Nước Mỹ tuần qua – Số 6 - 11-04-2010

#1
Tác giả: Hiệu Minh
Copyright (C) – Nguồn “Blog Hiệu Minh”

Chủ đề tuần này liên quan đến biên giới hải đảo và cả hiệu sách nổi tiếng của Mỹ mang tên Borders, một sự trùng lặp ngẫu nhiên.

Bác Nguyễn Tấn Dũng sắp sang Washington DC dự Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân toàn thế giới do Obama chủ trì và nhân thể thưởng ngoạn hoa anh đào Nhật Bản…sắp tàn.

Hy vọng, các anh chị tùy tùng đưa Thủ tướng thăm quanh hồ Tidal Basin và liệu có học được gì cách quản lý Hồ Tây hay Hồ Hoàn Kiếm hay chăng.

Mấy trăm cái hồ, ao của Hà Nội nay chỉ còn vài chục cái. Nếu trồng đào Nhật Tân, mai vàng xứ Huế quanh các hồ còn lại, du lịch Nhật nhiều tiền lại tràn sang Việt Nam chưa biết chừng.


Tình hình đón đoàn

Thông báo trên mạng nói dân mình về DC “đón” đoàn CP VN khá “long trọng”. Biết đâu mấy quán phở phát không một tô nếu tham gia. Không riêng người gốc Việt, người gốc Hoa cũng đang kéo về DC để “ủng hộ” ông Hồ Cẩm Đào.

Nghe nói có tới 50 VIP đến DC, dự đoán có biểu tình lớn, ủng hộ bom hạt nhân răn đe lẫn chống dùng nguyên tử. Rồi dân chủ nhân quyền sẽ được lên tiếng trước Nhà Trắng, hy vọng các vị nguyên thủ nghe thấy.

Xem danh sách gặp tay đôi với Obama thấy những nước lớn như Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Israel. Nước mình chưa có bom nguyên tử nên bác Dũng không có “ý định” gặp Obama.


VN được mời cũng là một thành công lớn trong bang giao, vì chả có bom, không nhà máy hạt nhân. Chục năm trước đây ở Hà Nội, dân buôn lậu mang mấy hộp chì đựng uranium đầy phóng xạ để gầm giường. Mấy kỹ sư mang máy đo phóng xạ đến cột điện ngoài phố đo và tuyên bố…vô hại.

Có hai ông bà đã phản đối chiến tranh và vũ khí nguyên tử bằng cách cắm lều trước Nhà Trắng từ những năm 1980 đến nay. Người Mỹ rất tự hào về biểu tượng dân chủ này. Không hiểu hai cụ lấy gì mà ăn và output ở đâu.

Ra Nhà Trắng xem anh Obama chuẩn bị mà thấy thất vọng. Chả thấy cờ quạt, khẩu hiệu hoan nghênh gì cả. Chỉ thấy hàng rào ngang dọc trên đại lộ Pennsylvania, an ninh đang được thắt chặt. Cảnh sát đứng khắp nơi. Tuy nhiên phố phường vẫn yên bình. Có chú ngựa cảnh sát còn đứng cho du lịch chụp ảnh.

Gặp mấy bác gốc Việt nhà mình đi xe lăn với con cháu. Có lẽ từ các bang khác tới vì nghe hỏi loáng thoáng đường ra Mall. Một chị giải thích, đây là National Mall – quảng trường quốc gia, không phải Shopping Mall – trung tâm buôn bán, cụ ngớ ra “Ủa, lộn rồi”.



Quan hệ Mỹ – Á

Quan hệ Trung Mỹ thông qua hội đàm “Washington-Mao Trạch Đông” (đồng đô la và tệ yuan) đang được xoa dịu vì ông Hồ Cẩm Đào sang dự hội nghị hạt nhân thế nào cũng ghé Nhà Trắng chơi. Tuần rồi, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner đến thăm Bắc Kinh để thảo luận tỷ giá đồng nhân dân tệ.


