng, ôi tuổi trẻ, mùa xuân của cuộc đời")
Rồi không hiểu sao, hắn vội vã leo lên xe nổ máy, không quên đem theo cái xác xương rồng héo khô cùng với hạt đậu " sự sống" đeo trên ngọn cây. Hắn phóng xe như bay về nhà.
Lạ thật !... hắn điên chăng? Chắc ai thấy cảnh này cũng phán đoán như vậy. Riêng hắn thấy thật bình tĩnh, hắn quyết định quay xe về nhà đề trồng cây xương rồng vào chậu đất trước nhà.
Trời đêm vẫn rất lạnh, nhưng hắn thấy lòng chợt ấm lại. Hắn tự nhủ phải cứu lấy cây xương rồng khốn khổ "nó phải sống!". Hắn bỗng suy nghĩ: "mình cứu nó, người khác sẽ cứu mình?". Ở hiền gặp lành mà, hắn xưa nay luôn tin điều này. Hắn chợt lấy lại niềm tin và ý chí. Sự tồn tại dù mỏng manh của cây xương rồng kia, làm hắn hồi tỉnh lại. Mình phải tự cứu mình, không được nản lòng... Suy cho cùng, ranh giới giữa cái sống và cái chết nơi cây xương rồng dù khá mỏng manh nhưng mầm sống của nó thật khó hủy diệt. Phải chăng đó là bản chất sinh tồn mạnh mẽ trong nó? Hắn nghĩ về cây xương rồng, như kẻ tự trấn an mình. Hắn thấy ló dần những tia sáng hy vọng của sự sống! Phải chăng Xuân sắp về, nên trời đất, cây cối, con người đã khác đi chăng? Hắn nghiệm ra rằng, ở đâu cũng vậy, trên cả đất Mỹ này, khi năm mới đến, ai ai ai cũng hớn hở cháo đón...
Hắn quyết định ngày mai sẽ đi tìm việc làm khác, bắt đầu với thử thách mới... Vừa làm vừa tranh thủ học lại, học ngay trên Nước Mỹ này, mặc cho tuổi tác níu kéo, hắn tự nhủ với mình lần nữa: "phải cố gắng đứng lên, đứng lên... tương lai vẫn còn ở phía trước... "Phải chăng chiếc gai nhỏ của cây xương rồng làm hắn rướm máu và bừng tỉnh? Thật khó lý giải nhưng có một điều chắc chắn rằng chất sống mãnh liệt của cây xương rồng đã làm hắn nhận ra được nhiều điều quan trọng...
Một chiếc xe hơi kiểu thể thao mới tinh chạy ngang gầm rú, mấy chú nhóc người Mỹ da đen bỗng bấm còi inh ỏi, chồm ra ngoài xe vẫy tay nhìn hắn hô to: "My friend... my friend". Thậm chí chúng cố vỗ ầm ầm lên xe, để kêu hắn.

Mặc, hắn vẫn phóng xe thật nhanh, chẳng chút sợ sệt... Một tay hắn vẫm cầm chắc cây xương rồng như sợ ai giựt mất. Hắn lái xe một tay thật dũng mạnh và gan lì. Đã gần sáng, mà hắn vẫn tỉnh như sáo.Vài tiếng còi hú của xe cảnh sát công lộ Mỹ xa xa vọng tới như xé nát trời đêm. Hắn chợt thấy thích cả tiếng còi hú này đến lạ.
Hắn như kẻ say vừa bừng tỉnh, đang lao vội đi, như muốn giành lại những khoảnh khắc thời gian đã mất. Có lẽ tâm trạng của hắn đã khác hẳn, cái chết và sự sống của cây xương rồng kia đã đem đến động lực thúc đẩy hắn vùng dậy... Hắn đang trở về nhà, đúng vậy, hắn đang trở về nhà... Hay hắn đã tìm lại chính mình?
Trời Cali vẫn lạnh về đêm như mọi khi...

LINH TRẦN
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#9
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Papa Noel Và Khánh
LÊ KHÁNH THỌ .

Tác giả Lê thị Khánh Thọ là một hoạ sĩ định cư tại Pháp từ 1978 và từng được giải thưởng hội hoạ Pháp năm 2000. Hiện nay, bà sống tại Châteauroux, France.Công việc: Dạy Pháp ngữ cho đồng bào tị nạn Việt nam và Á Rập---Animatrice viện dưỡng lão Pháp--- và làm thông dịch cho cộng đồng Việt nam tại Châteauroux- France. Sau một số bài Viết Về Nước Mỹ, bài mới nhất của bà lần này là chuyện mùa giáng sinh của người Việt bên Pháp, kèm theo bản minh hoạ, như lời chúc tụng chung cho một mùa giáng sinh.
*