Trung Quốc dìm giá đồng Tệ (yuan) và giúp cho xuất khẩu tăng với giá rẻ, đánh bại các đối tác khác, mang mức thặng dư thương mại khổng lồ. Ngược lại Mỹ và các nước Tây Phương giao dịch với Trung Quốc lâu nay vẫn phải chịu thâm hụt thương mại rất lớn vì đòn mang hình Mao Trạch Đông, tưởng Tệ yếu, nhưng quả thật mạnh hơn cả đồng đô la mang hình Washington.

Tin từ Campuchia cho biết, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng nhất của nước này. Từ năm 2006 tới nay, Phnom Penh nhận các dự án đầu tư của Trung Quốc trị giá khoảng 6 tỉ đô la, và những khoản vay bao gồm cả viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 2 tỉ đô la.

Nên nhớ Campuchia có khoảng 15 triệu dân, tổng sản lượng khoảng 10 tỉ đô la. Với 8 tỷ đô la, Trung Quốc mua cả nước chùa tháp.

Phía Mỹ tức điên khi thấy Campuchia trả mấy chục người Tây Tạng trốn tại nước này cho phía Trung Quốc. Cao bồi cắt viện trợ quân sự, nhưng người khmer cười khẩy.

Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao các khoản đầu tư của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng những người bạn như Trung Quốc là người mà ông muốn có. Vì theo ông, không giống như những nước cấp viện khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Bác Hun Sen biết tiếng Việt hơn cả người Việt, làm luận án PTS tại Hà Nội và có villa khắp Đông Dương kể cả Vũng Tàu.



Tin vịt biển Đông

Dân hải ngoại tỏ ra lo lắng khi thấy tin tức về đảo Bạch Long Vĩ trên mạng. Mấy tuần trước có chuyến thăm của bác Triết ra đảo này. Nhiều người đọc tưởng chỉ là chuyến thăm mang tính trình diễn chính trị.


Không phải ngẫu nhiên mà ông khẳng định: “Dù là đảo nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế – xã hội”. Đọc kỹ sẽ thấy tín hiệu nhiễu ra đa, có kẻ lạ đang dòm ngó hòn đảo bé tý này.

VN chủ trì hội nghị ASEAN đã cố gắng đưa lên bàn nghị sự những qui tắc ứng xử biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên vào giờ chót, chỉ công bố qui tắc ký với Trung Quốc năm…2002. Từ đó đến nay, xem cách ứng xử “tậu lạ đâm tầu quen” sẽ hiểu những qui tắc được tôn trọng như thế nào trong thực tế.

Trích tin Anhbasam “Ngày 6-4, bản tin tiếng Trung trên tờ Nhân dân Nhật báo nói về việc Việt Nam lợi dụng chức Chủ tịch để thảo luận vấn đề biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Asean, bài viết có đoạn: “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”. Nguyên văn trong bài báo: 越南自1957年开始控制白龙尾岛,但中国不承认越南对该岛的主权”. Báo chí thế giới bắt đầu đăng tải tin về hòn đảo này.

Thời chiến tranh với Mỹ, đảo Bạch Long Vĩ gần như bị san phẳng bởi vị trị chiến lược về quốc phòng, một nơi án ngữ giữa biển khơi. Giá trị kinh tế cũng quan trọng vì trong chu vi 75 hải lý không có dải đất nào trồi lên thành đảo, cá tôm tập trung quanh đảo rất nhiều. Hải phận quanh Bạch Long Vĩ là một ngư trường lớn trong Vịnh Bắc Bộ.

Viết tới đây chợt nhớ bài hát “Bạch Long Vĩ đảo quê hương” thời chiến tranh. Blogger nhớ học cho thuộc lời. And seat belt, please, thắt lưng cho chặt.

Phía ta nên trương xung quanh đảo khẩu hiệu 16 chữ vàng. Người nhái lặn vào thám thính, đọc được sẽ biết đây là đất người quen, không xâm phạm.

Còn các vị bên tư tưởng văn hóa hay bộ 4T nên hướng dẫn cụ thể cho 86 triệu người nên yêu biển đảo như thế nào, không ảnh hưởng tới 16 chữ vàng, không bị mất đảo, blog không bị hack và không mắc tội…trốn thuế. Nên làm càng sớm càng tốt. Nước đến chân mới nhảy, sợ không kịp.