Trời bắt đầu sập tối. øNhững ngọn đèn xanh đỏ giăng cao hai bên đường phố chớp hiện lập loè hình cây thông, hình sao chổi và hình Papa Noel.
Từ mấy hôm nay mùa đông nước Pháp mang một sắc thái vui nhộn mặc dù tuyết rơi trắng xóa che phủ cảnh vật. Thông thường các chợ nghỉ làm việc 7 giờ, nhưng đặc biệt lễ mở cửa đến 10 giờ đêm vì tối mai thiên hạ ăn mừng Giáng Sinh. Tương tự giao thừa xứ mình, cho dù sinh sống xa xôi dân Pháp cũng trở về tụ họp với gia đình tối 24/12. Vào ngày Tết dương lịch họ lại dành cho bè bạn.
Siêu thị Nouvelles Galeries rộng lớn bán trang phục và cả thực phẩm. Bốn hướng cửa đông, tây, nam, bắc đầy người chen chúc nhau ra vào tấp nập. Tiếng nhạc mừng ngày Chúa ra đời tưng bừng phát ra từ ngoài đường vào tới chợ dường như có tác dụng kích thích thiên hạ dễ dãi mua sắm. Cơn sốt xài tiền đang lên cao độ! Có lẽ vì thiên hạ không cần trả tiền mặt, chỉ cần đưa tấm carte CB hay ký tờ chi phiếu. Hiểm nguy chưa tới ngay nên ít người sợ hãi. Nợ nần và tiền lời còn xa tít mù khơi! Cứ mua đã rồi từ từ hẳn tính! Những người nghèo nhất nước Pháp trong diện hưởng trợ cấp xã hội cũng đặc biệt được chính phủ chơi đẹp tặng thêm 152,45 euros ăn Réveillon. Do đó đủ mọI thành phần nao nức đổ xô mua sắm.
Mỗi cửa siêu thị nổi bật một Papa Noel bằng xương bằng thịt đội mũ đỏ, mặc áo đỏ rộng thùng thình dài xuống gót chân. Ông nào cũng cao trên 1m80, tóc râu trắng xóa trông thật phương phi đẹp lão. Tụi nhi đồng mắt xanh mũi lõ ngưỡng mộ nhìn Papa Noel không nháy mắt. Papa Noel phát cho mỗi đứa một cây kẹo nhỏ xíu cốt ý dụ khị chụp hình. Đứa bé gật đầu thì mười bà mẹ Đầm rộng rãi trìu con hết chín bà. Mười bà mẹ Việt nam thì hết chín bà lôi con đi và lòng nhủ thầm " để khi nào mình mua cả cuộn phim chụp cho lợi! ". Mỗi khi được mẹ Đầm nào đó đồng ý giá cả, Papa Noel âu yếm bồng ngay đứa bé vào lòng. Anh bạn phó nhòm đứng kế bên nhảy ra lẹ làng bấm máy. Một phút sau trao hình và chớp tiền, Papa Noel tức thì bỏ rơi đứa bé không chút luyến lưu và cặp mắt láo liên đảo qua đảo về kiếm một nhi đồng khác.Khánh bước vào siêu thị cửa Nam mục đích lựa quà cho con gái. Nàng nhẩn nha dạo vòng vòng, lòng thầm nhủ " áo quần mình đầy tủ, mình sẽ không mua gì cả!", nhưng chỉ độ một tiếng sau trên tay nàng đã cồng kềnh các túi xách. Trong đó có một robe kim tuyến, một đôi giày cao gót, một khăn choàng cổ, một áo ngủ hàng voan mỏng viền đăng ten, một ống son và một hộp phấn hồng. Quà chủ yếu cho con gái chỉ có một CD Shania Twain. MỗI lần chiến đấu vớI căn bịnh xài tiền, nàng lạI tặc lưỡi: " Thôi kệ! Lễ Giáng Sinh mỗI năm chỉ có một lần. Hai mẹ con bằng taille, thường mặc áo quần chung nên xem như cũng lợi! ". Khánh bước về hướng cửa Bắc. Tần ngần ngắm những chuỗI hạt đeo cổ đủ màu, hồn nàng mộng du mình sẽ lộng lẫy hơn vớI chiếc robe kim tuyến mớI mua. Đang còn ở trong tình trạng phân vân áy náy hôm nay mình sắm hơi bạo thì Khánh bỗng nghe giọng đàn ông xứ Phú Lãng Sa:
Ê! Khánh! Lâu ngày quá hé!
Khánh ngơ ngác nhìn quanh không biết ai gọi mình. Papa Noel chụp vai Khánh và hôn vào hai má nàng thân thiết theo thói quen của người Pháp. Thấy Khánh sững sờ, Papa Noel cười lớn:
- Bruno đây nè!
Khánh mừng rỡ la lên:
- Trời ơi Bruno! Râu ria che tùm lum làm sao Khánh nhận ra anh! Lâu quá rồi tụi mình không gặp nhau. Có bồ mới chưa ?
- Có rồi tan vỡ. Thì coi cũng như chưa !
Khánh làm bộ xụ mặt kiểu chia buồn nhưng thật ra nàng cảm thấy nhẹ nhõm vui vui khi biết người bạn trai chưa có bóng hồng nào chế ngự, mặc dù nàng không hề manh nha ý định tán tỉnh Bruno.
Cách đây hơn 10 năm Khánh phụ trách lớp Pháp ngữ thực dụng cho dân Việt Nam và Á Rập, Bruno phụ trách lớp dạy nghề. Vào những ngày cuối tuần Bruno rủ hơn chục đồng nghiệp về nhà chàng ở vùng quê cách tỉnh Khánh ở chừng 40 km. Những bữa tiệc kéo dài từ 3 giờ chiều đến 1 giờ sáng. Điều ngạc nhiên là trong nhà Bruno không có toilettes. Khánh không thể tưởng tượng nổi đến năm 1992 mà tình trạng chưa xây nhà vệ sinh còn xảy ra ở nước Pháp. Khánh phải co giò tiểu ngoài đồng trống trong tâm trạng hồi hộp lo ngại một nam đồng nghiệp nào đó xuất hiện bất tử. Trong phòng khách nhà Bruno tràn ngập sách truyện như một thư viện nhỏ và Khánh tha hồ mượn. Chàng yêu thiên nhiên. Phương pháp nuôi ong lấy mật và trồng cây trái không có chất hoá học là đề tài thảo luận sôi nổi. Mỗi lần ra về chàng thường tặng đồng nghiệp một túi rau quả.
Bruno bồ với Anne, bà thư ký cùng trường và cũng là bạn thân của Khánh. Bruno đã ly dị vợ nhưng Anne còn ở với chồng và 3 con. Anne tóc vàng mắt xanh duyên dáng, hứa hẹn sẽ ly dị chồng để chung sống với Bruno. Nhưng một ngày nọ Anne bất thần tới nhà Khánh. Nàng không son phấn như thường ngày, cặp mắt sưng húp. Giọng Anne trầm trọng ướt sũng nước mắt:
- Không xong rồi! Tao bàn chuyện ly dị thì thằng chồng tao xách súng đòi giết hết cả nhà rồi tự tử.
Khánh hỏi dồn:
- Bộ nó dám làm thiệt à?
- Dám lắm! Tao lạ gì tính nó. Nó hùng hổ thấy phát ớn!
- Mấy đứa con mi nói gì không ?
- Tụi nó theo phe ba nó. Đang khóc rùm TrờI đằng nhà.
- Giờ mi tính sao?
Anne thở dài:
- Thì thôi đành chôn đời với thằng chả chớ còn gì nữa! Thằng chả đánh bài nợ ngập đầu. Tao nai lưng đi làm suốt đời trả nợ thôi!
- Còn Bruno?
Anne khóc nấc lên:
- Nhờ mi kể giùm với Bruno chuyện này. Tao chấm dứt không gặp Bruno nữa!
- Mi giỡn hoài! Ngày nào đi làm cũng phải đụng mặt nhau.
- Ý tao nói là tao đành phải dứt tình. Mi giải thích với anh chàng giùm tao là tao lựa chọn hy sinh đời tao cho các con.
Khánh giẫy nẩy:
- Thôi, thôi mi đừng nhờ tao mấy chuyện này. Khó nói quá!
- Tao không đủ can đảm. Mi ráng giúp tao đi.
Anne sụt sùi năn nỉ và Khánh xiêu lòng.
Khánh nhấc điện thoại ngập ngừng báo tin buồn cho Bruno. Chàng không tin, tưởng Khánh nói giỡn. Đến khi gọi lại cho Anne và nghe chính miệng nàng xác nhận tin sét đánh, Bruno cảm thấy Đất Trời như sụp đổ. Đồng nghiệp xôn xao bàn tán Bruno bị dépression trầm trọng, phải lấy giấy bịnh nghỉ dạy hơn hai tuần lễ. Tuy ban ngày không đi làm nhưng buổi tối Bruno thường đến nhà Khánh tâm sự. Vẻ tiều tụy của người đàn ông thất tình Tây phương mang một sắc thái tội nghiệp quyến rũ làm trái tim người đàn bà cảm thấy nao nao. Tuy nhiên Khánh cương quyết phủ nhận chiều hướng tình cảm yếu đuối của mình, nàng cho rằng đó chỉ thuần túy tình bạn, nhất là khi người bạn có chuyện buồn đang cần mình an ủi.
Bruno không bao giờ chưởi rủa"con đàn bà thay lòng đổi dạ". Chàng thường nhắc nhở những điểm đáng yêu của Anne và bồi hồi kể lại biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp giữa hai người. Từ ngày đó Bruno và Khánh trở thành đôi bạn thân thiết. Khánh giao cho chàng những công việc đàn ông như sửa điện, sửa nước... Cuối tuần Bruno chịu khó mua nước suối cho nàng. Mỗi tay chàng xách 6 chai nước loại 1litre rưỡi lên tới tận lầu 6. Chính vào những khi thang máy hư thì nàng mới đánh giá được tình bạn của chàng. Bruno thường sôi nổi bàn luận về những cuốn sách mới xuất bản và tận tụy giảng dạy cho nàng những từ ngữ khó hiểu. Khánh sốt sắng mời Bruno ăn cơm. Chàng ăn rất ít vì không quen với các món ăn Việt nam, nói đúng ra Khánh cũng không có năng khiếu bếp núc. Cho đến một ngày nọ chàng khen ngợi món mì gói không tiếc lời và quất sạch một lần hai gói. Khánh tinh nghịch để Bruno lầm tưởng chính nàng nấu món mì gói bằng cách thủ tiêu trước các bao gia vị. Trên tô mì, nàng sắp thêm thịt và trứng trông rất hấp dẫn, đặt những tên giá trị như mì bò, mì tôm, mì cua, mì gà... Hôm nào chỉ có rau cải thì được gọi là mì chay. Bruno tập cầm đũa và húp tô mì sùm sụp đến cạn lán không còn một giọt nước. Chàng thường quảng cáo với các bạn rằng Khánh có tài nấu đủ các loại mì Á Châu. Mỗi lần đứa con gái của nàng nhấc điện thoại Bruno gọi, nó quen miệng:"- Má ơi, có ông mì gói kêu má nè!".
Sau bốn tháng thất tình, Bruno lấy lại phong độ vui vẻ hoạt bát như xưa nhưng vẫn thường nhắc nhở về người đàn bà đã làm chàng đau khổ với tình cảm còn chan chứa nồng nàn. Khánh thầm ngưỡng mộ người bạn gái ba con, dù không còn son trẻ (như Khánh!) mà có thừa bản lãnh chiếm được trái tim chàng trai thuộc vào hàng hào hoa phong nhã.
Một tối thứ bảy nọ, sau khi Bruno tấm tắc khen ngợi hai tô mì gói thập cẩm (có đủ gà xé, tôm, trứng và chút rau cải), đôi bạn ngồi chung sofa xem chương trình truyền hình cho đến khuya. Con gái Khánh đã vào phòng ngủ từ hồi nào. Bỗng nhiên Bruno choàng tay qua vai Khánh và xoay người nàng lại. Trong bóng tối lờ mờ đôi mắt xanh biếc của Bruno mang cả một bầu trời âu yếm. Hơi thở chàng dồn dập cận kề môi nàng. Trái tim người đàn bà cô đơn từ bấy lâu nay bỗng trổi nhịp xôn xao. Nổi rạo rực như cơn sóng ấm áp kỳ thú từ từ dâng cao...nhưng rồi chợt chuyển hướng hạ xuống đột ngột một cách phi lý. Khánh bối rối xô nhẹ Bruno. Nàng nhích người ra xa và ấp úng giải thích rằng chỉ xem chàng như bạn không hơn không kém!
Từ ngày đó Khánh giữ khoảng cách với Bruno. Thỉnh thoảng vẫn hẹn nhau ra quán café nói chuyện tào lao nhưng chàng ít được mời ăn mì gói và không được phép ở lại coi truyền hình đến khuya như trước. Thời gian trôi qua...Trường học đóng cửa vĩnh viễn. Đồng nghiệp phân tán mỗi người mỗi ngã.Thỉnh thoảng Khánh gặp lạI Anne, bà bạn gái Pháp đáng thương vẫn tiếp tục than thở số phận người vợ chẳng may có ông chồng đam mê cờ bạc. . Một lần nọ Anne thắc mắc:
- Sao mi không xáp vô vớI Bruno? Tao thấy tụi mi rất xứng đôi vừa lứa!
Khánh cười. Anne tiếp tục hỏi cặn kẽ:
- Mi thấy anh chàng cao ráo đẹp trai không?
- Ờ.
- Mi có công nhận anh chàng lịch sự và giàu kiến thức không?
- Ờ.
- Vậy sao mi chê?
Khánh thành thật thú nhận:
- Tao đâu có chê! Tại vì Bruno luôn luôn nhắc tới mi.
Anne trợn tròn đôi mắt xanh biếc:
- Đúng là anh chàng không biết anh chàng muốn gì! Hồi còn bồ với tao, anh chàng cứ ca tụng mi hoài làm tao cũng phát ghen !
Hai người bạn gái phá lên cười vui vẻ.
*
Dĩ vãng như một cuốn phim đang tuần tự chiếu trong đầu Khánh thì bỗng nhiên trong siêu thị thiên hạ nhốn nháoàNgoài cửa ập vào bốn ông cảnh sát Pháp bự con, dao găm súng lục trang bị đầy đủ làm như ra mặt trận chiến đấu. Nhóm cảnh sát nhào tới bao quanh Papa Noel Bruno và chớp nhoáng bẻ quặp tay Papa Noel ra sau lưng. Nét mặt cực kỳ nghiêm trọng, họ moi móc túi áo, túi quần Papa Noel một cách tỉ mỉ. Papa Noel lắp bắp hỏi:
- Chuyện gì vậy ?
Không ai trả lời. Cảnh sát vẫn tiếp tục lục soát. Khánh sững sờ đứng xớ rớ trơ mắt ngó không biết phải làm sao! Một chút gì nghèn nghẹn chận nơi cổ họng nàng. Khánh không tin Bruno phạm pháp. Nàng bỗng nhớ tới con bạn có chồng làm luật sư, nhủ thầm nếu Bruno bị bắt thì nàng sẽ nhờ chồng bạn can thiệp.
Có tiếng máy gọi. Ông cảnh sát chăm chú cầm ống nghe, thở phào nói với đồng nghiệp:
- Bắt được nó rồi.
Cảnh sát nhanh nhẹn tháo còng tay cho Papa Noel Bruno và nhã nhặn giải thích:
- Xin lỗi ông. Chúng tôi được tin có người phác giác Papa Noel móc túi một bà già. Papa Noel ở cửa hướng đông vừa bị tóm cổ với tang vật rành rành trong túi. Chúng tôi chỉ thi hành phận sự. Xin ông vui lòng bỏ qua những gì đáng tiếc.
Tim Khánh vẫn chưa lấy lại nhịp bình thường. Vài người sầm xì bàn tán. Những ánh mắt mang vẻ diễu cợt liếc nhanh về phía Papa Noel Bruno. Tội nghiệp cho dù đã được minh oan, thiên hạ vẫn còn chút gì nghi ngại. Bruno bị " quê " nặng. Mặt ngượng ngùng, chàng lúng túng cởi bộ áo choàng màu đỏ, lột mũ, lột hàm râu quai nón màu trắng, miệng lầm bầm nói với ông bạn phó nhòm đang mang vẻ mặt buồn hiu:
- Từ nay chấm dứt nghề Papa Noel!
Khánh chần chờ chưa muốn bỏ đi vội. Nàng thầm nghĩ Bruno đang cần bạn bè an ủi trong lúc này. Khánh rủ Bruno qua quán café bên cạnh. Chàng vất bộ đồ nghề Papa Noel vào thùng rác và hăng hái cầm giùm mấy món đồ của Khánh. Bản tính galant đáng yêu ngày xưa vẫn chưa thay đổi! Quay qua nhìn Khánh với đôi mắt ánh lên chút tinh nghịch, Bruno gãi đầu cười:
- Giờ này đói bụng rồi. Cho anh ăn mì được không?
Nhớ tới nhà còn nửa con vịt quay Triều Châu mới gởi mua từ quận Paris 13, Khánh dễ dãi gật đầu:
- O.K. Đặc biệt mì vịt quay. Hình như anh chưa bao giờ nếm thử !?
Bruno chưa kịp trả lời thì Khánh bỗng la lên:
- Ủa! Mất đâu một sac rồi.
Đôi bạn kiểm soát lại thì đúng là mất cái khăn choàng cổ. Không biết ai chôm !? chẳng lẻ thủ phạm là một Papa Noel có tài chôm chỉa !?hoặc có thể Khánh vô ý đánh rơi!? Điều đó không có gì quan trọng. Nổi vui gặp lại người bạn cũ choáng ngợp cả tâm hồn nàng. Tiếng cười giòn giã của đôi bạn không cùng chủng tộc ấm áp vang lên trong đêm đông giữa cơn mưa tuyết.
LÊ KHÁNH THỌ
VietBao
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#10
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Cali Có Gì Lạ Không Em?

Ngươì viết: Duy Tâm


Duy Tâm hiện là cư dân Westminster, đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Gần nhất là bài “Xe Hơi-Xe Lăn”. Sau đây là bài viết mới của ông.

*


"Có chứ, dân Cali sao mà chảnh ơi là chảnh."

Chị Thảo thẳng thừng tuyên bố một câu sau khi hai vợ chồng chị và đứa con trai làm một chuyến du lịch Cali để thăm bà con và bạn bè.

Anh Thảo không mấy nhạc nhiên về câu trả lời của vợ. Anh cố tìm cách trấn an chị.

"Em đừng nói vậy, mỗi người mỗi khác. Đừng quơ đủa cả nắm không nên"

Chị Thảo như giận hơn

"Tui hổng biết nhưng mà anh coi mình đã đi thăm tất cả là ba gia đình ở Cali. Gia đình dì Tư là bà con của bên tui, rồi gia đình anh Hoàng, gia đình anh Giao là bạn thân của ông. Cả ba gia đình đều giống nhau ở cái chổ là... khoe khoang. Hết khoe nhà, khoe của, khoe xe, khoe đủ thứ. Chưa kể đến cái vụ..."

"Cái vụ gì?"

Chị Thảo dường như chịu hết nổi những uất ức mà chị đã bị đè nén từ hai tuần qua.

"Cái vụ khoe "cà gá hột sòn" của mấy bà mệnh phụ phu nhơn chứ vụ gì. Bà nào cũng cắt mắt, bơm ngực, hút mỡ trông thấy mà phát ớn".

Anh Thảo cười hả hê rồi quay sang chọc vợ

"À thì ra là em ghen tức với mấy bả. Nhưng thôi họ có tiền thì cho họ kéo dài tuổi xuân của họ có gì mà phải tức. Miễn là trong trái tim anh, anh lúc nào cũng thấy nét đẹp tự nhiên của mình là... nhất là được rồi".

Chị Thảo đưa tay nhéo anh Thảo. Anh Thảo chụp lấy bàn tay vợ rồi ân cần đưa lên miệng hôn.

"Em thấy không bàn tay em đã nhăn nheo rồi, nhưng anh vẫn thấy nó thơm mùi bông sua đủa.."

Câu nói thẳng như ruột ngựa của chồng làm chị hoảng hồn. Chị rút tay ra khỏi tay chồng rồi đưa lên ngắm kỷ bàn tay của chị.

"Chao ôi bàn tay mình nhăn nheo thiệt ta ơi".

Anh Thảo lại hôn bàn tay vợ

"Thôi khuya rồi ngũ đi mình. Hỉ xả đi cho tâm hồn nhẹ nhàng"
Chị Thảo nghe lời chồng với tay tắt đèn rồi cố nhắm mắt lại giỗ giấc ngủ. Nhưng chị không tài nào ngũ được. Chị nhớ lại những gì đã xảy ra trong suốt 2 tuần ở Cali.
Nhớ tới vợ chồng dì dượng Tư.

*

Từ phi trường John Wayne, vợ chồng Dì Tư chở gia đình anh Thảo đến thẳng nhà hàng Favori.

"Dân xa đến Cali phải thưởng thức món cá nướng da dòn ở đây"

Dì Tư nói huyên thuyên trong khi Dượng Tư thì chỉ mỉm cười. Chiếc xe Lexus sang trọng của dì dượng hãy còn thơm mùi...xe mới.

"Xe ghế da mà da mềm thiệt nha"

Thấy mấy người cháu "nhà quê" có vẻ mê mẫn chiếc xe, dì Tư liền tiếp lời:

"Dì dượng mua trả tiền mặt đó, "out of the door" là sáu mươi hai ngàn. Bên đây sợ nhất là thiếu nợ nên hể có thì trả một cái rụp cho xong"

Thằng Đức nảy giờ ngồi im re bây giờ mới xen vào:

"Mẹ ơi khi con ra trường có việc làm tốt con sẽ mua cho ba mẹ chiếc xe giống như chiếc này"

Chị Thảo nghe con nói cũng cảm thấy vui vui. Chị cũng muốn khoe một chút về đứa con yêu

"Thằng Đức mới thắng giải nhất viết văn ở trường. Tụi học sinh Mỹ viết tiếng anh cũng không bằng thằng Đức"

Dường như dì Tư không muốn nghe chuyện con của người ta. Dì muốn kể chuyện về con của dì hơn.

"Thằng Tùng mới ra trường ngành "Còm Bíu Tờ". Nó tốt nghiệp xong là có việc ngay.
Dì dượng cũng đã mua cho nó chiếc xe mới để nó tiện đi làm."

Chị Thảo đưa mắt nhái anh Thảo một chút rồi quay sang hỏi tiếp Dì Tư:

"Công chuyện làm ăn chắc khá lắm nên dì dượng mới tậu xe mới"

Tiếng nói dì Tư lại vang lên như chuông đồng ngân trên điện thánh

"Cũng nhờ trời cháu à. Dì dượng mới sang thêm một tiệm mới. Tuy hơi xa một chút vậy mà làm ăn được nghe, mình cũng "charge" gía cao hơn. Dì dượng tính sang thêm tiệm nữa"

Dượng Tư chầm chậm lái xe vô Parking. Đột nhiên Dì Tư la lớn

"Ông coi hình như là bà Cyndy đang lái chiếc xe màu trắng đó. Đúng là bả chứ còn ai, đâu có ai có cái bộ ngực mà to như bả. Nghe nói gần 5 ngàn bạc đó. Tui biết ngay mà, hể mình mới mua chiếc Lexus mới thế nào con mẹ cũng mua chiếc mới hơn đễ chọc tức mình."

Dượng Tư dòm chiếc xe rồi nói

"Chiếc đó top of the line đó ba."

Dì Tư ra lệnh

"Đi ăn chổ khác".

*

Suốt một tuần ở nhà dì dượng Tư, chị Thảo như cô bé quàng khăn đỏ bên cạnh "con sói" Dì Tư. Thoạt đầu chị thích hỏi, rồi sau đó chị khám phá ra rằng khi chị hỏi một câu, dì trả lời 2,3 câu. Chị không hỏi dì cũng nói.

"Bộ bàn ghế này là hàng Italy thứ thiệt đó.Bỡi vì sàn nhà là hardwood floor màu nâu nên bộ bàn ghế cũng phải cùng màu mới sang. toàn bộ furniture trong nhà này đều cùng một màu. Bao nhiêu hả, mắc lắm cháu ơi nhưng không lẽ mua nhà đẹp mà xài bàn ghế củ sao? Như kinh thánh chúa Giê Su có dạy không ai bỏ rượu mới vào bình rượu củ bao giờ..."

"Cái bà Cyndy hồi hôm qua mình gặp ở tiệm ăn đó, đễ dì kể cho cháu nghe. Tuần trước đi đám cưới bả khoe cái hột xoàn 7 ly mới mua, bả tưởng dì không biết. Bà chủ tiệm hột xoàn có nói với dì chiếc đó bà Cyndy mua của bả là nước F, đâu có giá bằng chiếc của dì.là nước E. Bữa đó ngồi chung bàn ai cũng biết mánh của bả, khoe mà không biết cách khoe."

"Dì dượng mới đi tour Trung Quồc về. Không phải mấy cái tour quảng cáo rẻ như bèo đâu cháu. Dì dượng đi tour deluxe đó cháu. Khách sạn toàn 5 sao, xe bus cũng rộng rãi, ăn uống họ lo chu đáo hơn. Năm nào mà không đi chơi ít nhất vài lần."

"Cháu thấy cái hồ cá phía sau nhà dì chưa?. Mỗi con cá là mấy trăm bạc đó. Cái giàn đèn cũng cả mấy ngàn đó, rồi có suối nước nữa cháu. Cái hồ cá này là chổ tiêu khiển của dượng. Mấy lần đi du lịch phải nhờ mấy đứa nhỏ con của con Mai tới để cho cá ăn. Ờ con Mai cũng mới mua nhà. Nhà nó cũng gần 1 triệu chớ đâu có thua nhà dì. Nhà gần biển là mắc lắm cháu ơi.."

"Cứ để cho thằng Tùng dẫn cháu Đức đi chơi. Thằng Tùng quan hệ rộng rãi lại hoạt bát. Khổ nổi là cái thằng hào hoa lắm đào.."

Cái máy nói dì Tư làm chị Thảo như nhớ tới một cái gì quen thuộc. Đêm cuối cùng ở nhà dì dượng Tư, nữa đêm chị đánh thức chồng dậy rồi nói lớn

"Em nhớ ra rồi, bà dì của em bả giống như mấy cái loa phóng thanh treo ở đầu phố "

Anh Thảo ôm vợ vào lòng rồi nói

"Không biết thằng Tùng có giống má của nó không?. Mấy hôm rày nó dẫn thằng Đức nhà mình đi đây đi đó, hi vọng thằng Đức không có bị nhức đầu như mình."
*

Sau khi café điểm tâm ở một quán cafe, Tùng chở Đức đi vòng quanh phố Bolsa

"Mấy cô tiếp viên ở quán Café có vẻ thích trò chuyện với cậu"

Tùng đốt một điếu thuốc, hút một hơi rồi mới đáp lời Đức

"They know me. I ve been around you know"

Tùng nói liên tu bất tận. Từ chuyện bạn gái, chuyện fashion, xe hơi, cho đến ...cách xử thế làm người. Đức say mê nghe người cậu ruột nói chuyện như thể ngày nào còn theo cậu đi bắt còng ở bãi biển Tân Thành, Gò Công. Tuy nhiên Đức không hiểu tại sao Đức nói chuyện với cậu Tùng bằng tiếng Việt mà cậu hầu như chỉ dùng tiếng anh, cho dù tiếng anh của cậu cũng hơi có vấn đề.

"Khi nào rảnh cậu chở cháu đến tiệm bán CD nhạc Việt nha cậu. Cháu muốn mua vài cuốn CD nhạc quê hương."

Tùng đột nhiên cười hố hố

"Nhạc quê hương? you still listen to nhạc quê hương? Over here we call it nhạc sến."

"Nhạc sến?"

Tùng lấy mái Ipod ra, cấm giây vô máy CD trong xe rồi bấm máy. Tiếng nhạc và lời ca trổi lên những âm thanh xôi động mà cũng không kém phần thắm thiết:

"Đành hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều nỡ quay lưng để người ta khóc... khóc thật nhiều nước mắt giờ đã cạn rồi thôi thì thôi nhé không cần nữa đâu.."

Đức chưa kịp nêu ý kiến thì cậu Tùng đã "giảng" tiếp

"Young people today we like explicit words. Lyrics that too deep are no longer suitable for young generation."

"Cháu hiểu ý cậu. Lời thẳng như vậy khỏi cần nghỉ ngợi gì cũng hiểu."

"Of course, as long as the music is contemporary, upbeat."

Lần đầu tiên Đức nói với cậu bằng một câu tiếng Anh:

"I see your point uncle. There is no need for the youth to challenge their minds anymore."

Đức dòm xem list nhạc trên chiếc máy Ipod. Wow toàn là những tựa bài rất kêu
"Kiếp đạo tặc, lời xám hối của kẻ hấp hối, Người ấy và tôi em chọn ai, trước mặt em không thể khóc..."

Tùng lại thao thao bất tuyệt "giải thích" cho thằng cháu về tuổi trẻ ngày nay.

"You go to gym to work your ass off to get a good body, wear brand name clothes, and please do not listen to nhạc sến."

Dường như Đức không còn muốn nghe cậu của mình nói nữa. Không phải vì cậu nói với heavy accent mà vì cậu đã làm cho Đức thất vọng. Mới có 7 năm thôi người cậu ruột chỉ lớn hơn Đức chưa quá 10 tuổi, từ một anh học sinh trung học hiền lành đã hóa thân thành một thanh niên của trào lưu mới. Đức chợt nhớ lại những lần theo cậu đi ghe xuôi giòng sông Tiểu ra cửa biển Ta^n Thành. Nhớ cái màu xám đen của cát, mùi hăn hắc của nước biển, cả một cánh rừng toàn cây bần mà những trái bần chín ăn vừa chua vừa chát. Nó nhớ tới những hủ mắm còng nhiều ớt, những trái sơ ri màu đỏ chói là những đặc sản của xứ Gò Công. Ngày đó chính cậu Tùng đã từng chở nó trên chiếc xe đạp củ kỷ từ làng Tân Phước ra đến chợ Gò Công để ăn bánh giá. Cái áo thun ba lá của cậu ướt đẫm mồ hôi, vậy mà cậu không mệt vừa đạp xe vừa hát nghêu ngao ca khúc Điệu Buồn Phương Nam. Đức nghe cậu hát rồi bắt chước hát theo đến độ thuộc lòng hồi nào không hay."

"Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi".....

Chưa lúc nào bằng lúc này Đức cảm thấy có một sự ngăn cách giữa hai cậu cháu.
Đức thèm nghe cậu hát lại những lời dân ca mộc mạc ngày nào nhưng có lẽ cậu nó đã quên hết lời ca cho dù vô tình hay cố ý.

Tiếng của Tùng lại cất lên trong lúc Đức còn đang loay hoay đưa tay vớt những đám lục bình trôi.

"One more thing, please do not call me "cậu" anymore. Just call me by my American name, Justin"

Vietbao
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#11
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Thăm Con Du Học

BỒ TÙNG MA

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60’, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng.

***

Tiếng điện thoại reo làm tôi giật mình tỉnh giấc. Vội đưa tay chộp cái điện thoại, tôi nhìn lên đồng hồ treo tường: Gần 4 giờ sáng. Tôi bực mình, chỉ muốn vất cái điện thoại xuống sàn nhà. Bực vì mất giấc ngủ thì ít, mà tiếc cho giấc mộng đẹp thì nhiều. Trong giấc mộng tôi thấy mình và cả bà xã đều trẻ lại, cả thể xác lẩn tâm hồn, đến nỗi một con bướm bay qua hay một cánh hoa rơi cũng đủ làm tôi ngây ngất.
Chừng 10 giây sau vẫn không nghe tiếng ai ở đầu giây bên kia. Tôi định bỏ điện thoại xuống thì nghe có tiếng "A-lô."
Tôi vội đi xuống phòng khách, tránh làm kinh động giấc ngủ của vợ tôi. Bà ấy đang mỉm cười trong giấc ngủ. Biết đâu bà ấy đang tiếp tục giấc mộng đẹp của tôi.
-A-lô, tôi nghe đây-Tôi nói hơi lớn tiếng.
-Chắc bên Mỹ chừ cũng gần 7 giờ sáng. Một giọng nữ lạ hoắc.
-Ở Florida thì 7 giờ sáng, nhưng tôi ở Cali,
-Như rứa bên Cali 10 giờ sáng rồi.
-Không có chỗ nào bên Mỹ giờ này 10 giờ sáng cả.
-Ủa, vậy chớ mấy giờ?
-Không lẽ 4 giờ sáng cô đánh thức tôi dậy để hỏi giờ.
-Ủa...
-Ủa gì?
-Ngọc Lan đây, mẹ thằng Kha, anh không nhớ răng? Có chuyện gấp mới gọi anh Hai. Bây giờ Mỹ cho phụ huynh học sinh đi thăm con du học nhiều lắm. Em muốn anh cho biết chi tiết.
-À, thì ra là cô. Cô đến các phòng dịch vụ du lịch mà hỏi. Tôi chẳng biết gì hơn họ-Tôi nói hơi xẵng giọng.
-Rứa mà thằng Kha bảo em hỏi anh.
-Đương nhiên tôi có biết ít nhiều nhưng các dịch vụ bên Việt Nam rành hơn tôi. Cô trả cho họ 50 đô, họ hướng dẫn và làm hết cho. Thôi, để tôi nói sơ qua. Hồ sơ bên Việt Nam gồm có: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu; chứng minh tài chánh như mức thu nhập, sổ tiết kiệm, sổ nghiệp chủ nhà; giấy chứng nhận chuyển tiền sang Mỹ cho con học tập. Ngoài ra cần có khai sanh con, hôn thú để chứng tỏ có sự ràng buộc ở Việt Nam, không ở lại Mỹ. Bởi vậy đi một mình dễ hơn đi cả hai vợ chồng. Hồ sơ bên Mỹ tức hồ sơ của Kha, gồm có: Bản sao hộ chiếu, visa, I-94, I-20, bảng điểm, giấy chứng nhận đóng tiền học. Ngoài ra nếu Kha có giấy khen, bằng danh dự hay loại giấy gì tương tự như vậy, sao gởi về luôn.
-Vậy thôi hả anh?
-À, còn thư mời của trường Kha nữa.
-Vậy thôi hả?
-Còn nữa, cô phải điền mẫu đơn xin thị thực Không di dân DS-156. Hình như cô mới ngoài 40, nên phải điền thêm mẫu đơn xin thị thực không di dân bổ sung DS-157 dành cho người từ 16 đến 45 tuổi.
-Còn chi nữa không?
-Còn chớ, 131 đô lệ phí.
-Ủa, sao không lấy chẵn 130 hay 135 đô, mà lại 131.
-Cái này cô nên hỏi ông Đại sứ Michael Michalak.
-Em cám ơn anh. Anh xin cho em cái thư mời. Phí tổn bao nhiêu em cũng chịu.
-Chắc không có phí tổn gì đâu. À, mà coi chừng. Khi vào phỏng vấn cô làm cho mặt xấu đi. Đẹp như cô Mỹ không cho đi đâu,
-Răng rứa?
-Sợ qua lấy chồng, ở luôn.
-Cái anh quỷ này.
Tôi cảm thấy như bị phát vào người một cái sau câu nói đó. Tôi còn nhớ hồi ở Việt Nam, mỗi lần tôi nói đùa, Ngọc Lan thường kêu lên "Cái anh quỷ này" rồi phát vào lưng tôi một cái.
Tên thật của Ngọc Lan không đẹp như vậy, nhưng tôi không ghi rõ ra đây. Ngọc Lan người cùng xã với tôi. Tuy không có họ hàng gì với chúng tôi nhưng Ngọc Lan vẫn gọi ba mẹ tôi là cậu mợ và gọi tôi là anh Hai. Năm 1990 tôi ngạc nhiên nghe nói Ngọc Lan làm một chức gì đó khá lớn trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, một tổ chức chính trị, xã hội đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ v.v...của phụ nữ. Khi Ngọc Lan không còn ở trong Hội Liên hiệp Phụ nữ nữa, cô vẫn tham gia đều đặn các sinh hoạt của hội, nhất là các buổi hội thảo về vai trò của phụ nữ trong xây dựng cuộc sống gia đình, về nhân phẩm phụ nữ v.v... Bước sang năm 2004 Ngọc Lan bỗng giàu sụ lên, làm chủ nhiều cây xăng trong vùng, mặc dù cô hầu như chẳng tính toán gì nhiều trong việc kinh doanh, giống như cái tánh bạ đâu nói đó của cô. Ngay sau khi có chương trình Giao lưu Văn hóa (Tức du học sinh Việt Nam qua Mỹ học 10 tháng rồi về nước), Ngọc Lan cho Kha, thằng con trai độc nhất, đi du học ngay dù nó học rất kém, tiếng Anh cũng chẳng hơn gì, không đúng quy định của chương trình. Kha được cấp visa trong lần phỏng vấn đầu tiên, làm ai cũng ngạc nhiên. Vậy rồi Ngọc Lan chẳng ngại ngùng, nhờ tôi change status cho Kha, nghĩa là xin cho nó tiếp tục ở lại Mỹ học theo chương trình du học không giới hạn thời gian.
Trở lại chuyện Ngọc Lan làm thủ tục đi Mỹ. Một tháng sau Ngọc Lan gọi điện thoại báo tin mừng đã được cấp visa và nằng nặc đòi gặp vợ tôi.
-Bà ấy đi làm rồi- Tôi nói.
-Nhờ anh khẩn trương nói với chị mua giùm em các thứ sau đây: Một chai nước hoa Chà-neo thứ tốt nhất, 1 chai sửa rửa mặt hiệu chi cũng được, 1 chai kem lót phao-đê-sờn hiệu chi cũng được, 1 hộp kem dưỡng da Ê-li-da-bét Ác-đơn...
-Thôi, để bà ấy về, cô gọi lại. Tôi chẳng hiểu gì cả, mà ghi cũng không kịp.
-Cho em nói thêm 1 câu nữa. Có người bạn ông xã đi du lịch sắp về. Chị mua gấp mới kịp gởi. À, còn cái quần Jean nữa...
-Thôi, để bà ấy về cô nói luôn.
-Em "bay" anh nghe.
-Thôi, cô...bay.
Vợ tôi rất thích đi shopping, ngay cả đi shopping cho người khác, nên sau khi nghe Ngọc Lan gọi điện thoại nhờ mua, bà ấy đi ngay.
-Nordsrom Rack bán hàng rẻ, lại đang save. Phải đi mua gấp mới được mới kịp gởi-Vợ tôi nói.
-Em ra ngoài phố Tàu mua cho tiện.
-Ngọc Lan bảo mua thứ xịn nhất. "Nhớ mua bộ đồ như chị mặc khi về Việt Nam"-Ngọc Lan dặn vậy mà.
-Em lên Goodwill mua đi. Ngọc Lan không biết gì đâu. Thỉnh thoảng ở đó có nhiều loại áo quần mới và tốt lắm.
-Bậy! Tội chết.
-Em làm như Goodwill là thùng rác.
Hôm sau ông anh họ tôi từ Việt Nam gọi qua:
-Con Lan sắp đi Mỹ. Chú biết chớ. Nó nhờ chú xin thư giới thiệu của trường hả?
-Phải.
-Chú lấy nó bao nhiêu tiền?
-Trường đâu có lấy tiền.
-Sao chú dại vậy! Con Lan bây giờ giàu lắm. Sao chú không "chém" . "Chém" nó cũng không chết đâu. Nó không biết gì đâu.
-Thôi, để Lan qua đây rồi tôi tính sau.
Ông anh họ tôi cười:
-À, tôi biết thâm ý chú rồi. Con nhỏ hấp dẫn lắm. Nhưng coi chừng bà xã chú, cái miệng con Lan bạ đâu "ngôn" đó.
Thật ra tôi không có ý gì cả. Tôi nghĩ mình đã lấy lệ phí chuyển đổi tình trạng du học cho thằng Kha rồi, bây giờ còn "chém" má nó nữa, thì cũng hơi tàn nhẫn. Vả lại, rủi Ngọc Lan biết trường không lấy lệ phí thì sao. Kỳ lắm! Tôi không sợ Kha tìm hiểu việc này ở văn phòng trường. Nó không phải thuộc loại người tỉ mỉ. Nó lại rất ngại đến văn phòng trường mà ở đó ai cũng nói tiếng Anh như gió, chứ không phải nói chậm rãi như mấy bà giáo, ông giáo của nó. Kha từng thổ lộ với tôi như vậy. Có lẽ nó là một trong những học sinh giao lưu văn hóa hiếm hoi kém tiếng Anh. Không những nó kém tiếng Anh mà còn kém cả ... tiếng Việt; nói đúng hơn, nó chẳng có một kiến thức nào cả. Có lần tôi hỏi nó:
-Kha này! Sao con chẳng biết gì cả vậy?
-Biết gì chú?"-Nó hỏi.
-Chú thấy con nói chuyện lịch sử Việt Nam với bạn gái con trật lất. Coi chừng bạn con cười.
-Nó cũng đâu biết gì.
-Nhưng rủi nó biết thì sao?
-Chú dạy con đi.
-Chú test con trước đã. Gia Long là ai vậy?
-Nghe quen quen.
-Gia Long con không biết, nhưng chắc ông này con biết. Trần Phú là ai?
-Tên trường của con.
-Thôi, chú không đủ sức dạy con đâu.
Tôi cười. Nó cũng cười.
Hôm nay tôi và Kha lên phi trường quốc tế Los Angeles đón má nó.
-Khi trở về, chú để con lái nghe.
Tôi biết thằng Kha muốn dợt le với má nó. Tôi nói:
-Ừ, nhưng đừng lái nhanh quá.
Cả hai đợi gần 3 tiếng đòng hồ kể từ lúc máy bay hạ cánh mới thấy Ngọc Lan ra.
-Sao lâu vậy má?
-Má đợi chị Việt Kiều gây nhau với anh hải quan Việt Nam.
-Ủa, hải quan Việt Nam đâu có ở đây. -Cu Kha hỏi.
-Chắc hải quan Mỹ gốc Việt-Tôi nói.
-Phải đó anh Hai.
-Sao lại đợi gây nhau?-Tôi hỏi
-Tại cái chi...à I-94. Em tưởng ghi ngày sinh theo kiểu Mỹ, tháng trước rồi đến ngày rồi đến năm. Anh hải quan Việt Nam dữ quá, sừng sộ, la em quá trời "Chị không biết tiếng Mỹ hả. Ghi chú rõ ràng là ngày, tháng, rồi mới tới năm mà chị...". Anh ta trừng mắt như muốn ăn sống em. Em sợ quá. Vậy mà em cứ nhường cho người sắp hàng phía sau, để đợi gặp anh Việt Nam này. Em thấy bảng tên anh hải quan đeo là Trần. Em vừa đến chỗ nhận hành lý thì cũng nghe tiếng sừng sộ của anh hải quan Trần với một chị Việt Kiều. Hai bên to tiếng. Em đợi chị Việt Kiều ra để hỏi. Chị ta nói: "Có gì đâu, ghi nhầm địa chỉ trên tờ khai mà nó nói như chửi mình. Thằng này một là khùng, hai là sợ mất rốp. Chắc hắn từng dễ dãi với đồng hương nên bị xếp hắn la". Thiệt rứa không anh?
-Sao biết được. Thôi mình ra xe.
-Chú đưa chìa khóa xe cho con
-Thôi, để bác lái cho an toàn. Ủa mà con đeo cái chi ở mũi rứa? Má cứ tưởng...cứt mũi. Má không bằng lòng mô nghe.
Kha vừa đề máy xe vừa nói:
-Má nhà quê quá. Má ăn mặc chi giống như cán bộ xã vậy?
-Thằng cha mi! Tao ăn mặc ri mà... Áo quần ni là thiếm Hai mua cho tao đó.
-Thiếm Hai mặc coi được nhưng sao má mặc thấy kỳ quá- Kha cười nói.
Ngọc Lan ở với Kha gần 1 tuần thì vợ tôi mời cô ấy qua ở nhà tôi:
-Bây giờ đến phiên tụi này dẫn cô đi chơi. Còn chỗ nào chưa đi, nói đi.
-Thằng Kha chở em đi chơi không thiếu chỗ mô hết.
-Xuống khu Phước Lộc Thọ chưa?
-Xuống rồi. À, để em kể chuyện ni. Hôm ở khu Phước Lộc Thọ, sau khi mua một ít mỹ phẩm, em ra phía trước chụp hình. Em đang loay hoay chụp hình thì một bà cỡ tuổi chị đến hỏi em: "Chắc cô mới ở Việt Nam qua?". Em nói: "Phải, tui đi công tác". Bà ta hầm hầm nói: "Vậy cô là Việt Cộng rồi!" Em yên lặng đi một mạch ra đường, gọi thằng cu Kha chở em về nhà. Em sợ quá.
Vợ tôi và tôi phá lên cười:
-Sao không nói đi du lịch thăm con. Bây giờ dám xuống đó với tụi tôi không?
-Dám chớ. Đi với anh chị thì được. Anh là người có thớ bên ni. Còn thằng Kha ... Hôm đó nó bỏ em ở đó một mình rồi dông đi mô mất.
-Tôi chẳng có thớ gì cả. Mà có thớ cũng chẳng ảnh hưởng gì ai. Hôm nào có dịp cô dám đi dự một buổi ra mắt hội đoàn ở đây không. Mấy người Mỹ "có thớ" như bà Thị trưởng tới hội trường ngồi... đợi người Việt mình đến. Khi ra về, vài người Việt mình về trước, ngay cả lúc người ta đang thuyết trình hay ca sĩ đang hát.
-Răng không dám đi với anh chị. Đi chớ!
Ngọc Lan nói rồi kéo vợ tôi đến một góc nhà, thì thầm gì đó vào tai vợ tôi. Cả hai rú lên cười.
Tối hôm đó vợ tôi nói:
-Ngọc Lan nói qua Mỹ cái gì cũng nhờ thằng Kha được, chỉ có một cái không được.
-Cái gì vậy?
-Cô ấy nói cần phải biết hết, để về kể lại cho bà con, bạn bè nghe.
-Mà cái gì mới được chớ.
-Thì từ từ để người ta nói cho nghe. Ngọc Lan muốn xem vũ sexy.
Tôi cười nói:
-Đàn ông hay đàn bà?
-Ủa có vũ sexy đàn ông sao?
-Nghe nói có. Mà hình như không cho đàn ông xem. Em dẫn cô ấy đi xem đi!
-Quỷ!
-Vậy thì cô ấy đi một mình. Tụi mình chở cô ấy tới đó.
-Ngọc Lan không dám đâu.
-Hay tụi mình đem Ngọc Lan đi xem vũ sexy đàn bà?
-Đàn bà xem vũ...đàn bà được hả?
-Sao lại không.
-Thôi, kỳ lắm. Anh đi với Ngọc Lan đi.
-Lại càng kỳ hơn nữa. Mai em rảnh không. Ba người đi uống cà phê...vườn. Anh có người bạn mới mở tiệm cà phê giống hệt mấy tiệm cà phê bên Việt Nam trước đây.
-Ngày mai em bận. Anh với Ngọc Lan và Kha đi.
Sáng hôm sau Ngọc Lan, Kha và tôi đến tiệm cà phê. Tôi chọn một bàn ngoài hiên, nơi có trồng mấy cây hoa gì đủ màu rất đẹp. Cu Kha ngồi chừng 5 phút rồi biến đâu mất. Tôi ngồi với Ngọc Lan, nói chuyện lung tung, chẳng ra đâu vào đâu. Được một lúc tôi bảo anh bạn chủ tiệm cho nghe một bản nhạc tiền chiến mà tôi rất thích. Tôi kín đáo đưa mắt nhìn Ngọc Lan. Tôi ngồi xây lưng ra ngoài ánh sáng nên Ngọc Lan không thấy rõ đôi mắt tôi đang chăm chú vào cô. Quả thật cô ấy vẫn còn rất trẻ. Lại đẹp nữa, chỉ có khuyết điểm là...cái ngực hơi nhỏ. Tôi cố tưởng tượng ra đây là giấc mơ mà Ngọc Lan đã làm gián đoạn hôm gọi điện thoại cho tôi. Tôi tưởng tượng như tôi đang ngồi với vợ tôi trong giấc mơ. Tôi mơ màng nói:
-Em phải đền giấc mơ cho anh.
-Anh nói..sảng chi rứa?
-Em không nhớ em gọi điện thoại cho anh lúc 4 giờ sáng sao?
-Ủa.. à, em hiểu rồi. Anh đang mơ ngồi với chị thì nghe tiếng điện thọai của em, phải không?
-Sao em biết hay vậy?
-Chị nói với em. Chị nói thỉnh thoảng cũng nằm mơ gần giống như vậy.
-Có khi nào em mơ như vậy không?
-Không bao giờ.
Bây giờ tôi mới nhớ tôi có kể về giấc mơ hôm đó cho vợ tôi nghe.
À, thì ra tôi còn có một người vợ. Người ngồi trước mặt tôi không phải là vợ tôi, dù trong giấc mơ.
-Anh Hai này, tiệm cà phê này thì có chi đặc biệt mô.
Tôi hoàn toàn tỉnh mộng. Ngọc Lan trả tiền và gọi Kha đến để đi về.
Hôm sau tôi nói với vợ tôi:
-Hay mình đem Ngọc Lan đi xem vũ sexy. Ở đường Century, gần phi trường có một chỗ...
-Thôi, kỳ lắm.
-Vậy thì ngày mai ba người đi uống cà phê D. Chỗ này có nhiều cô ăn mặc cũng sexy lắm.
-Em nghe nói chỗ đó rồi. Để em nói với Ngọc Lan.
Hôm sau Ngọc Lan, bà xã tôi và tôi đến cà phê D. Hôm nay có hơi vắng khách. Mới vào cửa vợ tôi đã cúi gầm mặt, không dám nhìn ai cả. Còn Ngọc Lan thì ngây mặt ra, hết nhìn cô chiêu đãi viên này tới cô chiêu đãi viên kia. Tôi chọn một góc bàn xa nhất.
-Cô nào cũng đẹp cả, nhất là bộ ngực-Vợ tôi nói nhỏ.
-Nghe nói cô nào mới vào làm, cũng được chủ cho mượn tiền sửa ngực. Nghe nói vậy, không biết thật không.
Từ lúc vào đến giờ Ngọc Lan vẫn im lặng. Một cô chiêu đãi viên tươi cười đến hỏi ba người muốn uống gì. Vợ tôi và tôi chọn Pepsi. Ngọc Lan nói hãy để thong thả, sẽ chọn sau. Khi cô chiêu đãi viên đi rồi, tôi ngac nhiên nghe tiếng nấc như muốn khóc ở đâu đó. Tôi xoay người nhìn quanh. Tiếng nấc tiếp tục lớn hơn. Hình như ngoài tôi ra không ai nghe tiếng nấc cả vì bận chơi bingo hay xem bóng đá trên TV. Tôi nhìn kỹ vợ tôi rồi nhìn Ngọc Lan. Vợ tôi đang nói nhỏ cái gì đó vào tai Ngọc Lan, còn Ngọc Lan thì ràn rụa nước mắt, miệng như muốn khóc òa lên. Tôi hoảng hốt hỏi:
-Sao vậy?
Ngọc Lan vừa lau nước mắt vừa nói:
-Em thấy thân phận phụ nữ ở đây thật là...mất phẩm giá, thiệt tội nghiệp, chỉ là đồ chơi của đàn ông. Thôi, đi về anh.
Tôi trả tiền. Cả ba kéo nhau ra cửa. Tôi vừa mở khóa xe vừa nghĩ: "May mà cô ta không đi xem vũ sexy; nếu đi, cô ta sẽ thấy phụ nữ Mỹ mất phẩm giá hơn nữa". Trên đường về nhà, không ai đề cập đến tiệm cà phê D., chỉ nói về shopping, thời tiết...
Ngọc Lan ở chơi với chúng tôi ba ngày rồi về chỗ thằng Kha. Ba ngày sau cô ấy qua chào chúng tôi, nói sẽ trở về Việt Nam ngày hôm sau. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Sao về sớm vậy?
-Em có việc phải về.
Một hôm tôi thấy Kha lái một cái xe mui trần cũ rích ngang nhà tôi. Tôi vẫy tay gọi nó lại.
-Ủa, chiếc xe chú mua giùm đâu rồi?
-Con bán rồi.
-Bao nhiêu?
-Lỗ 800.
-Cái xe này mua bao nhiêu?
-4500
-Đưa giấy tờ chú xem được không?
Tôi xem giấy tờ xong, trả lại cho nó:
-Xe này mà 4500. Bộ con... giỡn với chú sao. Nhìn cái xe và thuế chú biết ngay. Còn nữa, xe này là xe salvage, ghi rành rành trên giấy, không thấy sao?
-Salvage là sao chú?
-Xe bị tai nạn, hư hỏng, phế thải, được sửa lại.
-Chú đừng mét má con nghe. Tại...tại...Thôi chú đừng mét nghe. Chỉ có 1500 thôi.
-À, mi muốn lừa má mi, lấy tiền xài, phải không?
-Không phải...hoàn toàn như vậy đâu. Giá 4500 con cũng mua. Tại nó giống cái xe trong game.
-Thôi, tao xin đầu hàng mày. Tiền cha mẹ làm ra đâu phải dễ.
-Ăn thua chi chú. Má con sửa sắc đẹp tốn cả 10, 000
-Mầy nói gì? Sửa ở đâu? Sửa gì?
-Sửa đủ thứ, chủ yếu là sửa ngực. Bộ chú không biết sao. Mới xong hôm qua. Má con đang nằm dưởng sức tại chỗ bác sĩ.
Tôi về nói lại chuyện này với vợ tôi. Vợ tôi nói:
-Hèn chi em gọi về Việt Nam ba bốn lần đều không gặp Ngọc Lan. Để em đi thăm cô ấy. Bây giờ có một số bác sĩ thẩm mỹ ngoại quốc qua đây sửa sắc đẹp chui. Dĩ nhiên có người giỏi nhưng cũng có người hành nghề bừa bãi. Coi chừng cô ấy ham rẻ...
-Em khỏi lo. Nếu cô ấy ham rẻ thì đã về Việt Nam sửa rồi. Thôi, cô ấy muốn dấu thì xem như mình không biết gì cả.
Bồ Tùng Ma
 

ticon

Cựu Ban điều hành
#12
Ðề: Những mẩu chuyện từ nước Mỹ

Mối Tình Muôn Dặm

Tác giả: Bồ Tùng Ma



***

Phương gọi điện thoại cho tôi, giọng lo lắng:
-Chết con rồi, chú ơi! Con bị out of status rồi.
-Tại sao?- Tôi hỏi.
"Out of status" đây có nghĩa là tình trạng không hợp pháp của một du học sinh, thường do không đi học theo đúng quy định của Sở Di trú hay bỏ học.
Đợi tôi hỏi lần thứ nhì Phương mới nói:
-Con chuyển qua trường mới. Giấy nhận học I-20 ghi "The student is expected to report to the school no later than 03/04/20..". Con cứ đinh ninh tháng tư mới trình diện trường. Không biết trí óc con lúc đó chạy đâu mất, chứ ai mà không biết ngày tháng trên I-20 viết theo lối Mỹ. Nhưng mà... có trình diện trường đúng quy định cũng đâu có đủ tiền học để đóng cho họ.
- Vậy Phương trình diện trường trễ 1 tháng?
-Dạ không, hơn một tháng rưởi. 20 tháng 4 con mới đến trường. Con nghe nói quá 3 tháng mới bị out.
-Cũng có trường dễ dàng như vậy. Họ cho mình out họ cũng chẳng ăn cái giải gì, nên họ đợi. Trường của con thuộc loại khó. Có chắc con bị out không?
-Chắc chắn. Con hỏi kỹ rồi. Có cách gì không chú.
-Còn mấy tháng nữa visa của con hết hạn?
-Dạ 6 tháng.
-Con đến một trường "dễ dàng" nào đó, loại trường ế ẩm, nói rõ tình trạng bị out của con. Trường sẽ cấp một I-20 khác cho con. Con ra khỏi nước Mỹ, thí dụ về Việt Nam, qua Mexico...
-Không được đâu chú. Con không muốn rời nước Mỹ.
-Để chú nói hết. Con ra khỏi Mỹ, xong trở lại Mỹ. Hải quan Mỹ đóng dấu vào I-20 mới...
-Không, con không muốn cách đó.
-Tuỳ con. Còn một cách nữa
-Cách gì chú?
-Lấy chồng.
-Con không quen ai có quốc tịch Mỹ để kết hôn cả.
-Không, con có thể kết hôn với một du học sinh.
-Thôi, chú đừng đùa tội nghiệp con. Con đang rối cả ruột đây.
-Chú không đùa. Chú nói chuyện đứng đắn. Con có thể kết hôn với một du học sinh F1. Như vậy con sẽ là F 2 dependant (Loại visa dành cho vợ, chồng và con vị thành niên của du học sinh F1). Con có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp nếu chồng của con cũng học hành một cách hợp pháp.
-Thật không chú?
-Sao lại không thật. Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào cho con được lưu lại Mỹ một cách hợp pháp. Mọi việc khác tính sau. Ở đây chú chỉ nói sơ lược, giống như gợi ý cho con.
-Chú có thể nói thêm một ít chi tiết được không?
-Hai người đem nhau đến county làm hôn thú. Chồng con đến trường anh ta đang học nộp đơn xin I-20 cho con theo diện F-2 dependant . Nhớ phải chứng minh tài chánh.
-Như vậy khỏi cần luật sư hả chú?
-Khỏi cần.
Hơn hai tháng sau Phương mới đến nhà tôi. Tôi hỏi:
-Mọi việc xong xuôi rồi quên mất chú, phải không? Chẳng thèm liên lạc gì cả.
-Đã xong đâu chú.
-Sao vậy?
Phương không trả lời câu hỏi của tôi:
-Thiếm đâu rồi chú?
-Sắp về bây giờ. Lâu nay Phương làm gì?
-Con sống với dì Lợi của con ở Riverside, chỉ cách nhà chú chừng 1 giờ lái xe. Dì Lợi là em cô cậu với má con. Dượng Lợi đang còn ở Việt Nam. Trong cái nhà rộng thênh thang chỉ có dì Lợi, anh Lộc và con.
-Có làm việc gì kiếm thêm tiền không?
-Dạ không. Chỉ giúp việc vặt trong nhà.
-Sao con không học thêm tiếng Anh?
-Ai cho học chú.
-Vẫn học được như thường. Học non-credit. Ở Mỹ có nhiều trường dạy tiếng Anh cho người lớn. Trường không cần biết học sinh thuộc loại nào. Trước đây Trường Evans Adult School ở Los Angeles được Sở Di trú cho phép dạy tiếng Anh cho du học sinh theo quy định của Sở Di trú; đồng thời có thể dạy tiếng Anh cho bất cứ ai. Du học sinh học có credit tức học theo quy định của Sở Di trú, thì phải đóng tiền, còn loại học sinh khác thì khỏi đóng tiền. Nhưng du học sinh học có credit thì được chuyển lên college hay university, còn du học sinh khác, thí dụ như Phương bây giờ, thì không được tiếp tục học college hay university. Cách dạy, chất lượng dạy giống nhau, không hề có sự phân biệt.
-Có ai nói cho con biết đâu. Bây giờ không cần thiết nữa.
Tôi linh cảm thấy có cái gì không ổn trong cuộc sống của Phương hiện nay tại Mỹ. Tôi biết dì của Phương mới qua Mỹ nhưng rất giàu, dư sức cho Phương mượn tiền đóng tiền học. Vậy mà không... Tôi nhìn Phương. Từ ngày qua Mỹ, đã hơn 8 tháng nay, em vẫn mặc một bộ áo quần như vậy. Có lẽ đây là bộ áo quần ăn ý và đẹp nhất của Phương nên em vẫn diện trong những lúc cần đi đâu. Phương là một cô gái đẹp trên mức trung bình rất nhiều, với dáng người không cao không thấp, với vẻ mặt rất linh hoạt qua đôi mắt sáng và to. Đặc biệt khi Phương nói chuyện với những người đáng vai cha chú như tôi, em rất từ tốn, nhỏ nhẹ; nhưng khi nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa, em rất cởi mở, cười nói ồn ào, có khi đùa những câu rất bạo. Điều này làm nhiều người hiểu lầm. Một bà hàng xóm, bà Bê, hay chê Phương. Bà Bê là người trước đây tôi thuê chở du học sinh đi chỗ này chỗ nọ. Có khi bà Bê cũng làm người mẫu (model) cho các em thi nail. Bà rất mê làm người mẫu. Bây giờ bà không được làm nữa vì du học sinh mới qua không được thi nail như trước, nên hay qua nhà tôi tiếp xúc với các em để lấy lại "dư hương ngày cũ". Bà hay chê các em dễ nhìn, đẹp; chứ ít khi chê các em xấu. Có lần bà nói về Phương:
-Con nhỏ này coi bộ lẳng lơ.
-Lẳng lơ chỗ nào?-Tôi hỏi.
-Nói chuyện, miệng cười mắt liếc.
-Nó chỉ ngước mắt nhìn chị để nói chuyện. Trước đây con Quỳnh nói chuyện với chị, không nhìn chị, chị lại nói nó gian.
-Khi con Phương đi, tôi thấy cái mông nó đưa qua đưa lại. Con gái như vậy thì...
Tôi cười nói:
-Tôi thấy nó chỉ hơi...nhúc nhích thôi, trông cũng hay. Bà Hạnh, mẹ cô ta, cũng có cái mông như vậy, ai dám bảo bà ấy lẳng lơ.
Thật vậy. Các du học sinh nam đều có ý nghĩ như tôi qua những tiếp xúc với Phương. Dĩ nhiên tụi hắn dễ nhận biết điều này hơn tôi bằng những câu đùa bỡn, ỡm ờ; còn tôi, không lẽ...
Hầu như tất cả các nam du học sinh quen biết với tôi đều muốn tán tỉnh Phương, nhưng không ai thành công, ngay cả những em thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Trong số những em này có Nam, một người trồng cây si rất lớn vào Phương nhưng làm như không phải tình yêu này chỉ xuất phát một chiều từ phía cậu ta. Nam hay khoe mối tình tưởng tượng này bằng những câu nói "coi vậy mà không phải vậy". Có lần trong một buổi ăn sáng ngoài phố Tàu với tôi và một số du học sinh, Nam nói:
-Đôi khi có nhiều điều nên nói rõ để khỏi hiểu lầm.
-Cái gì vậy?-Tôi hỏi.
-Nhiều người cứ đồn là...
Thấy Nam có vẻ ngập ngừng, một em hỏi:
-Làm gì mà ngập ngừng thế?
-Nhiều người đồn là Phương và Nam yêu nhau. Đừng nói vậy không hay. Phương có bồ bên Việt Nam.
-Ai đồn đâu. Khi không nói gì lạ thế.- Các em cười ồ lên.
Phương nghe nói lại việc này, chỉ cười. Cái cười này ngụ ý nói: Chuyện này như chuyện cổ tích, khỏi cần chứng minh. Nếu Phương cãi chính một cách ồn ào, có thể người ta sẽ nghi ngờ.
Thấy tôi ngồi suy nghĩ như đang tính toán, giải quyết một vấn đề cam go, Phương đi xuống bếp.
-Chưa nấu cơm hả chú? Con nấu cơm nghe.
Không đợi tôi trả lời, Phương nấu cơm và rửa chén bác. Ở nhà tôi, Phương rất tự nhiên, hay giúp vợ tôi trong việc nấu nướng. Em rất siêng năng. Tôi không nghĩ khi sống với bà dì em không làm việc vì lười biếng. Chắc phải có vấn đề gì đây.
Tôi càng thắc mắc hơn khi thấy vợ tôi và Phương hay thì thầm với nhau. Tối lại khi Phương từ giả ra về, vợ tôi nói:
-Con Phương xin ở tạm nhà mình chừng vài tuần. Một tuần sau nó mới đến.
Tôi cười nói:
-Chắc em muốn có người phụ tá. Thì nó cứ đến ở, có sao đâu. Em nói với nó như vậy chưa?
-Em nói rồi.
Hai ngày sau tôi ngạc nhiên thấy Phương đến nhà với hai cái va-li lớn.
-Con đến ở với chú thiếm vài tuần rồi về Việt Nam.
-Ủa...
-Chú ơi. Con bối rối, dằn vặt lắm. Ba má con dành dụm tiền cho con đi du học, thiếu trước hụt sau. Ba má con nói phải học hành đến nơi đến chốn hay tìm cách ở lại, nhưng học hành thì chú biết rồi, mà ở lại thì phải kết hôn, nhưng không thể được. Làm giả thì con không muốn, còn làm thật thì không thể...
Nói đến đây Phương khóc oà lên:
-Con có bạn trai bên Việt Nam. Con...con...không thể quên được. Con không thể quên những lần...ảnh đèo con trên chiếc xe Honda cọc cạch. Càng nhớ...nhớ ... đến cảnh ...nghèo của ảnh con càng...càng... thương, dù con ở đây cũng chẳng sung sướng gì. Còn F 2 dependant như chú nói thì có người đã sẵn sàng nhưng thấy cũng không ổn lắm. Đôi lúc con cũng ngã lòng. Xa xôi cách trở quá. Nhưng cuối cùng con cũng không quên được ảnh.
Tôi nói:
-Như vậy con nên về Việt Nam trước khi visa hết hạn. Sau đó khi có đủ phương tiện tài chánh, con xin phỏng vấn lại. Con về Việt Nam trước khi visa hết hạn, có thể dễ dàng được chấp thuận trở lại Mỹ. Chú sẵn sàng xin giấy tờ nhận học cho con. Chú sẽ tìm một trường lấy học phí rẻ.
Tôi nghĩ một cô gái như Phương, đẹp, siêng năng và dễ mến, đã qua đến Mỹ rồi, chuyện ở lại Mỹ để có một cuộc sống khá, không phải là chuyện khó. Vậy mà...
-Thiếm đâu rồi chú?
-Ở trên lầu.
Tôi trả lời rồi kéo hộ cái va-li nặng nhất của Phương vào phòng khách.
Có Phương đến ở, phòng ốc nhà tôi trở nên gọn ghẻ sạch sẽ hẳn lên. "Phải chi mình có một đứa con gái hay con dâu như Phương". Con gái tôi thuộc loại con cưng và làm biếng, khó nhờ nó việc gì được, nhất là việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Thằng con trai tôi quen toàn con gái ngoại quốc, dâu con thuộc loại này khó mà nhờ cậy những việc như Phương đã làm.
Phương ở nhà tôi hai hôm thì bà Lợi gọi điện thoại cho tôi:
-Ông là người đã xin trường cho cháu Phương phải không?
-Dạ phải, có phải đây là dì của Phương không?
Bên kia đầu giây có tiếng khóc thút thít, tiếp theo là giọng nói bù lu bù loa:
-Dạ tôi là Lợi, dì của Phương. Không biết cháu tôi có ở nhà ông không?
-Cháu ở đây hai hôm rồi.
-Vậy hả? Cho tôi gặp nó một chút.
Tôi gọi với vào bên trong hai ba lần "Phương ơi! Có bà dì gọi" nhưng không thấy Phương trả lời. Tôi nói:
-Chắc nó đi đâu đó. Nó về, tôi sẽ bảo nó gọi lại.
Lại giọng nói bù lu bù loa pha với tiếng khóc thút thít:
-Ông nghĩ coi. Cha mẹ nó gởi nó cho tôi. Ở đây dì cháu sớm hôm có nhau. Tui không cho nó đi làm, bảo nó ở nhà với tui. Thằng anh nó, thằng con tui, tuy không phải anh em ruột, mà thương nó còn hơn cả em ruột. Đi đâu hai anh em cũng có nhau. Nhà tui chỉ có hai mẹ con, tui coi nó như con gái. Vậy mà đùng một cái nó bỏ đi, không thèm nói một tiếng.
-Vậy thì bà đến đây gặp cháu. Riverside với đây đâu có xa xôi gì.
-Phải, phải. Ngày mai tôi đến được không?
-Dạ được chớ. Buổi chiều từ 6 giờ đến khi đi ngủ thường lúc nào vợ chồng tôi cũng ở nhà, chỉ có mấy cháu thỉnh thoảng mới đi đâu đó.
-Chiều mai Phương cũng ở nhà chớ.
-Chắc nó ở nhà. Bà biết tánh nó rồi, ít khi đi ra ngoài, cũng không đua đòi như những cô gái khác.
Hôm sau mới hơn 5 giờ 30 tôi đã thấy hai người, một đàn ông và một đàn bà, đứng ngoài cổng. Tôi đoán đó là bà Lợi và con trai bà. Tôi đi ra cổng:
-Chắc đây là dì của Phương.
-Phải. Đây là Lộc, con trai tôi.
Sau khi chào hỏi, tôi mời hai người vào phòng khách. Dì của Phương vào khoảng 60 tuổi. Đó là một người đàn bà có khuôn mặt hoàn toàn trái ngược với những ngôn từ đầy ắp tình thương con cháu như tôi đã nghe hôm qua. Nhìn bà ta, tôi cứ ngờ ngợ như đã trông thấy bà trên sân khấu, trong vai một phụ nữ gian ác nào đó. Cậu con trai của bà vào khoảng 30 tuổi, khổ người đẫy đà với cái bụng phệ mà lẽ ra chưa thành hình với số tuổi này của cậu ta. Có những người khi mới gặp, ta đã thấy mất cảm tình ngay qua cái nhìn của họ. Rồi sau khi nghe họ thốt vài lời, có một cử chỉ gì đó, dù rất nhỏ nhặt, ta biết ngay không thể nào chơi với họ được. Cậu con trai bà LợI chính là loại người này.
-Con Phương đâu rồi ông?
Nghe bà Lợi hỏi, tôi gọi với vào bên trong:
-Có dì Lợi tới Phương ơi!
Tôi gọi hai ba lần vẫn không thấy Phương trả lời. Tôi vào bếp, rồi lên lầu, vẫn không thấy Phương. Vợ tôi từ phòng tắm bước ra nháy mắt nói:
-Nó đang trùm mền nằm trong phòng ngủ con Trâm. Nó không muốn gặp họ đâu.
-Sao lạ vậy?
-Lạ gì mà lạ. Anh cứ xuống nói nó đi chơi rồi.
-Nhưng tôi đã bảo nó ở nhà. ..
-Cái ông này...Thì cứ xuống nói là nó đi rồi.
Tôi xuống phòng khách nói không thấy Phương đâu cả. Lộc nhìn lên lầu:
-Chắc nó ở trển chớ đâu.
Tôi bực mình nhưng cố dằn lại:
-Không, có lẽ nó đi shopping.
Lộc cười nhạt:
-Con đó mà đi shopping.
Tôi nổi doá:
-Anh muốn nói gì? Bộ anh nói tôi dấu nó hả?
Lộc ngồi dậy, lưng hơi cong như nhún vai, mặt ngước xéo lên trần nhà, ngón tay trỏ và tay cái làm thành hình chữ O cầm điếu thuốc. Bước ra khỏi cửa rồi hắn mới nói:
-Xin lỗi, ra ngoài hút thuốc.
Bà Lợi nói:
-Ông đã hứa với tui là bảo con Phương ở nhà...
- Tôi chỉ nói "chắc Phương ở nhà, vì ít khi đi ra ngoài" . Nó đâu phải tội phạm mà tôi nhốt nó lại.
-Không tội phạm hả?-Từ ngoài hiên Lợi nói vọng vào.
Tôi hơi chột dạ. Không lẽ Phương làm điều gì phạm pháp ở Riverside rồi trốn xuống đây. Thấy tôi yên lặng, Lợi bước vào nhà, nói tiếp một cách đắc ý:
-Du học sinh mà không chịu đi học, để trường báo cáo với Sở Di trú.
Bà Lợi nói:
-Ông thấy chưa. Tôi đã không tuân luật pháp, chứa chấp nó, dấu nó trong nhà, thương nó như con ruột, vậy mà nó vô ơn, bỏ đi không thèm nói một tiếng.
Lộc tiếp lời mẹ:
-Luật pháp Mỹ sít sao, cái gì ra cái đó. Con Tổng thống Mỹ đi chơi bậy bạ còn bị cảnh sát bắt; cảnh sát trưởng Mỹ, lái xe quờ quạng cũng bị còng.
Tôi bỗng cười lớn. Hai mẹ con bà Lợi nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi nhìn lại họ một cách chế giễu. Tôi tự hỏi không biết hai mẹ con người này đến Mỹ theo diện di trú nào, giống như họ từ đâu rơi rớt đến đây. Họ, đang dạy pháp luật cho tôi. Họ "cầm đuốc chạy trước đèn pha xe hơi". Tôi định nói với họ thật rõ ràng rằng việc out of status của Phương chỉ bất hợp lệ đối với việc học hành, nghĩa là em không thể học tiếp được; còn đối với luật pháp Mỹ về việc cư trú, visa của em vẫn còn có giá trị vài ba tháng nữa. Nhưng dù visa của em quá hạn, cũng không phải là một cái gì ghê gớm như mẹ con bà Lợi nói. Hai ba lần tôi định nói rõ như vậy, nhưng tôi nghĩ: "Thằng này nói gì, mẹ nó nghe nấy. Nó đã ngu thì cho nó ngu luôn, hơi đâu cắt nghĩa cho nó biết". Một lát sau tôi nói:
-Nếu vậy thì cứ để Phương ở đây.
-Chú nói sao? Để Phương ở đây? Nhà cửa như thế này thì Phương ngủ ở đâu?
Lộc nói như hét , rồi đưa mắt nhìn lên lầu, chân tay nhúc nhích như muốn đi lên. Tôi nói:
-Cậu không muốn nó ở đây hả? Cậu gọi cảnh sát đi. Thật vô lý, bất lịch sự, khi không hai người đến đây làm chúng tôi mất thì giờ, thêm khó chịu. Xin lỗi, chúng tôi phải đi có việc.
Tôi vừa nói vừa đứng dậy.
Đợi hai mẹ con bà Lơị đi rồi, tôi mới lên lầu gặp vợ tôi:
-Chắc em đã nghe hết chuyện.
-Nghe không sót một tiếng.
-Chắc con Phương cũng nghe.
-Chắc vậy. Nhưng nó làm bộ ngủ. Tội nghiệp.
-Lạ thật. Không hiểu sao bà Lợi ...thương cháu quá.
-Thương? Tìm một "người giúp việc" như Phương đâu phải dễ. Phương nói chỉ cần clean cái nhà 5 phòng mỗi buổi sáng cũng đã muốn chết, chưa nói đến việc khác.
-Thì ra là vậy. Nhưng không hiểu sao thằng Lộc cũng thương cô em họ quá.
Vợ tôi im lặng. Tôi hỏi:
-Em biết sao không?
Một lát sau vợ tôi mới nói nhỏ:
-Xuống phòng khách đi.
Chưa ngồi xuống sô-pha tôi đã hỏi:
-Sao?
Vợ tôi nói:
-Làm gì mà nôn vậy. Con Phương dặn đi dặn lại đừng nói với ai cả, nhưng em thấy nên nói với anh.
-Nói đi!
Vợ tôi kề miệng vào tai tôi:
-Thằng Lộc thích con Phương.
-Sao được, bà con mà.
-Vấn đề không phải là bà con gần hay xa, mà ở chỗ khác. Thằng Lộc gạ gẫm con Phương mãi. Con Phương không chịu, nói hai đứa có liên hệ bà con, hơn nữa Phương đã có bạn trai ở Việt Nam. Thằng Lộc gạ gẫm không được, làm ẩu.
-Làm ẩu?
-Hôm kia con Phương đau gì đó. Thằng Lộc nói để nó đi mua thuốc cho Phương. Sau khi uống thuốc, Phương buồn ngủ rồi mê man. Không biết bao lâu sau, Phương vừa tỉnh giấc thì thấy có vật gì nặng đè lên người. Mấy giây sau Phương mới nhận ra đó là Lộc. Phương hét lên, xô ra. Thằng Lộc ngồi dậy, đi ra ngoài. Phương mặc lại áo quần, chạy đi tìm bà Lợi. Cả nhà không có ai cả, thằng Lộc cũng biến đâu mất. Phương vội vàng thu xếp va-li, nhờ cô bạn chở đến đây.
-Nhưng con Phương đã bị... chưa?
-Em hỏi đi hỏi lại hai ba lần, Phương nói chưa bị gì cả.
-Thật khốn nạn! Như vậy thằng Lộc thấy hết rồi.
-Thấy gì? À, dĩ nhiên. Nhưng sao anh nói vậy?
-À, không.
Vợ tôi mãi suy nghĩ chuyện gì đó nên không để ý đến câu trả lời của tôi. Lát sau bà ấy nói:
-Còn thằng Nam, thật tội nghiệp, đồng ý làm hôn thú để con Phương trở thành F2 dependant một cách ... vô điều kiện. "Chỉ kết hôn trên giấy tờ thôi, còn Phương muốn...gì tuỳ ý...". Nam nói với Phương như vậy.
Lát sau có lẽ biết hai người kia đã rời nhà, Phương xuống phòng khách. Em rưng rưng nước măt nói:
-Con muốn đổi vé về Việt Nam sớm hơn.
-Sao không ở chơi với chú thiếm, về chi gấp vậy, lại tốn thêm tiền dời vé, ít nhất cũng 150 đô-Vợ tôi nói.
-Ảnh bảo con về sớm có việc gì đó.
-Bạn trai con hả? Để mai chú đưa Phương lên phi trường-Tôi nói.
-Dạ cám ơn chú. Nhưng bạn con sẽ đưa con đi.
Tôi định nói Phương đừng ngại để tôi đưa Phương đi thì bỗng nghe có tiếng chân người phía ngoài. Tôi đứng dậy bước về phía cái cửa chính đang để ngỏ. Tôi suýt chạm phải một người sồng sộc đi vào.
-Xin lỗi chú. Chuyện gia đình cần thiết nên...
Lợi nói với tôi rồi bước nhanh đến chỗ Phương đang ngồi, lấy hai tay giữ vai Phương lại, như sợ em đứng dậy bỏ đi:
-Có gì không phải anh xin lỗi em hết. Em muốn gì anh cũng chiều. Anh sẽ làm hôn thú với em, đến Sở Di trú bảo lãnh cho em ở lại Mỹ...
-Không, không! Anh đừng nói bậy nữa. Tụi mình là bà con, hơn nữa anh... Thật không ngờ, khốn nạn quá!
Lợi cuối xuống nói nhỏ bên tai Phương nhưng tôi vẫn nghe:
-Tại...tại...anh thương em quá. Em cũng biết đó, anh có làm gì em đâu. Anh vẫn giữ...cho em.
Phương vùng dậy, hất tay Lợi, đi nhanh ra sau bếp. Lợi chạy theo. Tôi cũng chạy theo nắm lấy cổ áo Lợi kéo hắn ra phòng khách. Lợi quát lên:
-Tại sao... sao chú can thiệp chuyện gia đình người ta!
-Đây là nhà tôi hay nhà anh? Anh muốn tôi gọi cảnh sát không? Anh nên nhớ có cả "người nhà anh" là Phương làm chứng đó.
Lợi quắt mắt nhìn tôi:
-A, thì ra tụi bây ...a tòng với nhau, làm chuyện ám muội.
Tôi điên tiết, vừa xô Lợi ra cửa vừa nói:
-Ừ, a tòng. Mầy làm gì được thì làm.
Hai ngày sau đó Phương đổi vé về Việt Nam sớm hơn dự định. Cô bạn thân của Phương đưa Phương lên phi trường.

***
Ở Việt Nam Phương vẫn thường email cho tôi, đôi khi chat. Phương nói hiện đang làm việc tại một ngân hàng tư. Tôi rất mừng thấy Phương đang có công ăn việc làm ổn định. Nhưng rồi một hôm vợ tôi đi làm về, chưa kịp bước vào nhà, bà ấy đã nói:
-Nam nói có thấy Phương ngồi chung với một người đàn ông trong xe hơi ở San Diego.
-Chắc nó nhìn lầm.
-Nam chắc chắn 100%.
-Có thể nó nhìn lầm. Em cũng biết Nam yêu Phương, nên nhìn đâu cũng thấy Phương.
-Nam nói nó chào Phương và Phương gật đầu chào lại.
-Ở ngoài đường có một người lạ hoắc chào em, em có chào lại không? Em còn giữ số điện thoại của Nam không?
-Bậy quá, em quên, xoá mất rồi. Thôi, thây kệ tụi nó. Toàn là thứ trời đánh thánh đâm.
Nghe bà vợ nói vậy tôi cũng đâm ra chán ngán, cho đến một hôm Phương gọi tôi:
-Chú đó hả?
-Phải.
Phương cười dòn tan bên kia đầu giây:
-Con không chắc chắc gì cả nên không thông báo cho chú, sợ chú mừng hụt.
-Phương nói gì vậy?
-Con đã kết hôn. Chồng con là bạn trai con ở Việt Nam mà con nói với chú đó. Ba ảnh bảo lãnh ảnh theo chương trình Mac Cain, trật lên, trật xuống mấy lần mới được. Con đã qua Mỹ, đang ở San Diego. Con có thấy Nam hôm chú của chồng con chở tụi con đi xin việc. Con bảo chú quay xe lui tìm Nam thì không thấy Nam đâu cả. Chú biết số điện thoại của Nam không chú? Con định lên thăm chú thiếm mấy lần nhưng bận quá chưa lên đuợc. Con không gọi điện thoại cho chú thiếm. Con muốn dành cho chú thiếm một sự ngạc nhiên.
Bồ tùng ma