Mấy blogger nổi tiếng như Osin, Bauxit, Điếu Cày hay viết về đảo xa, biên giới gần với tầm hiểu biết quốc tế thì “im lặng” hết rồi. Mấy anh khác còn được an ninh “tới thăm” vì xứ ta coi trọng tình hữu nghị 4 tốt và 16 chữ hơn.

Quechoa to mồm rồi cũng chuyển sang văn hóa, giải trí là chính, đăng ảnh sưu tầm hàng trăm mông các em sexy, rồi cho ngồi lên mặt lão HM. Còn mỗi anh Basam đơn độc. Các tờ hải ngoại bị firewall.

Đất nước yếu quân sự, ngoại giao kém vì yếu tiếng Anh, phải dựa vào ngoại giao nhân dân. Trong khi đó, dân hơi quá lời về “tin lạ” sẽ bị alo, rồi an ninh hỏi thăm. Biển đảo lâm nguy là phải thôi. Viết entry này không hóm hỉnh nổi như mọi khi.



Hiệu sách Borders

Tuần này bàn về sách bên xứ cờ hoa. Những cuốn mới ra thường có giá 30-50$. Mình ít tiền phải đợi hạ giá, như quần áo. Cuốn “My Life – Đời tôi” của Clinton mới ra bán như tôm tươi, khi đọc xong nhiều người thấy cũng thường, gọi là “My lies – nói dối của tôi”.


Sách không có fashion (mốt) nên dễ dùng hơn. Tuy nhiên bản quyền được tôn trọng, không có chuyện mang một cuốn sách ra hiệu photocopy. Viết sách bên Mỹ dễ thành triệu phú.

Mua sách cho trẻ phải ra nhà thờ hay bán đồ cũ, 1$-2$/cuốn. Hoặc vào thư viện county (xã) mượn trong 2 tuần, kể cả DVD/CD mang về xem thoải mái, tuần sau đổi đĩa mới.

Trả trễ bị phạt 50 cents/cuốn, đánh mất phải trả bằng tiền cuốn sách mua mới. Đến thư viện đăng ký phải đưa số an sinh xã hội (social security), bằng lái xe, địa chỉ nhà, nên chạy đằng trời nếu làm mất sách.

HM hay đưa bạn từ VN đi shopping, trong lúc đợi thì vào trong hiệu sách đọc chùa. Hệ thống hiệu sách như Borders hay Barnes & Noble trải khắp nước Mỹ. Borders kiếm hàng chục tỷ đô hàng năm vì “buôn” sách.

Ít tiền vào hiệu sách đọc, có Starbucks núp anh chàng Seattle’s Best Coffee ngon tuyệt vời, wifi miễn phí, viết blog được, ngồi cả ngày chả sao. Đọc xong vứt đó, có người dọn. Họ thấy mình vào đọc sách là thích rồi. Thế nào cũng có lúc mua.

Borders trong tiếng Anh là biên giới. Nhà sách biên giới thì có thể thoải mái để khách hàng ra vào. Nhưng biên giới quốc gia không nên để người khác xâm phạm. Vì họ không mua như mua sách mà “lấy” ngang nhiên.

Lão già HM rất thích sách về chiến tranh VN, chẳng có tiền, nên Borders là nơi ưa thích đến mua “giả vờ”. Nhà lão không có cuốn tiếng Anh nào. Trên giá, toàn sách do các bạn mua từ VN đọc trên máy bay, lúc về hàng hóa nhiều quá, thế là “tặng” luôn. Một số cuốn có mấy copy là vì thế.

Ai hỏi là mua gì từ VN sang, HM chỉ xin sách. Lợi cả đôi đằng, người mua đọc xong trên đường bay dài 26 tiếng, sau đó tặng lại bạn già. Vì thế mà đã có thư viện sách nhỏ tiếng Việt trong nhà. Bạn tới chơi được đọc sách chùa như ngoài Borders. Hứa sẽ có cafe hay chè Thái miễn phí.

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Hiệu Minh. 11-04-2010
 
Chỉnh sửa cuối: